Thực hư việc trẻ mầm non phải đi đại tiện vào... túi nylon

(Dân trí)- Xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) được đánh giá là xã giàu có nhờ buôn bán và làm đồ gỗ. Chính vì thế thông tin gần 600 HS và 42 giáo viên Trường mầm non công lập xã phải đi đại tiện vào... túi nylon khiến dư luận không tránh khỏi sự hoài nghi.

Dù hôm qua 19/8 trời Hà Nội mưa rả rích cả ngày nhưng với quyết tâm sớm tìm hiểu thực hư về câu chuyện “đi đại tiện vào túi nylon”, cánh phóng viên chúng tôi đã tìm về xã Hữu Bằng.

Khi chúng tôi đặt chân đến trước cổng trường mầm non Hữu Bằng (có trụ sở chính ở xóm Chùa) thì cũng đã hơn 12h trưa. Anh em trong đoàn tỏ vẻ quyết tâm: “Muộn những vẫn phải liên hệ để vào vì thời điểm này sau khi ăn trưa có thể các cháu đi “ị”, trực tiếp chứng kiến cảnh vất vả của thầy cô thì mới phản ánh hết được”.

Thấy trước cổng trường có nhiều người tụ tập, một nhân viên ra hỏi han. Sau khi nghe chúng tôi là phóng viên muốn về tìm hiểu về tình hình thực tế tại trường thì nhân viên này vội vàng khóa cổng lại và thông báo: “Các anh chờ ngoài này để tôi vào báo cáo với Ban giám hiệu”.

Sau khoảng 2 phút, chẳng biết cô nhân viên thông báo lại với Ban giám hiệu như thế nào mà toàn bộ giáo viên trong trường mầm non Hữu Bằng nhốn nháo nhìn ra, chẳng ai ra trả lời hay tiếp đón cánh phóng viên chúng tôi mà vội vả đi dọn dẹp các thứ ở trong và trước lớp học.

Chờ đợi gần 30 phút nhưng chẳng thấy hồi âm, gọi điện cho cô hiệu trường thì lại không nghe máy nên chúng tôi đành phải tính nước lên phương án tác nghiệp khi mà không được vào phía trong trường để thực tế bởi chẳng lẽ đi một chặng đường hơn 30km lại thất bại quay về.

Sự thật về việc "đi đại tiện vào… túi nylon"

Quan sát từ ngoài cổng trường mầm non Hữu Bằng không khó khăn gì để nhận thấy ở cơ sở này có một nhà vệ sinh khá khang trang. Thỉnh thoảng các cháu lớp lớn vẫn đi ra đi vào giải quyết “nhu cầu”. Qua tiếp xúc với một số người dân gửi con tại trường thì được thông tin thêm: “Trường vẫn có nhà vệ sinh, các cháu đi học về cũng chẳng thấy kêu ca hay phản ánh gì về chuyện đi đại tiện vào túi nylon”.

Để tìm hiểu thêm, chúng tôi quyết định đến làm việc với lãnh đạo xã Hữu Bằng.
 
Thực hư việc trẻ mầm non phải đi đại tiện vào... túi nylon - 1

Dù nhiều lần phóng viên ngỏ ý được vào thăm cơ sở chính của trường mầm non Hữu Bằng ở xóm Chùa nhưng đều bất thành.

Xong khi được đọc bài báo đưa thông tin về việc hàng trăm học sinh trường mầm non xã Hữu Bằng đi đại tiện vào túi…nylon, phó chủ tịch xã Hữu Bằng - ông Nguyễn Văn Cát tươi cười cho biết: “Sự khó khăn trường lớp không chỉ ở bậc học mầm non mà ngay cả tiểu học và THCS ở Xã Hữu Bằng đã tồn tại nhiều năm nay. Tuy nhiên việc đưa thông tin học sinh phải đi “ị” vào túi nylon là chưa hoàn toàn chính xác”.

