1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tàu đổ bộ sao Hỏa gửi về bức ảnh màu toàn cảnh đầu tiên

(Dân trí) - Tàu đổ bộ sao Hỏa mới của NASA đã gửi về bức ảnh màu toàn cảnh 360 độ đầu tiên về bề mặt của hành tinh đỏ.

 
Bức ảnh toàn cảnh đầu tiên về bề mặt sao Hỏa được Tò mò gửi về.
Bức ảnh toàn cảnh đầu tiên về bề mặt sao Hỏa được "Tò mò" gửi về.

Robot Curiosity (Tò mò) đã sử dụng camera khoa học góc rộng đặt đủ cao trên một cột ăng ten để có được bức ảnh này. Bức ảnh toàn cảnh cho thấy ở giữa là ngọn núi lớn và ngọn núi này nằm giữa miệng hố Gale, nơi “Tò mò” hạ cánh.

 

Mục đích cuối cùng của tàu “Tò mò” là leo lên đỉnh núi, được biết đến với cái tên không chính thức là đỉnh Sharp, nhằm nghiên cứu đá của nó.

 

“Đây là bức ảnh toàn cảnh có độ phân giải rất thấp”, Mike Malin, người phụ trách camera Mastcam trên “Tò mò” cho biết.

 

Màu sắc của bức ảnh chính là màu camera quan sát thấy và giới chức NASA chỉ chỉnh sửa để làm cho hình ảnh sáng lên đôi chút. Bức ảnh cũng được rửa non để không làm đậm bất kỳ vùng sáng nào.

 

Những khuôn hình có độ nét cao hiện đang được lưu giữ trong bộ nhớ camera tuy nhiên sẽ phải mất thêm thời gian để chúng được gửi trở lại trái đất vì mỗi tấm có dung lượng 2MB.

 

“Tò mò” có 2 Mastcam. Chiếc chụp tấm ảnh toàn cảnh đầu tiên là chiếc 33mm. Camera còn lại có ống kính 100mm

 

Những mastcam này đóng vai trò quan trọng trong hoạt động hỗ trợ hoạch định sứ mệnh khoa học của “Tò mò”, như chọn vị trí của robot tự hành cũng như mục tiêu (đá) thám hiểm.

 

Các nhà nghiên cứu muốn cuối cùng “Tò mò” sẽ tới được chân núi Sharp. Các bằng chứng thu thập từ ảnh vệ tinh cho thấy có trầm tích ở chân đỉnh núi 5,5km này và có sự hiện diện của nước.

 

Robot tự hành sẽ dùng các thiết bị của mình để hiểu về môi trường tại thời điểm hình thành đá và liệu trên sao Hỏa có thời gian nào có sự tồn tại của vi khuẩn sống hay không.

 

Có thể phải mất cả năm hoặc hơn để tới được những vị trí chính ở chân núi Sharp, hiện cách “Tò mò” khoảng 6,5km.

 

Vũ Quý

Theo BBC