Hà Nội:

Quận Long Biên đã "quên" Luật Đất đai

(Dân trí) - Theo tìm hiểu của PV Dân trí, bà Yến cùng chồng là ông Lê Văn Bình đã chính thức gửi đơn khởi kiện Quyết định cưỡng chế thu hồi đất của gia đình bà đến TAND quận Long Biên.

Công văn của Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị UBND quận Long Biên
Công văn của Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị UBND quận Long Biên
giải quyết khiếu nại của gia đình bà Nguyễn Thị Hải Yến
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Để rộng đường dư luận, PV Dân trí đã có cuộc  trao đổi với luật sư Đỗ Hoàng Giang (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý về vụ việc này.

Qua sự việc của gia đình bà Yến mà Dân trí đã phản ánh, xin luật sư cho biết, trình tự thu hồi đất theo quy định của luật đất đai hiện hành có nhất thiết phải ban hành Quyết định thu hồi cụ thể đến từng hộ gia đình, cá nhân hay không? Ý nghĩa của Quyết định này?

Các quy định liên quan đến thu hồi đất được pháp luật quy định vô cùng chặt chẽ, chi tiết. Điều 44 Luật đất đai, khoản 2 Điều 31 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về hướng dẫn thi hành luật đất đaiđã quy định: Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm ban hành quyết định thu hồi diện tích đất cụ thể đối với từng hộ gia đình, cá nhân.

Ngoài ra, khoản 3 Điều 53 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/05/2007 cũng nêu rõ: “Quyết định thu hồi đất phải được gửi đến người có đất bị thu hồi và được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị thu hồi trong suốt thời gian kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận được quyết định đến thời điểm kết thúc việc thu hồi.

Như vậy, Quyết định thu hồi cụ thể đến từng hộ gia đình, cá nhân do Ủy ban nhân dân cấp quận ban hành là điều kiện bắt buộc trong trình tự, thủ tục thu hồi đất.

Đây là chứng cứ rõ nhất cho thấy diện tích đất mà hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng nằm trong dự án, quy hoạch của nhà nước. Và người dân buộc phải tuân thủ nếu nằm trong diện tích quy hoạch.

Nếu gia đình bà Yến không nhận được Quyết định thu hồi này thì có quyền yêu cầu được nhận Quyết định thu hồi đất của mình. Đây là quyền lợi chính đáng của công dân, được pháp luật bảo vệ.

Thưa luật sư, nếu như diện tích đất của gia đình bà Yến đúng là nằm trong quy hoạch thì khi thực thi Quyết định thu hồi đất, gia đình bà Yến có những quyền lợi gì?

Tại Khoản 2,3 Điều 39 của Luật Đất đai nêu rõ:“Trước khi thu hồi đất, chậm nhất là chín mươi ngày đối với đất nông nghiệp và một trăm tám mươi ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải thông báo cho người bị thu hồi đất biết lý do thu hồi, thời gian và kế hoạch di chuyển, phương án tổng thể về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Sau khi có quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng... người bị thu hồi đất phải chấp hành quyết định thu hồi đất. Trường hợp người bị thu hồi đất không chấp hành quyết định thu hồi đất thì Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất ra quyết định cưỡng chế. Người bị cưỡng chế thu hồi đất phải chấp hành quyết định cưỡng chế và có quyền khiếu nại”.

Theo đó, trước hết gia đình bà Yến phải được thông báo lý do thu hồi, thời gian và kế hoạch di chuyển, phương án tổng thể về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Sau đó phải được nhận Quyết định thu hồi và phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng…

Tuy nhiên, đối với trường hợp cụ thể của gia đình bà Yến, việc bà Yến không đồng ý Phương án chi tiết bồi thường và hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án “Xây dựng tuyến đường từ Ngọc Thụy đi khu đô thị mới Thạch Bàn” là có cơ sở, vì:

Về hình thức, như Dân trí đã phản ánh, phương án đó không đúng thể thức văn bản theo quy định. Bản phương án mà gia đình bà Yến được cung cấp không khác gì một bản nháp, không có dấu của các cơ quan liên quan nên không có giá trị pháp lý.

Về nội dung, còn nhiều quyền lợi của gia đình bà Yên không được đề cập đến:

Một là, mức giá đền bù cho toàn bộ diện tích thu hồi 553,55m2 là 252.000đ/m2 (đối với đất nông nghiệp) là chưa hợp lý. Theo bà Yến trình bày, trong 680m2 đất mà gia đình bà đang sử dụng thì bà được cấp 270m2 đất giãn dân vào năm 1986. 410m2 còn lại là do gia đình bà tôn tạo, san lấp để sử dụng. Vì vậy, không thể áp dụng chung mức giá đất nông nghiệp cho toàn bộ diện tích bị thu hồi.

Thậm chí, nếu toàn bộ diện tích đất bị thu hồi mà gia đình bà Yến đang sử dụng được coi là đất nông nghiệp, thì cũng phải áp dụng quy chế đền bù đối với đất xen kẽ trong khu dân cư. Theo Điều 10 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất thì:“Đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, đất vườn ao liền kề với đất ở trong khu dân cư, ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp cùng mục đích sử dụng còn được hỗ trợ bằng tiền; giá trị tính hỗ trợ từ 20% đến 50% giá đất ở liền kề”.

Hai là, phương án không xem xét đến cấp tái định cư theo quy định của pháp luật hiện hành. Theo quy địnhcủa pháp luật đất đai thì gia đình bà Yến có đủ điều kiện để cấp tái định cư: được cấp đất giãn dân theo chính sách của nhà nước, sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, không có tranh chấp.  Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân phương Long Biên đã ban hành công văn số 240/CV-UBND ngày 01/09/2010“V/v: đề nghị UBND quận Long Biên xem xét giải quyết tái định cư của các hộ gia đình thuộc dự án đường 40m..” trong đó ghi rõ gia đình bà Yến “đã xây nhà trước ngày 15/10/1993 và hiện tại vẫn ăn ở thường xuyên tại nơi giải phóng mặt bằng, có xác nhận của công an phường và hiện nay không còn nơi ở nào khác”

Điều 4 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP quy định: Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Nghị định này mà phải di chuyển chỗ ở thì được bố trí tái định cư bằng một trong các hình thức sau: (1). Bồi thường bằng nhà ở; (2) Bồi thường bằng giao đất ở mới; (3) Bồi thường bằng tiền để tự lo chỗ ở mới.

Như vậy, gia đình bà Yến hoàn toàn có quyền yêu cầu được cấp tái định cư theo quy định của pháp luật.

Thưa luật sư, nếu diện tích đất bị thu hồi của gia đình bà Yến nằm ngoài chỉ giới đường đỏ (quy hoạch) thì sẽ có hậu quả pháp lý gì?

Nếu như chứng minh được diện tích đất bị thu hồi nằm ngoài quy hoạch của Nhà nước thì đương nhiên toàn bộ quá trình thu hồi, cưỡng chế đối với diện tích đất đó là hoàn toàn bất hợp pháp. Và đương nhiên, gia đình bà Yến sẽ được nhận lại toàn bộ diện tích bị thu hồi, cưỡng chế trái phép. Ngoài ra, gia đình bà Yến còn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại bởi các hành vi trái pháp luật do các cá nhân, tổ chức gây ra cho gia đình bà.

Các cá nhân, tổ chức cố ý làm trái quy định của nhà nước thì sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn luật sư!

Vũ Văn Tiến (thực hiện)