Thanh Hóa:

Tang thương vùng quê có 9 ngư dân mất tích trên biển

(Dân trí) - Bầu không khí tang thương, ảm đạm đang bao trùm lên người dân hai vùng quê nghèo miền biển trong những ngày cận kề Tết. Người thân của 9 ngư dân trong vụ tàu mất tích ngày 14/1 đã cạn khô nước mắt vì khóc cha, khóc chồng, khóc con.

Sự náo nhiệt, ồn ào vốn có của xã Ngư Lộc, Hưng Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) mấy ngày hôm nay tịnh không có. Thay vào đó là những tiếng khóc than, nỗi đau như xé lòng của những gia đình có người thân một đi không trở về trên con tàu xấu số bị mất tích ngày 14/1/2011.
 
Tang thương vùng quê có 9 ngư dân mất tích trên biển - 1
Nỗi đau nơi vùng quê nghèo những ngày giáp Tết

Như Dân trí đã thông tin, ngày 14/12/2010, con tàu TH 90507 TS với công suất 155CV do anh Tăng Văn Xô làm trưởng tàu, cùng 8 ngư dân khác ra khơi câu mực. Đến ngày 14/1/2011, khi tàu đang khai khác trên biển thì nghe tin có gió mùa Đông Bắc. Các ngư dân đã cho tàu chạy vào đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) để trú ẩn nhưng đang trên đường đi trú thì tàu bị rách dù, mất liên lạc hoàn toàn.

Sau nhiều ngày, gia đình các ngư dân cùng chính quyền hai xã Ngư Lộc, Hưng Lộc đã tổ chức tìm kiếm các nạn nhân, nhưng đến nay vẫn chưa có tin tức.

Từ đầu thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc đã nghe tiếng kêu gào thảm thiết của chị Tô Thị Hương (vợ chủ tàu Tăng Văn Xô) cùng người mẹ già Nguyễn Thị Xuyên đã gần 70 tuổi. Chờ đợi, trông ngóng tin chồng con đã mấy ngày nay, chị Hương thều thào nói: “Tôi tin anh Xô sẽ trở về, anh ấy không thể bỏ tôi với 4 đứa con nheo nhóc đang tuổi ăn học và khoản tiền nợ ngân hàng khổng lồ được. Tôi biết làm gì để sống và nuôi các con những ngày còn lại khi không có nghề nghiệp, không một mảnh đất cắm dùi đây? 6 miệng ăn nhưng chỉ có mình anh Xô là lao động chính nuôi cả gia đình thôi”.

Anh Xô từ nhỏ đã quen nghề đi biển. Sau khi lập gia đình với chị Hương và có với nhau bốn người con, anh chị chắt chiu, vay tiền ngân hàng mua con tàu đánh cá này với hi vọng sẽ có thêm chút tiền nuôi các con ăn học. Nay người đàn ông trụ cột ấy đã một đi không trở về, mẹ con chị Hương rơi vào bế tắc, bần cùng, con chị đứng trước nguy cơ phải nghỉ học. 

Chúng tôi đến thăm ông Tăng Văn Chí và bà Nguyễn Thị Xuyên (cùng sinh năm 1947) - cha mẹ anh Xô - ở thôn Bắc Thọ. Có nỗi đau nào như nỗi đau hai thân già ấy đang phải gánh chịu khi cả 3 người con trai của ông bà đều đi trên con tàu mất tích kia. Cả 3 anh Tăng Văn Xô, Tăng Văn Viết và anh Tăng Văn Việt đều khó hy vọng có ngày trở về.
 
Tang thương vùng quê có 9 ngư dân mất tích trên biển - 2
Đại diện chính quyền địa phương trao quà cho chị Hoa, vợ anh Tăng Văn Việt

Vật vã, kêu gào trong nỗi đau mất con, bà Xuyến lịm dần đi. Đã mấy ngày nay bà chẳng chịu ăn, chẳng chịu ngủ, chỉ nằm vật vã một chỗ. Trong tiếng tấc nghẹn ngào, ông Chí tâm sự: “Vợ chồng tôi không biết sống sao đây khi “người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh”. Không chịu được sự mất mát quá lớn, vợ tôi đã không còn tỉnh táo, thỉnh thoảng lại ngồi dậy la hét, đập phá khắp nhà. Tôi thương con dâu và các cháu phải chịu cảnh góa chồng, mồ côi cha quá sớm. Có lẽ các cháu phải nghỉ học thôi”.

