1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

V-League chịu thiệt thòi vì chuyến du đấu của Man City

(Dân trí) - Với hầu hết các nền bóng đá thì giải quốc nội luôn được đặt ở vị trí hàng đầu, khó có chuyện dời tới dời lui vì “sô” này “sô” khác. Nhưng với bóng đá Việt Nam thì V-League cứ hết phải nghỉ mòi mỏi đến đấu dồn dập.

Viết tiếp câu chuyện vì sao phải dùng danh xưng đội tuyển quốc gia để đá giao hữu với Man City trong một trận đấu thuần tính thương mại?

Cách dùng tên gọi ấy là không sòng phẳng với V-League, bởi với danh xưng đội tuyển quốc gia (ĐTQG) , đội tuyển ấy có thể gom quân từ các CLB thuộc giải quốc nội, đặt các CLB vào nguy cơ rủi ro về chấn thương của các cầu thủ do chính họ trả lương (B.Bình Dương vừa là nạn nhân mới nhất với chấn thương của Xuân Thành, còn Trọng Hoàng thì có dấu hiệu quá tải sau trận đấu với Man City), đồng thời làm xáo trộn kế hoạch chuyên môn của các đội bóng, trong khi FIFA hoàn toàn không khuyến khích chuyện này.

Để có trận đấu ấy, V-League đã phải điều chỉnh lịch thi đấu, khiến các CLB phải đấu dồn đấu dập trước và sau khi trận giao hữu với Man City diễn ra. Cụ thể, trước khi đội tuyển đá giao hữu với Man City, các đội bóng thuộc V-League phải đá với mật độ 2 trận/tuần.

 

V-League cứ phải dời tới dời lui vì những sự kiện bất chợt như thế này (ảnh: Gia Hưng)
V-League cứ phải dời tới dời lui vì những sự kiện bất chợt như thế này (ảnh: Gia Hưng)

 

Còn sau khi đội tuyển đá với Man City, ngay sau khi kết thúc vòng 19 V-League cuối tuần này, một số đội bóng sẽ phải đá tiếp vòng bán kết cúp quốc gia sau đó 3 – 4 ngày. Tiếp nữa, sẽ là vòng 20 V-League vào cuối tuần sau: Tức là nhóm đội B.Bình Dương, ĐT Long An, Hải Phòng, Hà Nội T&T sẽ đá 3 trận chỉ trong vòng 7 – 8 ngày.

Ai cũng bảo thể trạng của cầu thủ Việt Nam kém, lại đá với mật độ kiểu đó thì khác nào làm khó thể lực của các cầu thủ, rồi làm sao đảm bảo chất lượng chuyên môn của các trận đấu? (với riêng những tuyển thủ vừa tham gia trận giao hữu với Man City, họ còn phải đá tổng cộng 4 trận, chỉ trong vòng hơn… chục ngày).

Có lẽ chẳng ở đâu người ta lại dồn hết mọi bất lợi về lịch thi đấu vào giải quốc nội như vậy. Nên nhớ, trước khi có trận giao hữu vốn vô thưởng vô phạt về mặt chuyên môn giữa đội tuyển với Man City, V-League từng phải tạm hoãn 2 tháng để đội tuyển U23 Việt Nam đá vòng loại U23 châu Á, sau đó lại hoãn thêm gần 2 tháng nữa để đội tuyển này dự SEA Games 28.

Và có lẽ, cũng chẳng ở đâu trên khắp thế giới, người ta lại sẵn sàng hoãn giải quốc nội lâu đến vậy vì đội tuyển U23. Nên nhớ, lứa tuổi U23 vẫn chưa đóng góp quá nhiều trụ cột ở các các CLB (ngoại trừ HA Gia Lai vốn xài toàn lứa U19 năm ngoái). Tức là không có lứa U23 ấy, cũng không ảnh hưởng quá lớn đến sức mạnh của phần lớn các CLB, không đến mức cần phải hoãn V-League lâu đến thế.

Người ta cứ đòi hỏi các đội tuyển mạnh, phải đá đẹp và chơi biến hóa, trong khi không nhìn lại giải quốc nội quá èo uột, được tổ chức theo kiểu... giật cục. Người ta cứ đòi hỏi các đội tuyển chơi tấn công hay, có đẳng cấp cao trong khi chẳng ai nhìn lại đẳng cấp thực sự và lối chơi thực sực ở V-League.

Cũng chẳng có ở đâu người ta dồn toàn bộ kỳ vọng vào các đội tuyển, mong các đội bóng ấy thành công ở các giải quốc tế, để kích thích sinh khí cho các giải đấu quốc nội, thay vì phải làm điều ngược lại theo đúng quy trình: Phát triển giải quốc nội mạnh hòng tạo những sản phẩm tốt, cung cấp cho các đội tuyển.

Tội nghiệp cho V-League ở chỗ người ta không đánh giá đúng giải đấu này, cũng không dành sự ưu tiên cho giải đấu lẽ ra phải là nền móng cho toàn bộ làng cầu, trong khi cứ luôn đòi hỏi sản phẩm sinh ra từ cái nền móng ấy phải ở đẳng cấp cao hơn đẳng cấp thực!

Kim Điền

 

V-League chịu thiệt thòi vì chuyến du đấu của Man City - 2