1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trọng trách trên vai “người khổng lồ” LDP

(Dân trí) - Trọng trách đang đè nặng lên vai “người khổng lồ” LDP của Nhật Bản khi trước mắt Thủ tướng tương lai Shinzo Abe đang bộn bề khó khăn, chưa kể tới những cái “nhíu” mày lo ngại từ Bắc Kinh và Seoul.

Trọng trách trên vai “người khổng lồ” LDP
                  

Chủ tịch đảng LDP Shinzo Abe, người nổi tiếng có đường lối lãnh đạo cứng rắn trong quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc.

 

Với chiến thắng ngoạn mục giành 294/480 ghế tại Hạ viện, đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) đã chính thức mở ra cơ hội trở lại lãnh đạo chính trường sau 3 năm gián đoạn, đồng thời mở cánh cửa đưa Chủ tịch đảng, cựu Thủ tướng Shinzo Abe, trở lại chiếc ghế Thủ tướng. Chiến thắng này cho thấy LDP đã hoàn toàn khôi phục quy tín trước cử tri và chứng minh rằng đảng này vẫn luôn là "người khổng lồ" cả về uy tín lẫn kinh nghiệm trên chính trường Nhật Bản.

Theo hiến định, với số phiếu quá bán giành được tại Hạ viện, LDP hoàn toàn có quyền đứng ra tự thành lập chính phủ độc đảng. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất, Tổng thư ký LDP Shigeru Ishiba cho biết LDP vẫn giữ cam kết liên minh với đảng Công minh (NKP) của ông Yoshihisa Inoue để thành lập chính phủ đa đảng, nhằm đảm bảo có được tỷ lệ 2/3 an toàn tuyệt đối tại Hạ viện, giúp chính phủ mới dễ dàng thông qua các dự luật đề xuất về sau này.

Cũng theo Tổng thư ký LDP, Chủ tịch Shinzo Abe gần như chắc chắn sẽ được bầu chọn làm Thủ tướng mới của Nhật Bản, vị trí ông đã từng đảm nhiệm trước đây trong thời gian gần một năm cho tới khi đột ngột từ chức vào tháng 9/2007 vì lý do sức khỏe.

Với sự trở lại nắm quyền của LDP và phong cách lãnh đạo của Abe, giới phân tích cho rằng chính phủ liên minh mới của Nhật Bản sẽ đi theo khuynh hướng bảo thủ trong cả đối nội lẫn đối ngoại, đặc biệt trong việc phục hồi kinh tế, giải quyết tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, Hàn Quốc và đối phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Trong cương lĩnh tranh cử của mình, LDP với mục tiêu “Hồi sinh Nhật Bản” đã đặt việc lấy lại giá trị của đất nước làm mục tiêu ưu tiêu hàng đầu. Chính sách đối nội và đối ngoại của tân chính phủ Nhật Bản, vì thế, cũng sẽ gắn chặt với những “cơn đau mạn tính” đang giằng xé nền kinh tế thứ ba thế giới trong thời gian qua.

Do đó, có thể hiểu tại sao dù giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử, nhưng người ta ít thấy nụ cười trên gương mặt của ông Abe. Thậm chí, trong một phát biểu ngắn sau khi nhận tin chiến thắng, vị thủ tướng tương lai còn nói rằng: "LDP giành nhiều ghế không có nghĩa đã giành được 100% niềm tin". Dường như ông Abe đã nhận thấy gánh nặng đang bắt đầu đè lên vai LDP.

Gánh nặng kinh tế và nỗi lo năng lượng

Theo ông Abe, ban lãnh đạo LDP chưa thể thở phào nhẹ nhõm sau kỳ bầu cử đầy biến động và bất ngờ, vì đây mới chỉ là sự bắt đầu cho chặng đường đầy chông gai phía trước. Trong thời gian tới, LDP phải giải quyết hàng núi công việc đồ sộ: từ phục hồi nền kinh tế đang ngấp nghé nguy cơ trở lại suy thoái, tăng cường năng lực quốc phòng trước những đe dọa thường xuyên của Trung Quốc, cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và ứng phó với một Triều Tiên bí ẩn và luôn thay đổi.

Trong chương trình nghị sự đồ sộ khi vận động tranh cử, LDP đã đưa ra nhiều giải pháp kinh tế táo bạo và quyết liệt, nhất là trong việc giải quyết tình trạng giảm phát và hãm đà tăng giá của đồng yên.

