1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vàng “phi” SJC bị ép giá, từ chối mua

(Dân trí) - Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định các loại vàng miếng khác vẫn có giá trị lưu thông bình thường sau khi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng có hiệu lực song các loại vàng miếng "phi" SJC vẫn bị ép giá, thậm chí nhiều nơi từ chối thu mua.

Vàng “phi” SJC bị ép giá, từ chối mua
 Vàng "phi" SJC vẫn bị ép giá, thậm chí bị từ chối mua dù Ngân hàng Nhà nước "lên tiếng" không phân biệt.
 
Khảo sát tại một số cửa hàng vàng ở Hà Nội cho thấy: Giao dịch trên thị trường vàng miếng trong nước hiện nay không có nhiều “sóng” nhưng các mức giá không thống nhất và cũng chưa thật sự bám sát thị trường vàng thế giới.

Đặc biệt vẫn còn có sự phân biệt rõ nét giữa giá vàng SJC và các thương hiệu vàng khác. Ví dụ như, vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu hiện tại vẫn thấp hơn vàng SJC trên 1,1 triệu đồng/lượng, trước đó, có lúc còn thấp hơn tới 2 triệu đồng/lượng. Đó chưa kể những thương hiệu vàng nhỏ lẻ khác, mức chênh lệch vẫn thấp hơn SJC đến hơn 2 triệu đồng/lượng. 

Điều đáng nói, dù thấp hơn 1 triệu đồng/lượng, nhưng người dân đã không mấy mặn mà với thương hiệu “phi” SJC như trước kia, đặc biệt ngay sau khi Nghị định 24 được ban ra. Đại diện cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu trên đường Trần Nhân Tông (Hà Nội) từ chối đưa ra con số thống kê cụ thể về lượng giao dịch của thương hiệu nhà vàng này nhưng cho biết người dân mang vàng đi bán nhiều hơn mua vào.

“Hiện tại, vàng miếng SJC hay vàng rồng Thăng Long vẫn được chúng tôi thu gom về nhưng các loại vàng thương hiệu khác hoặc không có thương hiệu thì không mua”, đại diện nhà vàng này cho hay.

Trên thực tế, hiện nay hầu hết các cửa hàng vàng đều từ chối mua vào những loại vàng không có thương hiệu hoặc vàng của các thương hiệu khác. Nếu có mua cũng bị "ép giá" thấp hơn nhiều so với mức giá mua vào vàng SJC.
 
Chị Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Khi kết hôn tôi được tặng gần 2 lượng vàng, hôm nọ mang đi bán mới biết vàng của mình không phải SJC hay Bảo Tín Minh Châu nên không được các cửa hàng vàng lớn chấp nhận. Cuối cùng tôi mang đến cửa hàng vàng K.T trên đường Hàng Than bán với giá 41,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng SJC giao dịch trên thị trường ở mức 43,7 triệu đồng/lượng; còn vàng của cửa hiệu K.T có giá trên 42 triệu đồng/lượng".
 
Tuy nhiên, một số công ty kinh doanh vàng bạc lớn vẫn khẳng định, họ vẫn tiếp tục thu mua vàng "phi" SJC hoặc không phải là thương hiệu vàng của công ty mình để làm nguyên liệu chế tác vàng trang sức vì nhu cầu này vẫn khá lớn. Tuy nhiên, những loại vàng này đều được mua vào ở mức thấp hơn nhiều.
 
Đại diện cửa hàng vàng Phú Quý (Trần Nhân Tông, Hà Nội) cho biết, nhà vàng này vẫn thu mua các loại vàng không có thương hiệu hoặc “phi” SJC nhưng chỉ với giá 41,6 triệu đồng/lượng. Như vậy, nếu so với giá vàng SJC hiện tại, mức chênh lệch này lên tới 1,92 triệu đồng/lượng.

Đại diện Công ty Sacombank-SBJ cũng cho biết, SBJ vẫn tiếp tục thu mua vàng “phi” SJC hoặc không phải là thương hiệu của SBJ nhưng với mức giá thấp hơn so với mức niêm yết giá vàng SJC và SBJ (hiện tại hai loại vàng này đang được bán ra ở mức 43,42 - 43,52 triệu đồng/lượng). 
 
Cũng theo vị đại diện Sacombank-SBJ, các loại vàng không thương hiệu hoặc thương hiệu vàng khác sẽ được công ty này mua vào để làm nguyên liệu chế tác thành vàng trang sức. Bởi, nhu cầu vàng trang sức của người dân vẫn lớn. Đó là lý do để các doanh nghiệp vàng thu mua các loại vàng khác nhau trên thị trường.
 
Tuy nhiên, nhiều cửa hàng vàng đều khuyên rằng, để tránh bị "ép giá" đối với các loại vàng không phải là vàng SJC, người dân nên bán vàng ở những nơi mà mình đã mua và nên mang theo hóa đơn mua vàng trước đó.

An Hạ