1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Sự thật về chi phí “bôi trơn”

(Dân trí) - Trên 21% doanh nghiệp trong nước thừa nhận đã trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh và 40% doanh nghiệp chi trả “hoa hồng” để tăng khả năng trúng thầu hợp đồng mua sắm của chính phủ…

Tiêu cực trong quá trình cổ phần hóa

Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2010 vừa được công bố dựa trên ý kiến đóng góp của hơn 7.300 doanh nghiệp trong nước và 1.155 doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên 63 tỉnh, thành.

Sự thật về chi phí “bôi trơn” - 1
Ngành xây dựng được đánh giá là "mảnh đất màu mỡ" cho tham nhũng (ảnh minh họa).

Theo nhóm nghiên cứu, yếu tố chính thúc đẩy chi phí không chính thức là quy mô doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn, hàm lượng vốn cao chi trả chi phí không chính thức ít thường xuyên hơn so với các doanh nghiệp khác nhưng lại có khuynh hướng chi trả chi phí chính thức ở mức cao hơn.

Dựa trên các số liệu thu thập được, nhóm nghiên cứu dự đoán những doanh nghiệp cổ phần đã từng là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoặc doanh nghiệp có lãnh đạo là người đã từng làm quản lý DNNN thì có khả năng chi trả chi phí không chính thức sẽ thấp hơn, nếu đây là một vấn đề mang tính hệ thống.

Đối với doanh nghiệp đã từng là hộ kinh doanh, hầu như không có khả năng có quan hệ mật thiết với nhà nước thì khuynh hướng chi trả chi phí không chính thức của nhóm này sẽ cao hơn, đặc biệt trong đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, việc đã từng là DNNN lại làm tăng đột biến và đáng kể khuynh hướng chi trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh. Tỉ lệ trả phí bôi trơn trong đăng ký kinh doanh của các DNNN mới cổ phần cao hơn 27%.

“Có thể giải thích hiện tượng này như là phản ánh của doanh nghiệp về quá trình cổ phần hóa đầy tiêu cực tại các nước đang phát triển.” - nhóm nghiên cứu nhận định.

Kết quả báo cáo chỉ ra rằng trên 21% doanh nghiệp trong nước thừa nhận đã trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh và tới 40% doanh nghiệp chi trả “hoa hồng” để tăng khả năng trúng thầu hợp đồng mua sắm của chính phủ. Tham nhũng đặc biệt tập trung ở các ngành dịch vụ có tốc độ phát triển nhanh và lợi nhuận cao, chẳng hạn ngành viễn thông.

Đáng chú ý, chủ doanh nghiệp đã từng giữ vị trí lãnh đạo trong DNNN có nền tảng và quan hệ xã hội tốt với bộ máy hành chính địa phương có khuynh hướng chi trả hoa hồng thấp hơn 25% để thắng thầu.

Hiện tượng này được suy đoán theo hướng: chủ doanh nghiệp có nền tảng như vậy sẽ hiểu biết sâu hơn quy trình đấu thầu công và có lẽ đã xây dựng quan hệ với cán bộ nhà nước. Quan hệ cá nhân sẽ thay thế việc chi trả chi phí không chính thức để thắng thầu.

Hiệp định thương mại làm giảm tham nhũng

Một vấn đề thường gây tranh luận là liệu doanh nghiệp nước ngoài có bị lôi kéo chi trả chi phí không chính thức hay không do không có mạng lưới đối tác mạnh cũng như quan hệ với chính quyền như doanh nghiệp trong nước.

Theo quan điểm này, nhóm nghiên cứu dự đoán là doanh nghiệp nước ngoài buộc phải chi trả chi phí không chính thức thường xuyên hơn khi tham gia các ngành mà doanh nghiệp trong nước đã đầu tư nhiều như: sản xuất, nông nghiệp.

Một luận điểm nữa là doanh nghiệp nước ngoài dễ có khả năng chi trả chi phí không chính thức khi tham gia các ngành không có sự cạnh tranh thật sự; như: khai khoáng và xây dựng sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng và cả trong ngành dịch vụ thường được quản lý rất chặt.

Tuy nhiên, một ngoại lệ là khoảng 54% doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong ngành dịch vụ/thương mại chi trả chi phí không chính thức khi đăng ký kinh doanh cao hơn bất kỳ ngành nào khác. Tỉ lệ tương ứng cho doanh nghiệp trong nước thuộc ngành dịch vụ chỉ là 20%.

Kết quả này hé lộ nhiều điều, vì dịch vụ thường được cho là ngành được bảo hộ nhất trong các nền kinh tế đang phát triển. Ngành dịch vụ rõ ràng là khu vực có chi phí không chính thức cao nhất trong khối doanh nghiệp nước ngoài, nhưng trong khối doanh nghiệp trong nước thì không.

Các kết quả điều tra còn chỉ ra một sự thật là không phải dòng chảy FDI mà chính vai trò của Hiệp định  thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ mới là nhân tố quyết định lớn nhất đối với tham nhũng do tác động thay đổi luật pháp trong nước và giảm cơ hội tham nhũng trong giao dịch với đối tác nước ngoài của Hiệp định này.

Lan Hương