Ông Cát cho biết, hiện nay xã vẫn chưa có một ngôi trường mầm non thực thụ. Khu trường mầm non ở xóm Chùa cũng chỉ là các phòng học tạm được mượn từ Ban quản lý di tích Đình chùa Vân Chì đã được xếp hạng. Trước kia khu nhà tạm này dùng chung cho cả cấp mầm non và tiểu học. Sau này khi cấp tiểu học có khu trường mới thì toàn bộ cơ sở ở đây được dùng để phục vụ cho cấp học mầm non. Tuy nhiên với sự gia tăng cơ học về dân số cũng như nhu cầu gửi trẻ của người dân ở xã này, trường đành phải mở thêm hai địa điểm chắp vá nhỏ lẻ được cải tạo lại từ khu chăn nuôi và thôn Bò trước kia. Do đây là các cơ sở phòng học tạm nên việc chưa có đủ diện tích hay thiếu sân chơi cũng là điều dễ hiểu.

“Việc xây dựng nhà vệ sinh cho cô trò không phải là điều gì đó quá sức đối với địa phương. Tuy nhiên cơ sở ở khu vực xóm Chùa lại nằm trong quần thể khu di tích Đình chùa Vân Chì đã được xếp hạng chính vì thể không thể can thiệp cải tạo quá mức và càng không thể xây dựng nhà vệ sinh kiên cố được. Còn đối với hai điểm trường còn lại thì đều có nhà vệ sinh tử tế” - ông Cát lý giải.
 
Thực hư việc trẻ mầm non phải đi đại tiện vào... túi nylon - 2

Khu vực học tạm trường mầm non Hữu Bằng nằm trong quần thể khu di dích nên việc cải tạo hay xây dựng nhà vệ sinh kiên cố là điều không được phép.

Về việc thông tin học sinh phải đi đại tiện vào túi nylon, ông Cát nhấn mạnh: “Tất cả các lớp học ở xóm Chùa các cháu đều được trang bị bô. Do các cháu còn nhỏ, nhà vệ sinh lại chưa đảm bảo nên thầy cô đều cho các cháu đi đại tiện vào bô sau đó bỏ vào túi bóng buộc kín rồi tập hợp về một chỗ. Sau các buổi học sẽ có người đến thu dọn mang đi để đảm bảo vệ sinh”.

Để tìm hiểu thêm vấn đề, chúng tôi cũng đã làm việc với Phòng Giáo dục huyện Thạch Thất. Ông Nguyễn Quốc Mạnh, trưởng phòng Giáo dục huyện Thạch Thất chia sẻ: “Hiện trạng khó khăn ở xã Hữu Bằng không phải chỉ có ở cấp học mầm non mà ngay cả cấp tiểu học và THCS cũng còn nhiều bất cập. Phòng cũng đã biết từ lâu nhưng cũng chỉ biết khắc phục dần dần. Điều khó khăn nhất trong việc quy hoạch trường lớp ở đây đó chính là nguồn lực đầu tư và khâu giải phóng mặt bằng”.

Chia sẻ về thông tin học sinh phải đi đại tiện vào túi nylon, bà Đỗ Thị Thúy Nga - phó phòng Giáo dục huyện Thạch Thất, phụ trách mảng giáo dục mầm non, buồn rầu chia sẻ: “Thật ra thông tin không chính xác như thế này rất ảnh hưởng đến ngành giáo dục Thạch Thất nói riêng và cả thủ đô nói chúng. Không chỉ có trường mầm non xã Hữu Bằng mà nhiều xã lân cận việc đều cho học sinh đi đại tiện vào bô rồi cho vào túi nylon buộc kín để cuối đem đi chôn lấp. Đây cũng quy định của y tế trong việc đảm bảo vệ sinh trường học”.

Quy hoạch trường lớp ở xã Hữu Bằng: Khó khăn chồng chất!

Theo trưởng phòng Nguyễn Quốc Mạnh thì hôm 17/8 vừa qua đoàn kiểm tra định kỳ cũng đã về làm việc với xã Hữu Bằng để bàn đầu tư xây dựng trường. Theo đó sẽ sớm đầu tư xây dựng trường mầm non cũng như trang bị cơ sở vật chất. Bên cạnh đó cũng sẽ tiến hành đầu tư cho tiểu học ở cơ sở hiện tại và xây dựng mới cơ sở trường THCS để sau này cơ sở hiện tại sẽ bàn giao lại cho cấp tiểu học để tiến tới việc đưa các trường này lên chuẩn quốc gia.

Ông Mạnh cũng cho biết, theo tính toán sẽ dành khoảng 1,7ha đất để xây dựng trường học. Trong đó bố trí cho trường mầm non khoảng 4.000m2. Khu đất được bố trí phía sau trụ sở UBND xã.
 
