1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hé lộ điều gì?

(Dân trí) - Triều Tiên dự kiến sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần 3 và đây là cơ hội hiếm hoi giới phân tích bàn luận về khả năng của chương trình hạt nhân Triều Tiên, đặc biệt là về loại thiết bị hạt nhân cũng như cách thức kích nổ thiết bị này.

 

Thiết bị hạt nhân nằm ở cuối đường hầm trong bản thiết kế mà Seoul hé lộ.
Hình ảnh thiết bị hạt nhân nằm ở cuối đường hầm trong bản thiết kế về đường hầm thử hạt nhân của Tiều Tiên được Seoul hé lộ mới đây.
 

Giới theo dõi địa chấn cùng máy bay “thám thính” có khả năng thu thập bằng chứng phóng xạ ở địa điểm thử sẽ cung cấp “tài liệu” quý giá cho các nhà phân tích “mổ xẻ” về độ lớn cũng như bản chất của vụ nổ dưới lòng đất.

 

Triều Tiên đã có những chỉ dấu cho thấy vụ thử sẽ sớm được tiến hành và hiện nay giới phân tích tập trung vào khẳng định của cơ quan quân sự hàng đầu nước này, Ủy ban quốc phòng Triều Tiên, rằng vụ thử sẽ được tiến hành ở “cấp độ cao”.

 

Nhiều nhà phân tích tin rằng thông tin này ám chỉ Triều Tiên sẽ lần đầu tiên tiến hành một thiết bị hạt nhân urani. Trong hai vụ thử trước vào năm 2006 và 2009, Triều Tiên đều dùng pluton.

 

“Bản thân vụ thử urani không phản ánh thành tựu kỹ thuật lớn lao nào”, Mark Fitzpatrick, giám đốc chương trình phi hạt nhân tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế ở London nhận định. “Song nó có thể khẳng định nghi ngờ bấy lâu rằng, Triều Tiên có thể sản xuất urani cấp độ vũ khí, nhân đôi con đường phát triển thêm bom của họ trong tương lai”, ông cho hay.

 

Một quả bom urani cơ bản không có sức công phá mạnh hơn một quả bom pluton, nhưng con đường urani lại nắm giữ nhiều lợi thế cho Triều Tiên, nước hiện có nhiều trữ lượng quặng urani.

 

“Một tiếng chuông báo động đã được gióng lên. Đó là chương trình làm giàu urani rất dễ che giấu”, ông Fitzpatrick nói. “Nó không cần phải có lò phản ứng như pluton và có thể tiến hành bằng việc sử dụng các tầng ly tâm ở trong những tòa nhà khá nhỏ, không có nhiệt thoát ra ngoài và khó bị phát hiện”, ông cho biết thêm.

 

Hồi năm 2010 Triều Tiên đã hé lộ nước này đang làm giàu urani khi cho phép các chuyên gia nước ngoài tới thăm một cơ sở ly tâm ở tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Nhiều nhà quan sát tin rằng Triều Tiên từ lâu đã làm giàu urani ở cấp độ vũ khí tại các cơ sở bí mật khác.

 

Ngoài ra, theo Paul Carroll, giám đốc chương trình tại Quỹ Ploughshares, một cơ quan an ninh toàn cầu có trụ sở tại California, Mỹ, còn nhận thấy một “lá cờ đỏ” báo động khác khi Triều Tiên sử dụng thiết bị urani. “Sở hữu urani làm giàu cấp độ cao là “mốt” của một số nhà nước và các tổ chức khủng bố”.

 

“Đó là vật liệu tách dễ nhất để chế tạo bom thô và công nghệ sản xuất cũng như máy móc làm giàu urani dễ chuyển giao và dễ bán hơn”, ông cho hay.

 

Nhà khoa học và chuyên gia hạt nhân Siegfried Hecker, người đã từng được tới thăm cơ sở làm giàu Yongbyon năm 2010, tin rằng chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ dùng vụ thử urani này để củng cố cho kho vũ khí hạt nhân của họ.

 

Bình Nhưỡng có trữ lượng pluton rất hạn chế, và theo Hecker chỉ đủ để sản xuất 4-8 quả bom, và họ đã đóng cửa nguồn cung pluton duy nhất, lò phản ứng 5 megawatt tại Yongbyon vào năm 2007.

 

Trong một bài phân tích vào ngày thứ ba vừa qua trên tạp chí Foreign Policy, Hecker chỉ ra rằng có khả năng Triều Tiên tiến hành nhiều vụ thử, trong đó cả thiết bị pluton và urani cùng được kích hoạt đồng thời.

 

Qua tìm hiểu kho nguyên liệu hạt nhân của Triều Tiên giới phân tích cho rằng nước này nhiều khả năng đã có thiết kế thu nhỏ thiết bị hạt nhân.

 

Một quả bom pluton cần nguyên liệu tách ít hơn bom urani, khiến dễ dàng thu nhỏ để đặt lên tên lửa.

 

Nếu chứng minh được Triều Tiên đã biết cách thu nhỏ thiết bị hạt nhân, thì đây cũng sẽ là một “báo động đỏ” nữa. Nguy cơ này càng lớn khi Triều Tiên đã phóng thành công một tên lửa tầm xa vào tháng 12 vừa qua.

 

“Bình Nhưỡng sẽ gần như chắc chắn tuyên bố vụ thử thành công và sẽ càng làm cho tình hình thêm phức tạp”, Hecker nhận định. “Sẽ rất khó tìm ra được sự thật từ tuyên truyền của họ. Song kinh nghiệm cho thấy thường có một vài sự thật trong đó”.

 

Xét về một góc độ nào đó, Bình Nhưỡng đã tự đặt mình vào thế khó khi hân hoan về viễn cảnh thử hạt nhân “cấp độ cao”.

 

“Mặc dù tuyên bố rõ ràng là mơ hồ, nhưng nó đã vạch ra hi vọng của họ”,  Hugh Chalmers nhà phân tích nghiên cứu hạt nhân tại Viện dịch vụ thống nhất Hoàng gia Anh cho hay. “Nếu vụ thử mới có kết quả giống vụ thử năm 2006, họ sẽ rất thất vọng”, ông nói.

 

Vụ thử năm 2006 phần lớn được cộng đồng quốc tế đánh giá là thất bại, với thiết bị hạt nhân ước tính chỉ chưa đầy 1 kiloton.

 

Vũ Quý

Theo AFP