Sự sát hạch công bằng

Vụ tỉnh Nam Định “chặn cửa” sinh viên dân lập vào làm việc tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh đã tạo ra nhiều phản ứng trong dư luận.

Nhiều ý kiến cho rằng như vậy là không công bằng đối với sinh viên học các trường dân lập, nhiều em học giỏi, nắm vững kiến thức, nhưng lại không có cơ hội được làm công chức.

 

Xin không bàn đến chuyện đúng sai của quyết định này, mà chỉ phân tích một khía cạnh khác của giáo dục đại học. Trường đại học được mở quá nhiều và chất lượng phần lớn lại rất thấp là một thực tế không thể chối bỏ. Kỳ tuyển sinh năm nay cho thấy một sự đổ vỡ phần nào trong hệ thống các trường đại học dân lập, không chóng thì chầy, sẽ có nhiều trường phải đóng cửa.

Các trường này lập ra để kinh doanh giáo dục và một “doanh nghiệp” làm ăn không hiệu quả thì phá sản là điều không tránh khỏi.

Cho dù cơ quan nhà nước cho sinh viên trường dân lập có cơ hội trong tuyển dụng thì cũng không phải là lối thoát cho các trường đại học này, bởi vì sản phẩm đào tạo không chỉ cung cấp cho các cơ quan nhà nước mà cho cả xã hội. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có quyền từ chối nhận sinh viên của trường này hoặc không nhận sinh viên của trường khác.

Họ có nhiều sản phẩm để lựa chọn và tất nhiên họ sẽ lựa chọn sản phẩm chất lượng cao nhất có thể. Có những doanh nghiệp chỉ cần nhìn tên trường trên tấm bằng đại học là lắc đầu khỏi cần gọi phỏng vấn, bởi vì họ quá biết thực chất đào tạo của trường đó. Với các doanh nghiệp, không ai bắt họ phải nhìn nhận các trường đại học trong và ngoài công lập như nhau, hay sinh viên tốt nghiệp đại học ở các hệ là có trình độ ngang nhau. Doanh nghiệp tính đến hiệu quả của công việc nên họ sẵn sàng từ chối những tấm bằng không thực chất.

Thị trường tuyển dụng lao động là một môi trường sát hạch gay gắt và công bằng đối với các loại sản phẩm đào tạo. Các cơ quan, doanh nghiệp không mặn mà hoặc từ chối bằng đại học tại chức, đại học dân lập là vì xã hội không đánh giá cao chất lượng của nhiều trường thuộc các hệ đào tạo này. Nói cho công bằng, giữa các sản phẩm khác nhau, phía tiếp nhận sẽ luôn chọn cái tốt nhất cho mình và bằng tại chức và dân lập sẽ không thuộc hàng ưu tiên. Trước thực tế đó, các trường đại học cần tỉnh táo để nhìn nhận rằng chỉ có chất lượng là tiêu chí để phát triển.

Từ chuyện chê bằng tại chức và dân lập từ phía xã hội, cũng cho thấy sự yếu kém trong quản lý của Bộ GDĐT. Trường nhiều, người học bỏ tiền theo đuổi 4 năm trời nhưng tốt nghiệp lại bị chê, khó kiếm được việc làm hoặc không làm được việc. Cá nhân người học chịu thiệt thòi vì tốn kém tiền bạc và phung phí thời gian, còn đối với xã hội là một sự lãng phí không thể tính hết.    

 

Theo Lê Thanh Phong

Lao Động