Vụ Formosa: "Cần nghiêm túc trả lời nhân dân!"

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - cho rằng, việc thành lập Ủy ban Giám sát tối cao hoạt động của Formosa là rất cần thiết để kịp thời, nghiêm túc trả lời nhân dân và tránh những hậu quả nặng nề hơn.

Ông Vũ Trọng Kim trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Thế Kha)
Ông Vũ Trọng Kim trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Thế Kha)

Thảo luận tại hội trường Quốc hội hôm qua (25/7), đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - đã ủng hộ đề xuất của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) về việc thành lập ủy ban lâm thời giám sát Formosa. “Vụ việc ở Formosa không chỉ là sự cố môi trường mà là thảm họa môi trường. Bao giờ mới khắc phục xong, nguy cơ còn không, ai dám nói?”.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, ông Kim nói thêm: “Phải làm sao phát huy vai trò về giám sát tối cao, giám sát toàn diện từ đầu tư đến môi trường tại dự án Formosa. Các bộ ngành đã giám sát rồi thì bây giờ chúng ta cần sử dụng giám sát tối cao để đúng lúc, kịp thời”.

- Nhưng thưa ông, trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng đề xuất của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa rất hay nhưng băn khoăn về việc có cần thiết không khi hiện nay các Ủy ban của Quốc hội cũng đang thực hiện những nhiệm vụ giám sát này?

- Các Ủy ban của Quốc hội chuyên sâu trong từng lĩnh vực, nhưng bây giờ đòi hỏi phải đánh giá toàn diện bởi dự án này quy mô lớn về đất đai, tính chất an ninh - quốc phòng. Đó là cả một khu vực sinh tồn của nhân dân, đồng bào, rất có ý nghĩa trên một khúc eo của đất nước nên cần thiết phải có một ủy ban lâm thời, giám sát tối cao.

- Ông đánh giá thế nào về việc dự án Formosa đã được 12 bộ ngành “gác cổng” nhưng vẫn gây ra hậu quả ngày hôm nay?

- Mỗi bộ được phân công quản lý trên các lĩnh vực khác nhau. Nhưng bao giờ Chính phủ cũng phải phân công một lãnh đạo Chính phủ chủ trì việc đó thì mới nghe hết được tiếng nói của các bộ ngành. Sau đó Chính phủ chọn lựa phương án thì mới là cách làm bao quát, chứ không phải mỗi bộ cho ý kiến riêng lẻ. Nên vai trò của Chính phủ trong việc này cũng phải rõ ràng, đặc biệt là làm rõ trách nhiệm.

- Mặc dù Thanh tra Chính phủ đã kết luận và nhiều lần khẳng định việc Hà Tĩnh cấp phép đầu tư 70 năm cho Formosa là trái Luật Đầu tư, nhưng trả lời báo chí xung quanh việc này, ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư Hà Tĩnh vẫn “cự cãi”, thiếu sự cầu thị khi khẳng định tỉnh này đã làm đúng quy trình. Theo ông, nếu thành lập ủy ban lâm thời giám sát Formosa thì có thể xem xét trách nhiệm của ông Võ Kim Cự?

- Bản thân tôi là đại biểu Quốc hội thấy rằng cần có giám sát tối cao để kịp thời, nghiêm túc trả lời nhân dân và tránh những hậu quả nặng nề hơn nữa. Câu chuyện ở Formosa chưa chấm dứt đâu, còn nhà máy là còn nguyên nhân, còn những cái sinh ra bất lợi mà không ai lường trước được. Đó là những điều quan trọng, đừng nói việc này là xong rồi. Còn nhà máy là còn những vấn đề sự cố, hay thảm họa.

- Từ năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan đến việc cấp phép đầu tư 70 năm cho Formosa trái Luật Đầu tư nhưng đến giờ việc đó vẫn chưa được Hà Tĩnh làm rõ ràng. Tiếp đó là việc quản lý lỏng lẻo dẫn tới việc để Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng. Theo ông đây là thời điểm phải làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân trong những việc đó?

- Cái đó trước sau cũng sẽ khẳng định được thôi, vì có hệ thống chứng cứ để làm, chứ trước sau không thể nói mấy việc như vậy là xong. Hệ thống văn bản lưu lại là chứng cứ để làm rồi. Nếu những thông tin này có trước khi khai trương, nhân dân, dư luận được tham gia ý kiến rộng rãi thì chưa chắc nhân dân đã đồng tình xây dựng nhà máy như thế trên đất nước mình.

- Xin cảm ơn ông!

Thế Kha (ghi)