1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Tử tù bị quản lý như thế nào?

(Dân trí) - Bộ Công an đã có Thông tư quy định cụ thể việc quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình trong giai đoạn từ khi họ bị tòa án đã xét xử sơ thẩm kết án tử hình đến khi có quyết định thi hành án, tại các trại tạm giam do Công an nhân dân quản lý.

Mỗi ngày được mở cùm chân 1 lần

Thông tư số 39/2012/TT-BCA của Bộ Công an quy định rõ, trại tạm giam phải tổ chức khu vực riêng để giam người bị kết án tử hình (tử tù) và phải có biển ghi rõ là khu giam người bị kết án tử hình. Buồng giam tử tù phải được xây dựng kiên cố (theo mẫu thống nhất của Bộ Công an), bảo đảm đủ ánh sáng, có cùm chân và được trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để theo dõi, giám sát.

Khu vực, buồng giam tử tù phải bảo đảm yêu cầu quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ 24/24h.

Trại tạm giam T16, nơi vừa xảy ra vụ đào tẩu của 2 tử tù. (Ảnh: Trần Thanh)
Trại tạm giam T16, nơi vừa xảy ra vụ đào tẩu của 2 tử tù. (Ảnh: Trần Thanh)

Trường hợp tử tù có biểu hiện tự sát, chống phá, trốn khỏi nơi giam hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì có thể bị cùm 1 chân cả ngày, đêm; mỗi tuần được đổi chân cùm ít nhất 1 lần; mỗi ngày được mở cùm chân 1 lần, mỗi lần không quá 15 phút để tử tù làm vệ sinh cá nhân; trước khi mở cùm chân phải được sự đồng ý của Giám thị trại tạm giam; khi cán bộ quản giáo mở cùm chân phải có cán bộ hoặc chiến sĩ vũ trang bảo vệ giám sát chặt chẽ.

Mọi sinh hoạt của tử tù đều được thực hiện trong buồng giam. Giám thị trại tạm giam phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ - kỹ thuật để chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời tử tù trốn hoặc tự sát hoặc có hành vi nguy hiểm khác.

Hàng ngày, cán bộ quản giáo phải kiểm tra người và buồng giam; kiểm tra suốt, móng cùm tử tù để kịp thời phát hiện, thu giữ những vật cấm đưa vào buồng giam tử tù. Khi mở cửa buồng giam, mở cùm chân, cán bộ quản giáo phải trực tiếp mở và đóng khoá. Phải có sổ theo dõi, kiểm tra người, buồng giam, suốt, móng cùm chân, việc mở, đóng cửa buồng giam tử tù.

Giám thị trại tạm giam phải có kế hoạch, biện pháp giáo dục, động viên tư tưởng đối với tử tù để họ chấp hành nghiêm nội quy trại tạm giam, nhận rõ tội lỗi, tích cực tố giác tội phạm để được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước.

Trường hợp tử tù bị bệnh, cán bộ y tế trại tạm giam phải khám và điều trị cho họ. Nếu phải chuyển đi bệnh viện, tử tù phải bị cùm chân, có buồng riêng để điều trị, phải được tổ chức quản lý, giám sát thật nghiêm ngặt, chặt chẽ.

Bị giám sát chặt khi gặp người thân

Tử tù được gặp thân nhân theo quy định, trừ trường hợp vi phạm nội quy trại tạm giam. Thân nhân đến thăm gặp tử tù phải có sổ thăm gặp do trại tạm giam cấp hoặc đơn đề nghị được thăm gặp phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú, hoặc cơ quan, đơn vị nơi làm việc, giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác.

Tử tù được gặp không quá 5 người là thân nhân trong mỗi lần gặp. Số lần tử tù được gặp thân nhân tùy thuộc vào điều kiện của trại tạm giam và do Giám thị trại tạm giam quyết định, nhưng mỗi tháng không quá 1 lần, mỗi lần không quá 1 giờ.

Việc gặp thân nhân của tử tù phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, không để tử tù trốn, tự sát hoặc có các hành vi vi phạm khác. Buồng thăm gặp phải được xây dựng kiên cố, phù hợp với yêu cầu bảo vệ, có vách ngăn cách giữa tử tù với thân nhân và được trang bị các phương tiện nghiệp vụ để theo dõi, giám sát.

Trong thời gian gặp thân nhân, tử tù không được trực tiếp nhận quà, tiền hoặc các đồ vật khác; không được ăn uống, hút thuốc, sử dụng chất kích thích tại buồng thăm gặp. Tử tù phải bị cùm 1 chân và phải có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ trại tạm giam trong suốt quá trình gặp thân nhân.

Tử tù được gửi đồ vật, tư trang không sử dụng về cho thân nhân, gia đình; được nhận quà, tiền lưu ký và những đồ dùng sinh hoạt của thân nhân, gia đình gửi mỗi tháng không quá hai lần; được nhận, gửi thư nếu được Giám thị trại tạm giam cho phép.

Giám thị trại tạm giam phải tổ chức tiếp nhận, kiểm tra chặt chẽ đồ tiếp tế, đồ vật, thư để phát hiện thu giữ, xử lý đồ vật cấm theo quy định. Nếu đồ tiếp tế, đồ vật, thư được phép nhận và gửi theo quy định thì phải giao lại đầy đủ cho người nhận và phải ghi vào sổ theo dõi có ký nhận cụ thể.

Việc trích xuất đưa tử tù ra khỏi buồng giam do Giám thị trại tạm giam quyết định và ra lệnh trích xuất, đồng thời phải bố trí cán bộ quản giáo, cảnh sát vũ trang bảo vệ dẫn giải và canh gác, giám sát chặt chẽ đảm bảo tuyệt đối an toàn. Các trường hợp gặp chỉ được thực hiện ở buồng thăm gặp hoặc buồng làm việc của trại tạm giam và tử tù phải bị cùm chân trong suốt quá trình gặp.

Trong mọi trường hợp, khi được áp giải theo lệnh trích xuất, tử tù đều phải bị khóa tay, cùm chân (loại cùm chân dùng cho người bị áp giải).

Tiến Nguyên