Thanh Hóa:

“Sắp Tết rồi, phải cố kiếm tiền mua cân thịt…”

(Dân trí) - Càng giáp Tết, gánh nặng mưu sinh càng oằn trên vai những người dân cửu vạn. Giữa cái lạnh căm căm của những ngày cuối năm, đi dọc các góc phố, không khó để bắt gặp hình ảnh từng nhóm người co ro ngồi chờ việc...

Dạo một vòng quanh thành phố Thanh Hóa vào những ngày này, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người đàn ông, đàn bà với xe đạp, thúng mủng, cuốc xẻng... tập trung thành từng nhóm ở các ngã ba, ngã tư đường phố. Đó là những người làm nghề cửu vạn từ một số huyện lân cận kéo lên thành phố mưu sinh những ngày cuối năm.

“Sắp Tết rồi, phải cố kiếm tiền mua cân thịt…”   - 1
Đứng "ngâm rét" chờ việc làm.

Đa số những người lao động này đến từ các huyện nghèo có cuộc sống khó khăn, đất canh tác ít, vì đang có con tuổi ăn tuổi học nên buộc phải xa gia đình đi mưu sinh. Tết sắp đến, gánh nặng mưu sinh càng oằn trên vai họ. Từng nhóm đứng co ro trên vỉa hè, có người đi xe máy hoặc ô tô tới là vây lại chờ được thuê, sau đó đám đông lại tản ra chờ đợi.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, quê ở Đông Sơn, rít điếu thuốc lào như để chống chọi với cái lạnh tê tái. Người đàn ông ngoài 40 tuổi đăm chiêu chia sẻ: “Trừ những ngày mùa, còn đâu thời gian nhàn rỗi không có việc gì làm, mấy người cùng quê lại rủ nhau ra thành phố tìm việc. Cứ tờ mờ sáng là ra đây ngồi chờ việc, ai gọi gì làm nấy. Để có tiền nuôi vợ con thì phải cố mà làm, dù vất vả đến mấy. Cuối năm nhưng vẫn ít việc, làm chẳng ăn thua. Sắp Tết rồi, phải cố để kiếm ít tiền mua cân thịt, hộp bánh cúng ông bà. Còn mấy đứa nhỏ nữa, cả năm mới có một cái Tết để được diện quần áo mới đi khoe với bạn bè”.

“Sắp Tết rồi, phải cố kiếm tiền mua cân thịt…”   - 2

“Sắp Tết rồi, phải cố kiếm tiền mua cân thịt…”   - 3
Từng nhóm người tập trung trên vỉa hè vừa hút thuốc lào vừa trò chuyện để quên đi cái lạnh.

Bác Nguyễn Văn Thoa (53 tuổi), quê ở Hoằng Quang, Hoằng Hóa, với dáng người gầy gò, bộ quần áo cũ mèm, đôi mắt trũng sâu, ngồi co ro bên dãy xe thồ, góp chuyện: “Cuối năm công việc có hơn chút ngày thường vì người ta chủ yếu thuê sửa sang lại nhà, làm tường rào, bưng bê cây cảnh… nhưng vất vả lắm. Người ta thuê bất kể công việc gì cũng làm, miễn không phạm pháp là chúng tôi làm hết”.

“Tôi đang nuôi đứa con học Học viện Tài Chính ngoài Hà Nội, mỗi tháng cũng phải cố mà kiếm rồi dành dụm, chắt bóp gửi tiền cho con, ăn cũng không dám ăn, tiêu không dám tiêu, thôi thì “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Giờ Tết nhất đến nơi lại thêm một khoản lo. Ngày 30 cũng phải có bánh chưng, có con gà mà cúng tổ tiên chứ”, bác Thoa ngậm ngùi.

Bác Lê Trọng Thảo ở xóm lao động Ngã Ba Bia cho biết: “Cứ tờ mờ sáng là chúng tôi đạp xe đi mang theo thúng mủng đến đây ngồi chờ việc, tối mịt lại đạp xe về. Bình quân mỗi ngày kiếm được 50 70.000đ, may mắn hơn thì khoảng 100.000đ, cũng có ngày không có việc gì thì về tay không. Cái nghề cửu vạn này nhọc nhằn và khổ cực nhưng đồng tiền kiếm được còn bèo bọt bấp bênh nữa”.

“Sắp Tết rồi, phải cố kiếm tiền mua cân thịt…”   - 4
Hiếm hoi lắm mới có người gọi làm.

Nỗi nhọc nhằn hằn rõ trên từng khuôn mặt khắc khổ, trên từng bàn tay thô ráp, chai sạn. “Sau một ngày làm việc đặt lưng xuống là toàn thân đau ê ẩm, nhưng được một lúc là ngủ như chết, thế mà cứ mở mắt ra là lại muốn lao ra khỏi giường dù trời mới tờ mờ sáng, dù mùa hè hay mùa đông lạnh cóng, cứ nghĩ đến phải kiếm đủ tiền để đầu tháng tới gửi cho con đi học, trả tiền điện nước, rồi cái Tết đang cận kề lại thấy mọi khổ cực tan biến đi hết”, bác Lương Công Hải, quê ở Quảng Xương chia sẻ.

Tết càng đến gần, nhiều nỗi lo lại đến với những người lao động nghèo. Vì cuộc sống mưu sinh, họ làm việc quên cả cái rét cắt da cắt thịt, quên cả việc phố xá đã lên đèn, nhà nhà đã tề tựu bên mâm cơm tối...

Nguyễn Thùy - Duy Tuyên