1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trượt giá luôn vượt xa tăng lương

(Dân trí) - Liên tục điều chỉnh tăng lương tối thiểu nhưng vẫn chỉ đuổi theo trượt giá, thậm chí không đủ sống. Những quy định lỗi thời về lương kéo dài nhiều năm đã và đang triệt tiêu nguyên lý tiền lương là đòn bẩy kích thích người lao động...

Đó là là ý kiến của nhận xét của cácđại biểu tại Hội thảo “Chính sách tiền lương: thực trạng và các giải pháp cải cách” do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức trong hai ngày 17, 18/5/2012 tại Hà Nội.

Theo thống kê của chuyên gia, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam đã 8 lần điều chỉnh lương tối thiểu. Tuy nhiên, trên thực tế, mức lương tối thiểu hiện nay vẫn chỉ để bù trượt giá là chính, chứ mức tăng vẫn không đủ đảm bảo tiền lương đủ sống, phù hợp với gía trị sức lao động, thậm chí ngày một giảm sút. Cụ thể, so sánh mức lương tối thiểu năm 2002 là 210.000 đồng/tháng với hiện nay, tiền lương danh nghĩa đã tăng 295,2% nhưng chỉ số giá cả hàng hóa tiêu dùng cũng tăng 147,2%. Nếu tính riêng mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng cao hơn chỉ số giá chung 20% thì chỉ số giá lương thực, thực phẩm tăng tới 255,8%. Như vậy, tiền lương thực tế sau 9 năm chỉ tăng 59,9% (theo chỉ số giá chung), bình quân mỗi năm tăng 5,4%, không theo kịp với đà tăng giá, đặc biệt là nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm.

Trượt giá luôn vượt xa tăng lương
Tăng lương vẫn không đủ bù trượt giá mỗi năm
 
Ông Đặng Như Lợi, Nguyên Phó chủ nhiệm UB các vấn đế xã hội đưa ra nhận xét: Quan hệ mức lương tối thiểu hiện nay vẫn theo kiểu “hình thức và rất bình quân”. Trong khi đó, quan hệ tiền lương đã và đang bị phá vỡ bởi việc bổ sung, sửa đổi tiền lương (chủ yếu là các chế độ phụ cấp) cho các ngành, lĩnh vực bởi đã kéo dài nhiều năm qua việc cho phép doanh nghiệp Nhà nước được quyền lựa chọn, quyết định hệ số tính đơn giá tiền lương cao hơn so với hệ số mức lương do Nhà nước quy định. Mức lương xác định vẫn nặng nề về bằng cấp, chưa theo trình độ, chất lượng công việc yêu cầu hoặc chức vụ đảm nhận. “Quy định mức lương bằng hệ số, tiền lương chức vụ xếp theo chuyên môn, nghiệp vụ cộng phụ cấp chức vụ kéo dài nhiều năm triệt tiêu nguyên lý tiền lương là đòn bẩy kích thích, khuyến khích người lao động.” -  ông Lợi nhận xét.

Đồng tình với ý kiến này, ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính - Bộ Tài chính cho rằng, cần mở rộng khoảng cách quan hệ tiền lương giữa tối thiểu - trung bình - tối đa để tạo điều kiện cho việc sửa đổi hệ thống thang, bậc lương đảm bảo tương quan hợp lý, khuyến khích người làm việc có trình độ chuyên môn cao.

“Trong thiết kế hệ thống thang, bảng lương phải hướng tới việc trả lương theo chức danh và theo vị trí công việc cũng như khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Thực tế cải cách chế đột tiền lương những năm gần đây cho thấy nếu vấn đề này không được xử lý thì cải cách tiền lương khu vực hành chính sự nghiệp sẽ không có lối ra” - ông Thăng phát biểu.
 
Thừa nhận những bất cập hiện tại trong các chính sách tiền lương đang vận hành ở nước ta, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội, cải cách chính sách tiền lương cho rằng: Đến thời điểm này, chính sách tiền lương đã thể hiện rất rõ sự bất cập khi chúng ta áp dụng hai loại lương khác nhau ở khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp, tạo ra sự phân chia tối thiểu của người lao động với cán bộ công chức nhà nước. Vì vậy, trong các giải pháp cải cách tiền lương, bà Mai cho rằng phải hướng đến một mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội do Chính phủ công bố hoặc chỉ có lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp làm cơ sở cho người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận tiền lương. Đối với khu vực Nhà nước, cần xây dựng mức tiền cơ bản tương ứng với mức lương trung bình khá trong xã hội để trả cho cán bộ công chức - loại lao động đặc thù thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
 
 
Trượt giá luôn vượt xa tăng lương
Các đại biểu đều cho rằng quy định về lương đã quá lạc hậu. (Ảnh: TT)
 
Bà Mai nhấn mạnh, Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội giai đoạn 2012-2020 đang được xây dựng với mục tiêu rất lớn là tạo cho được mức lương đủ động lực, đủ mạnh để người hưởng lương phát huy tài năng và cống hiến, gắn bó với Nhà nước.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Hồng Huyên, Phó vụ trưởng Vụ xã hội, Văn phòng TƯ Đảng, để làm được điều này, cần phải gỡ nút thắt “tiền đâu”. Thực tế, các đề án cải cách chính sách tiền lương đều bị phá sản, khi xét đến cân đối nguồn lực tài chính.

Về vấn đề này, ông Thăng cho rằng, giống như nền kinh tế, đã đến lúc chúng ta phải tái cấu trúc lại hệ thống đầu vào, nguồn lực tài chính cho tiền lương. Tuy nhiên, để cải cách tiền lương trước hết phải có nguồn thu vì nếu tiếp tục tăng lương tối thiểu theo cách làm và hiện trạng cán bộ, công chức hiện nay thì ngân sách không thể chịu nổi. Hơn nữa, nếu không đổi mới căn bản quan điểm về tiền lương, cải cách hệ thống lương, đối tượng hưởng lương thì cũng không thể giải quyết được vấn đề mà ngược lại còn để lại gánh nặng và hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế.

Bài toán cân đối tài chính cũng được các chuyên gia đưa ra tham khảo thêm với các hướng như sau khi cân đối với nguồn tài chính ngân sách có thể đảm bảo phần thiếu hụt bằng cách vay lại (có trả lãi) nguồn tiền còn rỗi rãi của chính cán bộ, công chức…

 Thanh Trầm