1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vụ tử hình gây tranh cãi của vợ chồng “gián điệp” Mỹ thời Chiến tranh Lạnh

(Dân trí) - Vụ hành quyết Julius và Ethel Rosenberg, cặp vợ chồng Mỹ bị cáo buộc tuồn tin mật về bom nguyên tử cho Liên Xô trong thập niên 1950, cho đến nay vẫn là một trong những vụ xét xử gián điệp gây tranh cãi nhất thời Chiến tranh Lạnh.

Cặp vợ chồng Julius và Ethel Rosenberg (Ảnh: Getty)
Cặp vợ chồng Julius và Ethel Rosenberg (Ảnh: Getty)

Vào ngày 19/6/1953, hai vụ hành quyết đã diễn ra tại Sing Sing - một nhà tù được canh gác nghiêm ngặt nhất gần thành phố New York, Mỹ. Hai người bị hành quyết là cặp vợ chồng người Mỹ gốc Do Thái, Julius Rosenberg, 35 tuổi, và Ethel Rosenberg, 37 tuổi. Họ lần lượt bị đưa vào phòng xử tử.

Buồng giam của ông Julius nằm gần căn phòng đặt ghế điện hơn và ông cũng là người đầu tiên trong hai vợ chồng bị đưa vào phòng xử tử. Ông Julius chết ngay sau cú điện giật đầu tiên, nhưng vợ ông không ra đi “nhẹ nhàng” như vậy. Sau 3 lần giật điện, tim của bà Ethel vẫn đập. Do vậy, người hành quyết buộc phải tiến hành thêm hai lần nữa trước khi người phụ nữ này trút hơi thở cuối cùng. Cho đến phút chót, vợ chồng Rosenberg vẫn không nói bất kỳ lời nào.

Trước đó vài tháng, Julius và Ethel, hai người đi theo đường lối cộng sản, đã bị kết án tử hình với tội danh tuồn các bí mật hạt nhân và các bí mật quân sự khác cho các đối tượng người Liên Xô. Tại phiên tòa xét xử cặp vợ chồng Rosenberg, thẩm phán Irving Kaufman đã cáo buộc họ “đánh cắp những thông tin khoa học quan trọng nhất và chuyển chúng cho Liên Xô”.

Người thân phản bội

Ông David Greenglass (Ảnh: AP)
Ông David Greenglass (Ảnh: AP)

Vào cuối thập niên 1940, các điệp viên Mỹ đã tìm cách xâm nhập và tìm hiểu các mật mã do các điệp viên ở nước ngoài của Liên Xô gửi về nước. Dự án này có tên gọi Venona. Sau một thời gian giải mã các thông điệp được mã hóa của Liên Xô, Mỹ đã phát hiện hoạt động của một số gián điệp chuyên về bom nguyên tử, trong đó có nhà vật lý Claus Fuchs. Sinh ra ở Đức, song tại thời điểm bị phát hiện, Fuchs đang làm việc ở Anh.

Với lợi thế là đồng nghiệp và cũng là bạn của nhiều nhà khoa học Mỹ, những người hoạt động trong dự án Manhattan chuyên nghiên cứu và phát triển bom nguyên tử của Mỹ, Fuchs đã chuyển các thông tin mật về hạt nhân nguyên tử cho Liên Xô. Điều này đã giúp Liên Xô phá thế độc quyền về hạt nhân của Mỹ vào năm 1949 - 4 năm sau khi Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.

Mặc dù sống và làm việc ở Anh, song Fuchs vẫn duy trì quan hệ với một số đồng nghiệp Mỹ, trong đó có David Greenglass - người được đưa vào dự án Manhattan ở New Mexico, Mỹ năm 1944. Theo New York Times, Greenglass là một người đặc biệt.

“Bất kể có mặt ở chỗ nào, anh ta cũng đều thuyết giảng về chủ nghĩa xã hội và tìm cách thuyết phục các đồng nghiệp rằng một ngày nào đó họ sẽ được sống một cuộc đời thịnh vượng trong một xã hội viễn tưởng - nơi không có nghèo khổ và bất công”, New York Times viết về Greenglass.

