1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phân bổ ngân sách - người nào cũng “khát”

(Dân trí) - “Một chai nước nhỏ chia cho 3 người, ai cũng hài lòng nhưng người nào cũng vẫn khát. Đầu tư quá dàn trải nên các ngành đều được hưởng ngân sách nhưng không ngành nào đột phá được” – đại biểu QH Bùi Thị An phân tích.

Hôm nay, 24/10, các đoàn đại biểu QH thảo luận tại tổ về tình hình thu chi ngân sách 2011 và phân bổ ngân sách TƯ năm tới.

Chỉ biết chia đều, không biết bánh to hay nhỏ
 
Phân bổ ngân sách - người nào cũng “khát” - 1
Chi ngân sách vẫn theo kiểu... áng chừng?

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) phàn nàn quy chế chi tiêu ngân sách, chi cho năm nay nhưng nguồn vay dự kiến của năm tới, nghĩa là tiêu trước khi làm ra được. Việc “trái khoáy” này làm cho vấn đề méo mó, khó tính toán được. Vì vậy, mỗi lần bàn, đánh giá lại việc chi tiêu vẫn hay có kiểu “xin Quốc hội… cho qua” vì thu cũng đã thu rồi, chi thì cũng đã chi rồi, Quốc hội luôn đi bàn những chuyện đã rồi.

“Có người khái quát việc thu chi ngân sách của ta theo nguyên tắc AC, tức là “áng chừng cũng đúng” – ông Thảo hài hước.

Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp kể thêm “tật” phân bổ ngân sách kiểu dàn trải, bình quân. Ông Thảo ví von: “Ta có một cái bánh và cứ thế chia đều, còn thực chất cái bánh qua mỗi năm to hơn hay nhỏ đi cũng… không biết”.

Đại biểu dẫn chứng việc chi đầu tư cho đào tạo nhân lực, đào tạo tràn lan mà người cần thì vẫn không có. Ông Thảo so sánh, Hàn Quốc mất 30 năm để nghiên cứu, chuẩn bị cho việc đào tạo nhân lực ở một lĩnh vực, gửi ra nước ngoài học rồi xây dựng điều kiện trong nước để hút số người được đào tạo bài bản này về làm việc. Để thực hiện đề án đó, Hàn Quốc đã vay một khoản lớn từ Ngân hàng thế giới (WB) vì ngân sách trong nước cũng không đủ nhưng chiến lược đầu tư đó “đắt xắt ra miếng”, đã mang lại sức phát triển đột phá cho đất nước.

Đối chiếu với trong nước, ông Thảo tỏ ý thất vọng vì không có hướng đầu tư nào đáng tầm chiến lược. Đường sắt cao đốc đã gác lại. Chính phủ đề xuất rót tiền cho tuyến đường bộ Bắc – Nam nhưng cũng mới chỉ dừng ở đó, không vạch ra được trục nào, đoạn nào ưu tiên cho từng thời kỳ 5 năm, 10 năm tới. Đại biểu cho rằng quyết ngân sách như vậy thì quá chung chung, sơ xài.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng gật đầu với nhận định về những bất cập trong việc phân bổ ngân sách. Ông Lịch phân tích: “Có 1000 lít xăng, nếu cấp cho 10 con tàu thì số tàu tới được đảo. Nhưng 63 tàu, tàu nào cũng cấp, chia như vậy, cuối cùng không tàu nào tới được đích, lại phải chờ tới năm sau cấp tiếp…”.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) lại sử dụng hình ảnh so sánh, một chai nước nhỏ chia cho 3 người, ai cũng hài lòng vì có phần nhưng người nào cũng vẫn khát. Khái quát lên, đại biểu cho rằng, đầu tư quá dàn trải nên tất cả các ngành đều được hưởng ngân sách nhưng không ngành nào đột phá được.

