“Quốc sắc” có cần thiết phải “thiên hương”?

Cụm từ “bậc quốc sắc thiên hương” thường được trích dẫn như một sự nghiêng mình ngưỡng vọng trước những quà tặng tuyệt vời của thượng đế. Cuộc sống đã khác, chuẩn mực cái đẹp cũng khác và hương cũng đã khác nhiều rồi.

Khi sắc không đồng hành cùng hương

 

Vụ việc Ngọc Trinh - người mẫu được coi là "Nữ hoàng nội y" - lên báo trần tình về cuộc sống, về quá khứ, về tiêu chuẩn chọn bạn trai và sự nương tựa của một cô gái vào người bạn trai để mong có một cuộc sống hạnh phúc, sung túc hơn một cách ngây ngô, thật thà đã bị công chúng phản ứng dữ dội.

 

Công chúng không ngớt lời chỉ trích trách móc Ngọc Trinh rằng cô thật "óc ngắn" khi thể hiện quan điểm sống thực tế rõ ràng.

 

Công chúng không ngớt lời chỉ trích trách móc cô gái trẻ "óc ngắn" khi cô thể hiện quan điểm sống thực tế rõ ràng. Sự đòi hỏi của công chúng ở những người nổi tiếng nói chung rằng ai cũng phải là một bậc trí thức đức cao vọng trọng nhưng lại có ngoại hình như hoa hậu thực sự là một điều quá phi lí.
 
“Quốc sắc” có cần thiết phải “thiên hương”? - 1
Người mẫu Ngọc Trinh

 

Nếu bản thân họ không có những tố chất để làm màu mè bản thân được thì đó là con người thật nhất của họ, tại sao lại cứ bắt họ phải nói những lời thảo mai giả dối ra điều học thức.

 

Á Hậu Hoàng My - đại diện của Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (HHHV) 2011 tới đây - cũng đang vấp phải sự phản ứng dữ dội của công chúng khi ê-kip cũ của cô tố cô vô ơn.

 

Chuyện chưa đâu vào đâu khi những người trong cuộc còn chưa lên tiếng một cách rõ ràng thì những cục đá rất to cũng đã được ném về phía Hoàng My. Thậm chí, có những người còn đòi hỏi chuyện không cho cô gái này đại diện Việt Nam đi thi HHHV 2011.

 

Mọi chuyện còn chưa sáng tỏ đúng sai thực hư như thế nào và đó chỉ là chuyện cá nhân của người trong cuộc với những khúc mắc về chuyện hợp đồng trước đó. Chuyện cô gái được cử đi thi HHHV và chuyện những khúc mắc cá nhân tại sao lại đánh đồng với nhau? Nghĩ cũng lạ!

 

Cái nết có đánh chết cái đẹp được không?

 

Chẳng phải cuộc sống của chúng ta vẫn luôn dùng từ "Đẹp" là một từ cửa miệng đó thôi. Vậy thì cái đẹp đó cũng chẳng có tội tình gì để phải bị đánh chết cả. Công chúng hình như đang đặt lên vai những cô gái đẹp của chúng ta một gánh nặng quá lớn về việc phải gồng mình lên làm người khôn khéo, thông minh và tỏa sáng bằng cả bên trong lẫn bên ngoài.
 
 
“Quốc sắc” có cần thiết phải “thiên hương”? - 2
Á hậu Hoàng My - đại diện của Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2011 sắp tới.

 

Có một thực tế là những người đẹp của chúng ta hiện nay đang trong tình trạng lo sợ và trốn tránh truyền thông vì sợ bị hớ miệng, nhất là sau vụ Ngọc Trinh. Họ nói thật thà ngây ngô cũng bị chửi. Họ thảo mai một chút, mượn kiến thức người này người kia một chút cũng bị chửi là giả dối. Vậy cuối cùng là họ sẽ phải diện cho mình một "tấm áo" như thế nào để làm vừa lòng tất cả? Công việc "làm dâu trăm họ" thật mệt mỏi!

 

Có lẽ cũng bởi từ tâm lí quá kì vọng vào người nổi tiếng, hi vọng họ toàn mĩ, hi vọng họ long lanh ở mọi hành động nên những khiếm khuyết dù là nhỏ nhất cũng không được tha thứ. Mà phàm đã là con người thì sao có thể cả đời không có sai lầm? Hơn nữa, có vẻ như chính chúng ta đang quá dễ dàng và sai lầm trong chuyện "phong tước" nghệ sĩ cũng như quá đề cao hai chữ này để rồi cảm thấy thất vọng.

 

Người mẫu hay hoa hậu dù đẹp đến mấy cũng chỉ là những người làm công tác biểu diễn (hoàn toàn không sáng tạo) và cũng chẳng thể xếp vào hàng nghệ sĩ để nói cá tính mạnh, cá tính yếu để rồi phải làm hoặc nói những điều bản thân họ chưa từng có hoặc chuẩn bị. Vậy thì, đừng quá ép họ sống bằng một cuộc sống chưa từng thuộc về họ và cũng đừng sống hộ họ một cuộc đời toàn vẹn như vậy.

 

Theo Gia Hưng

ANTG