Cùng trong thôn Bắc Thọ, gia đình ông Nguyễn Văn Mẫu có hai con là Nguyễn Văn Thu (sinh năm 1983) và Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1987) cùng đi trên con tàu xấu số. Do hoàn cảnh gia đình túng bấn, các con ông phải nghỉ học, bươn chải cuộc sống từ nhỏ với nghề đi biển. Giờ ông tuổi cao, không còn sức đi biển nên để hai con đi thay bố, không ngờ các con có đi mà không có về.
 
“Khổ lắm, các cháu nó đang còn ít tuổi lắm, chúng nó vì thương tôi, thương các em mà chưa dám nghĩ đến chuyện lập gia đình. Gia đình tôi nghèo từ xưa nên chúng phải thay bố mẹ gánh vác gia đình bao năm nay. Giờ chúng không về thì tôi không sống nổi. Bổn phận là cha mẹ, tôi chưa chăm lo được cho các con thì các con đã không còn bên cạnh”, ông Mẫu sụt sùi nói trong nước mắt.
 
Đến xã Hưng Lộc, chúng tôi ghé vào gia đình anh Hoàng Văn Nhẫn (sinh năm 1972) và chị Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1973). Hơn 15 năm chung sống, vợ chồng anh Nhẫn sinh được 5 người con. Vì miếng cơm manh áo nên anh Nhẫn theo tàu anh Xô ra biển đánh bắt. Nay chị Hương cùng các con đã khóc đến khàn giọng, chờ đợi đến kiệt sức mà không thấy bóng dáng anh.
 
Lao động chính trong gia đình không còn, các con đang tuổi ăn học, bản thân chị Hương lại không có việc làm nên khó khăn chồng chất những khó khăn. Chị cố gượng dậy, miệng lắp bắp: “Trước đi ra bể, anh Nhẫn còn nói với các con sẽ cố gắng kiếm thật nhiều mực về bán, rồi lấy tiền cho các con đi chợ sắm quần áo mới đón Tết. Nghe vậy, các con tôi rất vui, suốt ngày cứ chờ đợi tin bố nó về...”.
 
Tang thương vùng quê có 9 ngư dân mất tích trên biển - 3
Nỗi đau đớn của những người thân
 
Chia sẻ với Dân trí, ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, buồn rầu: “Nhận được tin báo có tàu của xã gặp nạn, chúng tôi thông báo ngay với các chủ tàu đang khai khác và trú ẩn gần đảo Bạch Long Vĩ tham gia tìm kiếm cứu nạn. Sau đó chúng tôi gửi ngay công điện khẩn lên Trung tâm tìm kiếm cứu nạn huyện Hậu Lộc, và tỉnh Thanh Hóa cùng báo đài nhờ giúp đỡ. Chúng tôi đã huy động 13 tàu tham gia tìm kiếm trong 2 ngày liên tục những vẫn chưa thấy tin tức gì.
 
Theo kinh nghiệm nghề đi biển, chúng tôi dự đoán 90% là tàu đã bị đắm. Hiện, chúng tôi đã tổ chức thăm hỏi, động viên người nhà những nạn nhân trên con tàu xấu số đó và hỗ trợ mỗi gia đình 1 triệu đồng, với mong muốn các gia đình bớt đi những khó khăn ban đầu. Còn về lâu dài, chúng tôi sẽ vận động các chị em phụ nữ tham gia lớp học nghề đan, khâu bóng của xã để tạo công ăn việc làm, nuôi sống bản thân và gia đình, tạo điều kiện cho các cháu được tiếp tục tới trường”.

Bầu không khí tang thương đang bủa vây những ngư dân vùng biển, những nỗi đau, sự mất mát đến bao giờ mới hết? Biết là  nghề nguy hiểm nhưng vì kiếm miếng cơm manh áo, họ vẫn phải liều mình ra khơi. Giữa những ngày giá rét cận kề Tết Nguyên đán, sự quan tâm của cộng đồng sẽ là những món quà tinh thần xoa dịu bớt nỗi đau cho những con người ấy, giúp họ có cái Tết no ấm và bình yên hơn.

Lan Anh - Duy Tuyên