Tán thành những phân tích này, đại biểu Phạm Quang Nghị thắc mắc, chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2020, 2030 xác định ưu tiên số 1 cho Hà Nội và TP.HCM nhưng thực tế việc rót ngân sách đầu tư không lại không thể hiện điều đó. Trong lúc yêu cầu giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội đang rất cấp thiết, các giải pháp đề ra lại chỉ tính đến việc tổ chức lại giao thông chứ không tập trung cải tạo hạ tầng cho thành phố.

“Phân làn, đổi giờ làm có chăng chỉ giúp giảm ùn tắc một chút chứ không phải giải quyết gốc gác vấn đề. Cốt lõi nhất là cải thiện hạ tầng giao thông. Như vậy, tiền đầu tư cho lĩnh vực này có cắt giảm được như Nghị quyết 11?” – Bí thư Thành ủy đặt câu hỏi.

Lọt nguồn thu ở tập đoàn
 
Phân bổ ngân sách - người nào cũng “khát” - 2
Khu vực các Tập đoàn, TCty nhà nước là nguồn thu "đáng đồng tiền bát gạo".

Chuyển qua nội dung thu ngân sách, vẫn không mấy đại biểu vui mừng với kết quả vượt thu ước tính ít nhất là 15% dự toán (khoảng 90.000 tỷ đồng).

Đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) khẳng định dư địa thu ngân sách còn rất lớn nhưng cơ quan điều hành chưa nhìn ra mà mới chỉ nhắm nguồn thu vào “củ khoai, mớ rau của từng địa phương”. Ông Cự cho rằng, Chính phủ đã bỏ lỡ một nguồn thu “đáng đồng tiền bát gạo” là khu vực Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, “nơi đã được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cùng với rất nhiều ưu đãi mà nộp thu ngân sách lại chưa tương xứng”.

Nữ đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cũng cho rằng tăng thu ngân sách vẫn có thể tăng hơn nếu tích cực hơn với các khoản thu thuế chậm nộp của doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng phân tích: “Số tiền vượt thu ngân sách của nhà nước chủ yếu là nguồn thuế đóng góp trên lĩnh vực bất động sản, khai thác dầu và các hoạt động môi trường, còn thuế do doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh đóng góp còn ít. Chính vì vậy, việc kêu gọi các doanh nghiệp đóng thuế đúng hạn và dần hướng tới tăng thuế là việc làm cần thiết để ngân sách còn tăng được cao hơn”.

Tình trạng nợ đọng thuế, trốn thuế từ các doanh nghiệp, đơn vị vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức khó kiểm soát. Nếu các địa phương biết truy thu thuế và kiểm soát tình trạng trốn thuế thì nguồn thu ngân sách sẽ nhiều hơn nữa. Đại biểu Lê Thanh Vân (Hà Nội) tổng kết.
 

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng (ĐB Đồng Nai):
Cần kiểm tra tất cả các DN FDI kêu lỗ trong vòng 2-3 năm

Có thời điểm 50% số doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở TPHCM kêu lỗ, nhưng trên thực tế các DN này vẫn liên tục mở rộng sản xuất. Trong năm 2011, Chính phủ chỉ thí điểm kiểm tra một số DN FDI kêu lỗ, thì đã tăng thu cho NSNN hơn 3.000 tỉ đồng. Rõ ràng thất thu NSNN đã xảy ra do “chiêu” lách luật của DN. Chúng ta không nên nhăm nhăm tăng nguồn thu ngân sách từ các đối tượng người buôn thúng bán bưng, chủ nhà trọ cho công nhân thuê mà cần phải làm triệt để và quyết liệt kiểm tra tất cả các DN FDI kêu lỗ trong vòng 2-3 năm.

Đối với việc cắt giảm đầu tư công, Chính phủ nên có hướng dẫn cụ thể về cắt giảm ở đâu, ở công trình nào? Nếu cứ cắt giảm đồng loạt các công trình thì không những gây thiệt hại, thất thoát, lãng phí mà còn khiến cho một bộ phận người lao động lâm vào hoàn cảnh khó khăn do không có việc làm.     

Theo Q.C
Lao Động

P.Thảo