Kế hoạch, lộ trình là thế nhưng theo Phó chủ tịch xã Hữu Bằng Nguyễn Văn Cát thì rất khó khăn để thực hiện. Ông Cát cho biết: “Hiện nay ở xã Hữu Bằng có đến 16.000 dân nhưng diện tích đất tự nhiên của xã chỉ là 178ha. Bên cạnh đó trước kia xã là khu làng nghề truyền thống chứ không xuất phát từ nông nghiệp nên sau này khi làng nghề truyền thống mai một đi thì người dân lại phải vật lộn để chuyển đổi ngành nghề. Từ đó dẫn đến có nhiều quy hoạch tự phát mà bây giờ muốn giải tỏa thì không đơn giản một chút nào”.
 
Thực hư việc trẻ mầm non phải đi đại tiện vào... túi nylon - 3

Để có thể giải phóng mặt bằng lấy đấy xây dựng trường ở khu vực phía sau UBND Xã sẽ cần một khoản tiền đền bù rất lớn.

Chỉ cho chúng tôi khu đất dự kiến xây dựng trường học phía sau UBND xã, ông Cát chia sẻ: “Khu đất này là đất nông nghiệp nhưng chẳng canh tác được gì bởi nhiều khu tiểu thủ công nghiệp lân cận làm cho ô nhiễm đất. Tuy nhiên nếu mình muốn lấy lại thì bắt buộc phải đền bù cho dân và quan trọng hơn phải di dời các khu tiểu thủ công nghiệp ra khỏi khu vực trường học để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Nếu phải làm như vậy thì khoản tiền đền bù để giải phóng mặt bằng sẽ ở một con số khủng khiếp”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù Hữu Bằng là xã vùng quê nhưng giá đất ở khu vực này cũng đắt đỏ chẳng kém nội thành Hà Nội.

“Tình hình ở xã Hữu Bằng rất căng, anh em chính quyền xã đã nỗ lực hết mình nhưng cũng chưa thể cải thiện được. Nhiều lần cũng đã kiến nghị lên các cấp cao hơn song cũng chưa tìm ra hướng giải quyết. Có lẽ bài toán ở Hữu Bằng không chỉ dừng lại ở sự vào cuộc của cấp xã hay huyện mà cần có sự tham gia của UBND thành phố” - phó chủ tịch Cát tâm sự.
 

Chút tâm tư của cô hiệu trưởng mầm non Hữu Bằng

Mặc dù đã nhiều lần ngỏ ý được vào thăm cơ sở trường mầm non Hữu Bằng nhưng bất thành nên tôi thành phải quay về khi trong tay không có những hình ảnh phản ánh sự khó khăn của cô trò nơi đây.

Dọc được trở về tôi vẫn băn khoăn nên đã nhắn tin cho cô Phạm Thị Hường - hiệu trưởng trường mầm non Hữu Bằng với mục đích chia sẻ mà chẳng hi vọng nhận được câu trả lời bởi trước đó gọi điện nhiều lần nhưng cô Hường không nhấc máy.

Có lẽ biết chúng tôi đang trên đường về tòa soạn nên hiệu trưởng Hường đã gọi điện chia sẻ: “Không phải bọn chị ngại gặp các em đâu. Nhưng khi nghe cô nhân viên vào báo cáo lại không thấy nói các em xuất trình giấy tờ (thực tế là chúng tôi có xuất trình) nên chị không dám tiếp. Những phản ánh của Phòng Giáo dục cũng như của xã là hoàn toàn đúng với thực tế của nhà trường. Rất cảm ơn thiện chí của các em khi muốn giúp nhà trường”.

Mặc dù là lời chia sẻ “muộn” nhưng bản thân tôi cũng trút bỏ được tâm trạng không vui của mình. Tôi biết đối với các trường học ở các xã vùng quê hay vùng cao, thầy cô vẫn chưa quen với việc đột ngột có phóng viên về tìm hiểu viết bài. Ai cũng lo lắng và nghĩ đến những tình huống xấu nhất khi nghe cụm từ “phóng viên về trường” cho dù đó là những sự thiện chí và đầy trách nhiệm.

 
Nguyễn Hùng