Quý 2/2015: Thu nhập tháng trung bình đạt 4,46 triệu đồng/người

(Dân trí) - Đây là kết quả khát sát trong Bản tin cập nhập thị trường lao động VN quý 2, được Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê công bố sáng 30/10 tại Hà Nội. Trong đó, thu nhập dẫn đầu vẫn thuộc về nhóm lao động trong khối các doanh nghiệp Nhà nước, với mức lương 6,15 triệu đồng/người.

Thu nhập trung bình đạt 4,46 triệu đồng/người.
Thu nhập trung bình đạt 4,46 triệu đồng/người.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XHXH Doãn Mậu Diệp, quý 2/2015, thu nhập bình quân/tháng (bao gồm tiền lương/tiền công, các khoản có tính chất lương và phúc lợi khác) từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 4,46 triệu đồng.

Phân chia theo giới tính, mức thu nhập bình quân của lao động nam là 4,7 triệu đồng/tháng; lao động nữ có thu nhập thấp hơn, chỉ đạt 4,13 triệu đồng/tháng.

Khảo sát của Bộ LĐ-TBX&XH cho thấy, lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục có thu nhập bình quân tháng cao nhất (6,15 triệu đồng/người). Lao động làm việc ở khu vực hợp tác xã có mức thu nhập thấp nhất (chỉ 2,84 triệu đồng).

Quý 2/2015, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương giảm 435 nghìn đồng (8,9%), lao động nữ có thu nhập thấp hơn, song mức giảm lại cao hơn lao động nam (tương ứng 576 nghìn đồng và 334 nghìn đồng).

Theo khu vực, thu nhập bình quân của lao động thành thị là 5,25 triệu đồng/tháng; lao động nông thôn thấp hơn đáng kể so với thành thị, chỉ đạt 3,84 triệu đồng/tháng. Xét theo nghề, quý 2/2015 thu nhập bình quân tháng của nhóm “lãnh đạo” cao nhất (7,3 triệu đồng), tiếp đến là nhóm “CMKT bậc cao” (6,5 triệu đồng), thấp nhất là nhóm “lao động giản đơn” (chỉ 3 triệu đồng).

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện KHLĐ (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Thu nhập của lao động thành thị giảm nhiều hơn nông thôn (tương ứng là 464 nghìn và 351 nghìn đồng). Theo nghề, thu nhập ở các nghề đều giảm. Theo hình thức sở hữu, thu nhập của lao động trong doanh nghiệp nhà nước có mức giảm nhiều nhất, giảm 700 nghìn đồng (10%) so với quý 1/2015.

Quý 2/2015, có 18,5% lao động làm công hưởng lương thuộc nhóm thu nhập thấp (dưới 2,7 triệu đồng/tháng), tăng so với quý 1/2015 (2,8%) do mức thu nhập bình quân giảm. Đa số lao động có thu nhập thấp không có CMKT/bằng cấp, chứng chỉ (73,9%) và làm các nghề giản đơn (46,47%).

Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận nhỏ lao động có chuyên môn kỹ thuật/bằng cấp, chứng chỉ thuộc nhóm này.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, điểm sáng của bản tin thị trường lao động Quý 2 là sự khởi sắc kinh tế, sức ép việc làm giảm. Lao động trong các nghành nghề chế biến tăng, lao động nông lâm ngư nghiệp giảm. Nhiều chương trình được triển khai tạo hiệu quả tới nay như: hơn 90.000 lao động đi XKLĐ, vượt chỉ tiêu năm 2015, chính sách hỗ trợ thất nghiệp đã đi vào thực tế...

Nhấn mạnh về thách thức cạnh tranh ngay trên thị trường lao động VN khi gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Cộng đồng kinh tế Asean, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: Sau ngày 31/12/2015, 8 ngành nghề đầu tiên sẽ được dịch chuyển tự do trong khối Asean, như: Kế toán, kiếm trúc sư, nhân viên du lịch, bác sĩ....

“Thực trạng tay nghề lao động VN chưa cao. Trong khi đó, đây là điểm cạnh cạnh tranh trực tiếp với lao động nước ngoài. Chúng ta cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tổ chức tốt hơn thị trường lao động, cung cấp cho lao động thông tin để tìm việc,vnẵm vững hơn cơ cấu để có sự điều chỉnh phù hợp, qua đó giảm thất nghiệp…” - Thứ tưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Hoàng Mạnh