Là anh trai của Ethel Greenglass, David Greenglass đã nói với em gái mình rằng chính Julius Rosenberg tuyển mộ ông để làm việc cho Liên Xô. Greenglass sau đó đã gửi cho em gái bản thảo sơ bộ và 12 trang thông tin kỹ thuật chi tiết về bom nguyên tử vào năm 1945. Tới tháng 7/1950, các đặc vụ liên bang Mỹ đã bắt giữ Julius Rosenberg với tội danh gián điệp và bị tống giam.

Tại tòa, chính David Greenglass là người đã khai ra em gái mình, nói rằng Ethel đã giúp đỡ Julius trong các hoạt động gián điệp. Greenglass sau đó thú nhận ông chỉ điểm em gái để cứu vợ mình, một người cũng có liên quan tới cáo buộc gián điệp, khỏi nguy cơ bị truy tố.

“Vợ tôi quan trọng với tôi hơn em gái”, Greenglass nói trong một cuộc phỏng vấn.

Không giống các gián điệp khác, vợ chồng Rosenberg cho đến phút cuối vẫn một mực khẳng định họ vô tội trước tòa, mặc dù việc này đã khiến tội của họ trở nên nặng hơn. Thẩm phán Kaufman rốt cuộc vẫn tuyên họ có tội và kết án tử hình, cho rằng những hành động của họ đã gây hại nghiêm trọng cho đất nước.

Sự ngờ vực

Nhà tù Sing Sing - nơi hành quyết cặp vợ chồng Rosenberg (Ảnh: AFP)
Nhà tù Sing Sing - nơi hành quyết cặp vợ chồng Rosenberg (Ảnh: AFP)

Trong suốt nhiều năm, phe cánh tả trên toàn thế giới từng đặt ra nhiều nghi vấn về cáo trạng liên quan tới vợ chồng Rosenberg. Họ cho rằng ông Julius và bà Ethel thực sự là những người vô tội và đổ lỗi cho các nhà chức trách Mỹ vì hành vi bài Do Thái.

Tới thập niên 1990, dự án Venoma được tiết lộ. Một thập niên sau đó, Morton Sobell, cựu kỹ sư của General Electric và cũng là người bị kết tội gián điệp vào năm 1951, thừa nhận rằng ông chính là điệp viên của Liên Xô, bên cạnh Julius Rosenberg.

Mặc dù vậy, thông tin trên vẫn không dập tắt những ngờ vực liên quan tới nhà Rosenberg. Vào năm 1995, luật sư người Mỹ Alan Dershowitz đã nói với tờ Los Angeles Times rằng, vợ chồng Rosenberg từng bị kết tội và đây là vụ việc được “dàn xếp”. Ông Alan nhớ lại những cuộc trò chuyện của ông với các luật sư tham gia xét xử vụ vợ chồng Rosenberg. Các luật sư này thừa nhận rằng, trong khi các dữ liệu thực tế từ dự án Venona khi đó vẫn đang bị mã hóa và là thông tin mật, cả thẩm phán lẫn các công tố viên đều chỉ dựa trên những chứng cứ yếu ớt và giả mạo để kết tội ông bà Rosenberg. Nhiều người cho đến nay vẫn không hiểu về tội trạng của bà Ethel.

“Bà ấy bị tội gì? Tội là vợ của ông Julius à?”, Morton Sobell cho biết.

Alexander Feklisov, đại tá nghỉ hưu của Cơ quan An ninh Liên Xô (KGB) từng làm việc trong giới điệp viên nguyên tử, khẳng định bà Ethel “hoàn toàn vô tội”. Còn đối với trường hợp của Julius, Feklisov nói rằng thông tin ông này tuồn cho Moscow “gần như vô ích”.

“Ông ấy không hiểu gì về bom nguyên tử, nên ông ấy không giúp gì được cho chúng tôi. Vậy mà họ vẫn xử tử ông ấy”, ông Feklisov nói.

Liên quan tới cái chết của Ethen và Julius, hai tác giả Frankie Y. Bailey và Steven Chermak từng viết trong cuốn “Những tội phạm và vụ xét xử thế kỷ” rằng: “Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh chống lại Liên Xô và một cuộc chiến tranh nóng đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên, vợ chồng Rosenberg có rất ít cơ hội để được xét xử công bằng. Những nghi vấn về tội trạng của họ vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí của nhiều người”.

Thành Đạt

Theo RBTH