1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thừa Thiên - Huế:

Tranh thờ ông Công ông Táo “cháy hàng” sớm

(Dân trí) - Năm nay, làng sản xuất tranh dân gian thờ cùng với ông bà Táo quân đã “cháy hàng” từ rất sớm. Hàng không những phục vụ cho thị trường Huế mà con vào Nam, ra Bắc với hàng trăm bức tranh đã hết veo từ đầu tháng Chạp.

Có mặt ở làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Huế), chúng tôi chứng kiến một không khí làm việc hết sức khẩn trương của gia đình nghệ nhân Kỳ Hữu Phước - người làm tranh thờ lâu nhất làng. Huy động hết lực lượng trong nhà cộng thêm mấy người hàng xóm vẫn làm không hết việc.

 

Theo ông Nguyễn Hữu Thông, Trưởng phân viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam tại Huế, nghề làm tranh thờ ở làng Sình đã bắt đầu xuất hiện thời kỳ đầu triều Nguyễn vào đầu thế kỷ 16, thị trường tiêu thụ không chỉ Thừa Thiên – Huế mà gần như cả vùng Trung Trung bộ Việt Nam. Có 3 nhóm tranh chủ yếu: tranh nhân vật, tranh đồ vật và tranh súc vật.

Từ khâu pha mực màu, chuốt giấy, vẽ tranh, chuốt tranh trên khuôn đều được người làm nhanh như chớp, tuy nhiên thời gian ngày đưa ông Công, ông Táo về trời rất cận kề với hàng nghìn đơn đặt hàng đã làm cả nhà phải chạy đua với thời gian.

 

Cầm ổ mỳ nuốt vội, ông Phước hắng giọng kể: “Chỉ có năm nay mới làm nhiều như ri, hàng gấp 4 lần năm ngoái với tổng số tranh thờ lên tới 100.000 bản, một bản giá bỏ sỉ là 500 đồng. Nhà tui gắng hết sức cũng chỉ làm được 40.000 bản, còn lại nhờ hàng xóm phụ thêm”.

 

Loại tranh thờ dân gian ở làng Sình là loại tranh nguyên bản từ xa xưa, chuyên được dùng thờ trên bàn thờ bếp bên cạnh ông Táo: như tranh cô – cậu (hình nhân thế mạng người lớn nam hay nữ trong nhà), tranh trẻ em (thay thể các đứa trẻ trong nhà), tranh bà thánh mẫu, tranh 3 ông bà táo trên thiên đình, tranh súc vật (thế thân cho vật nuôi như trâu, bò, heo, gà, mèo, chó)… loại tranh này chủ yếu về mặt tâm linh dùng để tượng trưng cho đối tượng cần cầu sự may mắn và sức khỏe trong năm tại nhà đó.

 

Hàng tranh thờ dịp 23 tháng Chạp này được đóng theo xe lớn ra Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, vào Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh  Hòa… “Càng ngày tui càng thấy vấn đề tâm linh được coi trọng, người mua cũng nhiều lên, nhờ rứa mà nghề xưa sống được. Nhà tôi cũng đã chuẩn bị một bộ đầy đủ các bản tranh để thờ, cầu năm mới ông Táo cho nhà làm ăn phát đạt” - ông Phước tâm sự vui.

 

Dưới đây là một số hình ảnh về các tranh thờ cùng ông Công ông Táo ở làng Sình đã có tuổi đời hàng trăm năm.
 
Tranh thờ ông Công ông Táo “cháy hàng” sớm - 1

In tranh bằng khuôn gỗ

Tranh thờ ông Công ông Táo “cháy hàng” sớm - 2

Công đoạn vẽ màu

Tranh thờ ông Công ông Táo “cháy hàng” sớm - 3

Bức tranh thánh mẫu

Tranh thờ ông Công ông Táo “cháy hàng” sớm - 4

ông bà Táo ngồi trên Thiên đình

Tranh thờ ông Công ông Táo “cháy hàng” sớm - 5

Tranh dùng cho người lớn, đồ vật và vật nuôi trong nhà

Tranh thờ ông Công ông Táo “cháy hàng” sớm - 6
Áo quần cũng được thờ qua tranh cúng làng Sình.

 

Đại Dương