Để đạt được hai mục tiêu này, trước hết chính phủ mới của Nhật Bản sẽ thúc đẩy sửa đổi Luật Ngân hàng nhằm mở đường cho việc buộc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) phải áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ, giúp nền kinh tế đạt mức tăng trưởng danh nghĩa trên 3% và từng bước ngăn đồng yên tiếp tục tăng giá. Ngoài ra, để khôi phục phát triển kinh tế, LDP không thể không quan tâm đến vấn đề điện năng. Trong cương lĩnh tranh cử, LDP đã rất khôn khéo khi tuyên bố sẽ đưa ra quyết định về tương lai phát triển điện hạt nhân trong 3 năm tới, quãng thời gian đủ để đảng này đưa nền kinh tế Nhật Bản qua cơn bĩ cực hiện nay.

Trung, Hàn và những rào cản trong chính sách đối ngoại

Trên mặt trận đối ngoại, LDP chủ trương tăng cường khả năng phòng vệ của Nhật Bản, với nòng cốt là việc củng cố liên minh Nhật-Mỹ, hòn đá tảng cho an ninh khu vực.

Tuy nhiên, chính quyền mới sẽ phải xử lý rất khéo léo vấn đề tái bố trí căn cứ không quân Futenma để vừa không làm “mếch lòng” Washington, vừa duy trì được sự ủng hộ của chính quyền tỉnh Okinawa. Hiện tại, Okinawa là nơi tập trung nhiều nhất các căn cứ Mỹ ở Nhật Bản. Vì vậy, nếu không giải quyết tốt những quan ngại của chính quyền và người dân nơi đây, chính phủ mới của Nhật Bản sẽ khó lòng tránh khỏi “vết xe đổ” của các thời chính quyền tiền nhiệm và càng làm phức tạp hơn quan hệ trong bối cảnh Nhật Bản đang rất cần Mỹ đẩy nhanh hơn chiến lược xoay trục an ninh về khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm đối trọng với một Trung Quốc đang nổi lên mạnh mẽ và có phần lấn lướt các nước trong khu vực.

Trong quan hệ với Trung Quốc, cương lĩnh của LDP cũng đã nêu rõ đảng này sẽ giữ quan điểm cứng rắn trong tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. LDP tuyên bố sẽ nâng cấp lực lượng phòng vệ thành quân đội chính quy nhằm tăng cường quản lý hiệu quả đối với các vùng biển đảo thuộc quyền quản lý. Phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi LDP chiến thắng, ông Abe khẳng định quan hệ với Trung Quốc là một trong những quan hệ đối ngoại quan trọng nhất của Nhật Bản. Song bên cạnh đó, vị Thủ tướng tương lai cũng tuyên bố sẽ không có chuyện thỏa hiệp trong vấn đề chủ quyền Senkaku và rằng chuỗi đảo không người ở này là lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản. Tuyên bố của ông Abe đã lập tức khiến Trung Quốc đặc biệt quan ngại về những bước đi cứng rắn tới đây của chính quyền mới do LDP lãnh đạo.

Không chỉ riêng với Trung Quốc, chính phủ mới của ông Abe cũng sẽ có những bước đi quyết đoán trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với Hàn Quốc ở quần đảo Takeshima/Dokdo theo cách gọi tương ứng của hai bên. Ngoài ra, chính phủ mới của Nhật Bản cũng sẽ đẩy mạnh các chế tài đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên, và lật lại vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản ở Triều Tiên trước đây.

Các quan điểm đối ngoại cứng rắn của LDP đang khiến cả Seoul và Bắc Kinh phải "nhíu mày" lo ngại. Hàn Quốc và Trung Quốc dự đoán Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của LDP và ông Abe sẽ khiến quan hệ với các nước này phức tạp hơn trong các vấn đề lịch sử nhạy cảm.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, với những chiến lược đề ra trong cương lĩnh trên hai lĩnh vực đối nội và đối ngoại,  LDP dường như đang vấp phải mâu thuẫn cơ bản trong chính đường lối phát triển của mình. Bởi muốn bảo vệ chủ quyền biển đảo, Nhật Bản phải cứng rắn với Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhưng để khôi phục nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, Nhật Bản lại không thể quay lưng với hai nước láng giềng. Vì vậy, việc lựa chọn đường lối phát triển cân bằng sẽ trở thành không dễ dàng đối với tân chính phủ của ông Abe và vì thế, gánh nặng đè lên vai “người khổng lồ” LDP sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

          Việt Giang