1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phó Thủ tướng chỉ đạo làm rõ vụ “cà phê Xin Chào ở Hà Nội”

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình vừa chỉ đạo UBND TP Hà Nội, Bộ Công an làm rõ việc giải quyết vụ tranh chấp cổ đông, khởi tố vụ án “Chiếm đoạt con dấu” đã kéo dài trên 10 năm tại Công ty cổ phần Hữu Nghị (23 Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) mà Báo điện tử Dân trí đã phản ánh.


Vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Hữu Nghị được coi là vụ án cà phê Xin Chào ở Hà Nội. Mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Phó Thủ tướng 2 lần chỉ đạo Bộ Công an và UBND TP Hà Nội làm rõ nhưng đến nay vẫn đang rơi vào tình trạng im lặng. (Ảnh: T.K)

Vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Hữu Nghị được coi là "vụ án cà phê Xin Chào" ở Hà Nội. Mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Phó Thủ tướng 2 lần chỉ đạo Bộ Công an và UBND TP Hà Nội làm rõ nhưng đến nay vẫn đang rơi vào tình trạng im lặng. (Ảnh: T.K)

Ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vừa ký văn bản số 6209/VPCP-V.I gửi Bộ Công an và UBND TP Hà Nội truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo làm rõ nội dung vụ việc được Báo điện tử Dân trí phản ánh trong 2 ngày 18, 19/7 vừa qua: Có một vụ “cà phê Xin Chào” kéo dài hơn 10 năm ở Hà Nội ?; Vụ “cà phê Xin Chào ở Hà Nội”: Phó Thủ tướng chỉ đạo 2 lần đều rơi vào im lặng (?!); báo Vietnamnet phản ánh qua bài “Vụ án “lạ” kéo dài 10 năm giữa Thủ đô”.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND TP Hà Nội báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6997/VPCP-V.I ngày 10/9/2014 của Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết khiếu nại của Công ty cổ phần Hữu Nghị trước ngày 30/8.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công an kiểm tra phản ánh về việc Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án “Chiếm đoạt con dấu” và báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5024/VPCP-V.I ngày 7/7/2014 của Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết đơn tố cáo của một số cổ đông của Công ty cổ phần Hữu Nghị Hà Nội trước ngày 30/9.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND TP Hà Nội và Bộ Công an làm rõ sự việc tại Công ty cổ phần Hữu Nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND TP Hà Nội và Bộ Công an làm rõ sự việc tại Công ty cổ phần Hữu Nghị.

Như Dân trí đã phản ánh, vụ việc tranh chấp, chiếm đoạt cổ đông xảy ra tại Công ty cổ phần Hữu Nghị đã kéo dài trên 10 năm vẫn không được giải quyết dứt điểm. Đáng chú ý, mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Phó Thủ tướng Chính phủ đã hai lần chỉ đạo UBND TP Hà Nội và Bộ Công an kiểm tra, điều tra, giải quyết dứt điểm vụ việc nhưng đến nay vụ việc vẫn đang rơi vào im lặng, chưa rõ ràng về phương hướng xử lý cuối cùng.

“Đến hôm nay, gia đình tôi và rất nhiều người lao động đang ở trong tình trạng tay trắng, cuộc sống khốn đốn, phải đi thuê nhà ở. Tài sản mà chúng tôi tích cóp, có được cả đời đã dồn hết vào việc mua cổ phần ở công ty nhưng đã bị người ta chiếm đoạt bất hợp pháp. Chúng tôi rất mong Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm tới sự việc này và lần thứ 3 có chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ sự việc, để xem những ai đã chiếm đoạt cổ phần, mua bán bất hợp pháp cổ phiếu của người lao động ở Công ty cổ phần Hữu Nghị”- bà Mai Thị Khánh, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hữu Nghị khẩn thiết.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - nói rằng ông đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ sự việc trước khi có văn bản giám sát, đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét giải quyết thỏa đáng.

“Tôi gửi nhiều lần nhưng đều không nhận được hồi âm nào của TP Hà Nội nên tiếp tục gửi văn bản, hồ sơ tới Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Khi đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã 2 lần chỉ đạo TP Hà Nội, Bộ Công an giải quyết, trả lời tôi nhưng đến nay tôi chưa nhận được văn bản phúc đáp giải quyết nào nên không rõ họ đã giải quyết như thế nào”- ông Vân nói.

Ông Vân đánh giá, nếu giải quyết triệt để vụ việc lùm xùm ở Công ty cổ phần Hữu Nghị sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, nhận ra sai lầm trong điều hành hành quản lý, đặc biệt công tác điều tra, truy tố, xét xử và rút ra được nhiều bài học trong việc xử lý các vấn đề điều hành, giải quyết kinh doanh của doanh nghiệp.

Thế Kha