Sự lương thiện

GS Ngô Bảo Châu bàn về đạo đức của người lãnh đạo: “Phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo là tính lương thiện, ít nhất là lương thiện vừa đủ để không tự lừa mình bằng những điều viển vông và không tự bao biện cho những sai lầm của mình”.

Thật không khỏi giật mình khi nghe nhắc đến hai chữ “lương thiện”. Xã hội đề ra quá nhiều giá trị đạo đức, có những thứ rất to tát, sơn phết lòe loẹt để rồi chạy theo tán tụng, hô khẩu hiệu, nhưng dường như quên mất một việc rất giản dị, đó là sống lương thiện. Bởi sự vô tâm đó cho nên quanh ta vẫn còn thiếu vắng nhiều sự lương thiện.

 

Lương thiện sao được khi có những người mang trọng trách với dân nhưng lợi dụng quyền hành để vơ vét cho riêng mình? Lương thiện ở đâu khi có những người chấp pháp nhận tiền chạy án gây oan khiên cho công dân?

 

Lương thiện ở đâu khi có những người chấp pháp nhận tiền chạy án để làm sai lệch bản chất vụ án, gây oan khiên cho công dân? Lương thiện còn không khi những doanh nghịêp nhà nước làm ăn thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng nhưng những người lãnh đạo thì nhà cao cửa rộng? Lương thiện là gì khi bằng cấp học vị vẫn còn là một thứ để bán mua?...

 

Sự thiếu vắng tính lương thiện như một bệnh dịch lây lan đầy nguy hiểm. Một vụ va chạm giao thông nhẹ  trên đường phố có thể trở thành một vụ trọng án giết người. Bệnh nhân nghèo ki cóp không đủ tiền mua thuốc nhưng vẫn phải bỏ phong bì cho y – bác sĩ. Có những sinh viên muốn bảo vệ luận văn tốt nghịêp hay đủ điểm qua cầu một kỳ thi phải trao đổi bằng tình. Không  ít nhà sản xuất làm hàng gian, hàng giả, thậm chí bỏ chất độc hại vào thực phẩm để thu lợi nhuận bất chấp sức khỏe, mạng sống của người khác... Và còn nhiều điều hơn thế nữa.

 

Đã đến lúc phải nhận thức lại và đề cao tính lương thiện. Lương thiện trong từng cá nhân. Cá nhân có địa vị xã hội lương thiện thì sức ảnh hưởng của thiện tính càng rộng để có một cộng đồng lương thiện. 

 

TheoLê Thanh Phong

Lao Động