Vỡ nợ vì mua "gian hàng điện tử" Muaban24: Nhận ra thì đã muộn

(Dân trí) - “16 trường hợp ở xã sau khi mua “gian hàng điện tử” MB24 đều không thể mời thêm ai tham gia mới nghĩ là mình đã bị lừa..." - Trưởng Công an xã Ea Ô (Ea Kar, Đắk Lắk.

Liên quan đến việc hàng loạt nông dân Đắk Lắk lâm nợ vì mua “gian hàng điện tử” (GHĐT) của Công ty Cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến (website Muaban24.vn, có logo ghi MB24), PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan tại Đắk Lắk về vấn đề này.
 
Vỡ nợ vì mua gian hàng điện tử Muaban24: Nhận ra thì đã muộn
Ông Chu Văn Khang (SN 1964, thôn 5B, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) quanh năm chỉ biết cầm cuốc, cầm cày cũng mua “GHĐT” MB24.

 

Ông Võ Huy Khôi - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ô, huyện Ea Kar, Đắk Lắk - địa phương có đến 16 trường hợp vỡ nợ, cầm cố sổ đỏ vì tham gia mua “GHĐT” MB24, cho biết phần lớn đều là nông dân hoàn cảnh khó khăn vì nhẹ dạ, cả tin nghe các nhân viên môi giới, tiếp thị của MB24 lôi kéo tham gia mua bán “GHĐT” để được kết nạp làm hội viên của Công ty Cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến (MB24).

 

Ông Khôi cho hay, việc làm của MB24 không hề thông qua chính quyền địa phương cho đến khi vụ việc vỡ lở, một số gia đình rơi vào hoàn cảnh nợ nần, rạn nứt hạnh phúc thì chính quyền mới được biết.

 

Nhìn nhận về việc mua bán của MB24, ông Khôi cho rằng: “Việc mua bán của MB24 là bất bình thường, không thực tế. Tôi nghĩ chỉ đóng vào 5,2 triệu đồng rồi ngồi ở nhà một tháng mà vẫn có mấy triệu tiền lương là đi ngược với thực tế. Đơn giản vì tất cả các ngành nghề phải bỏ sức lao động ra mới có thu nhập, trong khi theo lời bà con thì việc mua bán này không bỏ bỏ sức lao động vẫn có tiền triệu…”.

 

“Sau khi nắm bắt được tình hình UBND xã đã chỉ đạo lực lượng công an, phối hợp với các ban ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con trong xã không tham gia mua bán “GHĐT” của Công ty Cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến, không nghe theo lời giới thiệu mua “GHĐT” của các tiếp thị MB24 nhằm hạn chế đến mức tối thiểu thiệt hại cho bà con nông dân”, ông Khôi cho biết thêm.

 

Trong khi đó Trưởng công an xã này ông Bùi Trọng Lực cũng cho biết: nhiều hộ khá giả bỏ tiền gia đình ra mua “GHĐT” thì không nói, nhiều trường hợp gia đình nghèo không có tài sản cũng tham gia mua “GHĐT” MB24 hy vọng đổi đời để rồi nợ nần chồng chất.

 

“Xã tôi nhiều hộ nông dân mua đến 2 - 3 “GHĐT” rồi nợ nần, kinh tế gia đình sa sút như hộ anh Dương H.C. (thôn 11) mua 3 “GHĐT”, bà Trần T.D. (thôn 9) mua 2 “GHĐT”, anh Nguyễn V.T (thôn 7A) mua cũng mua 2 “GHĐT”…

 

16 trường hợp ở xã sau khi tham gia mua “GHĐT” MB24 đều không thể mời thêm ai tham gia sau đó mới nghĩ là mình đã bị lừa. Việc mua bán này đều không có hóa đơn, chứng tờ…”, ông Lực nói thêm.
 

Theo ông Lực, sau khi vụ việc được phát hiện, Công an tỉnh Đắk Lắk, Công an huyện Ea Kar đã mời các hộ dân tham gia mua “GHĐT” MB24 lên làm việc tại UBND xã Ea Ô để làm rõ sự việc.

 

Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Trưởng phòng Quản lý thương mại - Sở Công thương Đắk Lắk: “Vụ việc này không thuộc sự quản lý của Sở Công thương, không thuộc về thương mại. Chúng tôi cũng đang tìm hiểu về vụ việc này. Theo tôi nghĩ đây là một cuộc chơi, một hình thức để lừa những người không hiểu biết…”.

 

Viết Hảo