1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

V-League đã khác so với thời đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008

(Dân trí) - Thời đó, trước khi có đội tuyển Việt Nam có ngôi vô địch Đông Nam Á năm 2008, tính cạnh tranh của V-League cao hơn nhiều so với bây giờ. Nhờ vậy mới cho ra lò lứa cầu thủ giàu tài năng và bản lĩnh cỡ Minh Phương, Công Vinh, Tài Em, Quang Thanh, Như Thành, Phước Tứ…

Thời đó, HA Gia Lai của bầu Đức nổi tiếng khắp Đông Nam Á chứ không riêng gì tại Việt Nam, ĐT Long An của bầu Thắng được dẫn dắt bởi HLV Calisto đầy chất quái, rồi ngay cả B.Bình Dương dù đầy tiền vẫn cứ phải xếp sau Gạch và Gỗ.

Cũng hồi đấy, SHB Đà Nẵng của bầu Hiển thỉnh thoảng cũng chen chân vào nhóm 3 đội dẫn đầu, tạo nên thế đua tranh hấp dẫn cho V-League.

Quan trọng hơn nữa là hồi đấy bầu Hiển hay bất cứ ông bầu nào khác của bóng đá nội mỗi người chỉ có 1 đội bóng, nên sự cạnh tranh giữa các đội bóng là cực kỳ sòng phẳng.

Thời V-League còn mạnh, còn giàu tính cạnh tranh, cầu thủ Việt Nam không bị chê về mặt bản lĩnh như bây giờ
Thời V-League còn mạnh, còn giàu tính cạnh tranh, cầu thủ Việt Nam không bị chê về mặt bản lĩnh như bây giờ

Dĩ nhiên, bóng đá Việt Nam chưa bao giờ hết các trận thật thật – giả giả, nhưng so về tính cạnh tranh ở V-League từ năm 2008 trở về trước thì hơn hẳn bây giờ.

Mỗi năm, các tuyển thủ quốc gia như Minh Phương, Tài Em, Việt Thắng (ĐT Long An), Quang Thanh, Như Thành, Vũ Phong (B.Bình Dương), Công Vinh (SL Nghệ An), Phước Tứ (Thể Công)… đá rất nhiều trận căng thẳng.

Đấy là những trận đại chiến “Gạch – Gỗ” khi hàng loạt các tuyển thủ Việt Nam trong màu áo ĐT Long An, chơi những trận có tính chất một mất một còn với nhóm những ngôi sao người Thái khác áo HA Gia Lai, hoặc những trận mà các đội bóng trong những hàng đầu V-League đá với nhau để tranh thứ hạng.

Từ những trận đấu đấy, năng lực chuyên môn của các cầu thủ Việt Nam được nâng lên, giúp cho họ trưởng thành để cống hiến cho đội tuyển quốc gia.

Quá trình cạnh tranh không ngừng nghỉ của các đội bóng trong nước kéo dài nhiều năm liền, trải qua nhiều mùa V-League suốt từ năm 2003 – 2008, trước khi cho ra một thế hệ cầu thủ đủ sức lên đứng đầu Đông Nam Á như vừa nêu ở trên. Ngoài ngôi vô địch AFF Cup 2008, họ còn vào đến tứ kết Asian Cup 2007, lần duy nhất bóng đá Việt Nam làm được điều đó tính cho đến giờ.

Còn V-League bây giờ đã khác hẳn, bầu Hiển bây giờ muốn vô địch V-League dễ hơn nhiều, vì quyền lực của bầu Hiển ở V-League giờ quá lớn. Giải đấu cũng không còn tính cạnh tranh cao như xưa, khi tồn tại tình trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng” liên quan đến bầu Hiển, khiến tính sòng phẳng không còn.

Bây giờ, ngay cả đội bóng không có gì quá đặc biệt như Sài Gòn FC, cũng không có mấy gương mặt nổi bật để đóng góp cho đội tuyển quốc gia, vẫn có khả năng tranh ngôi vô địch thì đủ thấy chất lượng V-League xuống đến mức nào.

Từ chỗ chỉ có 2 đội bóng tính từ thời điểm năm 2009 (SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T, tức CLB Hà Nội ngày nay), hiện giờ bầu Hiển đã sở hữu hoặc có ảnh hưởng đến 4 đội bóng cùng chơi tại V-League. Đấy cũng là khoảng thời gian mà người ta dần dần thấy V-League càng lúc càng đi xuống, khán giả càng về sau càng giảm, hậu quả là đội tuyển quốc gia và kể cả đội tuyển U22 – U23 quốc gia mỗi lúc một bấp bênh về mặt thành tích ở đấu trường khu vực.

Bây giờ phần đông người hâm mộ trung lập lại mơ về ngày xưa, ngày mà các ông chủ làm bóng đá giàu cách mấy thì giàu, đam mê cách mấy thì đam mê, mỗi người chỉ dừng lại ở mức sở hữu đúng 1 đội bóng tại 1 giải đấu theo đúng thông lệ quốc tế và theo đúng luật FIFA (từng có chuyện bầu Thắng bán Sơn Đồng Tâm Long An cho bầu Trường, khi bầu Thắng thấy khả năng lên hạng của đội này, để bầu Trường xây dựng nên V.Ninh Bình về sau, cũng là để tạo sự sòng phẳng cho giải đấu).

Ngày đấy vậy mà khán giả coi đông, giải V-League giàu sức sống hơn bây giờ, trước khi nhờ đó mà bóng đá Việt Nam sở hữu thế hệ cầu thủ đầy tài năng và giàu bản lĩnh hơn hẳn cầu thủ bây giờ!

Kim Điền

V-League đã khác so với thời đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008 - 2