NSND Quý Dương nhớ tuổi trẻ, học đường…

(Dân trí) - NSND Quý Dương, một trong những nghệ sĩ hát opera đầu tiên của Việt Nam là thầy giáo của rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Những năm gần đây, dù phải vất vả chống chọi với bệnh tật song lúc nào ông cũng sẵn sàng sẻ chia cùng bạn bè, đồng nghiệp.

Xin giới thiệu đôi lời tâm sự của người nghệ sĩ nổi tiếng này với những kỷ niệm khó phai  về tuổi thơ của ông ở trường Chu Văn An do đồng môn Nguyễn Lương Phán ghi lại. 


NSND Quý Dương nhớ tuổi trẻ, học đường… - 1

NSND Qúy Dương - bức ảnh do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chụp

 

Những năm tháng học tại trường Bưởi đã cho tôi biết rất nhiều thứ

 

Ngày xưa, vào đầu những năm 50, trường Bưởi lúc đó bị Tây chiếm, toàn bộ học sinh trường Chu Văn An thời bấy giờ phải học ở trường Đỗ Hữu Vị, Cửa Bắc. Nhà tôi ở Văn Miếu, cứ hàng ngày đi bộ qua Nguyễn Thái Học, Hoàng Diệu, rồi ra Cửa Bắc. Tôi nhớ nhất là kỷ niệm khi Tây rút đi, trả lại trường Bưởi, toàn bộ học sinh của trường Đỗ Hữu Vị kéo xe bò chở bàn ghế, bảng…từ trường Đỗ Hữu Vị sang trường Bưởi. Đó là một ngày rất vui. Tôi thuộc thế hệ học sinh chuyển giai đoạn đó của trường Chu Văn An. Tôi đã trải qua hai năm đệ tam và đệ nhị ở trường Bưởi. Đến năm 1954, khi tôi chuẩn bị chuyển sang học lớp đệ nhất thì hệ thống học mới của kháng chiến về, lớp đệ nhất đổi tên thành lớp 10.

 

Những năm tháng học tại trường Bưởi đã cho tôi rất nhiều thứ : Trình độ toán, vì tôi học lớp toán, trình độ tiếng Anh trình độ tiếng Pháp  và trình độ tổ chức cuộc sống. Ở thời của tôi, mọi người nói tiếng Anh và tiếng Pháp rất giỏi vì chúng tôi được học ngoại ngữ một cách quy củ. Mỗi tuần có tận 3 buổi học, Pháp văn và cũng ngần buổi học Anh văn. Chúng tôi học nghiêm túc đến nỗi, sau này, khi công tác tại nhà hát vũ kịch, khi tiếp xúc với các chuyên gia nước ngoài, tôi vẫn có thể trò chuyện với họ bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Tôi nhớ thầy giáo dạy tiếng Pháp của tôi lúc đó là thầy Hưởng và thầy Bách. Dạy tiếng Anh là thầy Tòng. Các thầy ấy bây giờ đều không còn nữa, nhưng tôi vẫn nhớ, vì các thầy dạy chúng tôi rất nhiệt tình và tâm huyết.

 

Rồi, cũng thật đáng nhớ, những ngày Thủ đô mới giải phóng, cứ thứ 7 hàng tuần, học sinh các trường ở Hà Nội nô nức đi lao động XHCN, công việc chủ yếu là đắp đường tại công trường Yên Phụ. Đối với tuổi trẻ học sinh Thành phố, lúc bấy giờ lao động XHCN là cuộc thi đua đầy hào hứng. Chúng tôi đẩy xe ba gác chuyển đất từ ngoài đê Yên Phụ vào đổ cơi nới cho đường Cổ Ngư chạy giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch, xây dựng lên con đường Thanh Niên ngày nay. Đó còn là công viên Thống Nhất, hồ bảy mẫu… Tất cả những công trình đó đều in dấu và thấm mồ hôi của học sinh trường Bưởi.

 

Nhớ về trường Bưởi tôi nhớ nhất những hàng cây cổ thụ bóng lá xum xuê mà chúng tôi vẫn thường hay chơi đá cầu dưới tán lá xanh mát rượi. 

 
NSND Quý Dương nhớ tuổi trẻ, học đường… - 2
NSND Qúy Dương (thứ 2, phải sang) chụp ảnh cùng bạn bè

 

Tôi và anh Trần Hiếu là hai người bạn thân học chung một lớp 

 

Năng khiếu âm nhạc của tôi được phát triển từ hồi còn học ở Đỗ Hữu Vị, khi tất cả học sinh chúng tôi được học âm nhạc của thầy Hùng Lân, thầy Hùng Lân dạy rất hay, rất nhiệt tình, tận tụy. Một lớp của tôi những 50 học sinh, trong giờ giảng của mình, thầy giáo tuy không thể có thời gian dành riêng cho một học sinh, nhưng âm nhạc và những lời dạy của thầy cứ thấm dần vào tôi khiến tình yêu âm nhạc trong tôi ngày một lớn.

 

Thời đi học tôi và anh Trần Hiếu là hai người bạn thân. Vừa học cùng lớp, lại sẵn có khả năng âm nhạc, chúng tôi gắn bó với nhau suốt thời tuổi trẻ. Tôi còn nhớ, hồi học ở Đỗ Hữu Vị, trong trường có những học sinh kháng chiến. Họ hoạt động bí mật, rải truyền đơn. Thỉnh thoảng lại thấy có mật thám vào lớp bắt một vài học sinh. Tôi không hình dung được kháng chiến nó thực sự là thế nào, mà chỉ lơ mơ biết qua những hình ảnh như vậy. Đến khi chuyển sang trưởng Bưởi, tôi và Trần Hiếu được những sinh viên kháng chiến ấy cho gia nhập đoàn thanh niên cứu quốc. Chúng tôi đóng góp vào sự nghiên cứu quốc bằng cách hát những ca khúc Cách mạng. Tôi hay tham gia hát trong các buổi văn nghệ, hát đơn ca, hoặc là song ca với Trần Hiếu, hát những bài hát đầy khí thế thời bấy giờ như “Khi đi ta ở lại nhà”, “Đỉnh núi Lê Nin” … năm 54, tôi còn được tham gia hát chào đón đoàn giải phóng.

 

Thời trung học chuyên khoa, tại Hà Nội có ba trường lớn là trường Bưởi, trường Nguyễn Trãi, trường Trưng Vương. Trường Trưng Vương chỉ dành cho nữ sinh. Ba trường này hay có những hoạt động giao lưu với nhau, cứ thỉnh thoảng đến các dịp lễ, tết là tất cả những học sinh hay hát của ba trường lại hợp nhau thành một dàn đồng ca lớn. Tôi thường được cử làm chỉ huy đội đồng ca.

 

Sau đó, tôi, Trần Hiếu cùng một số người đã lập nên ban nhạc Tuổi xanh gồm khoảng 50 người, gồm những người yêu nhạc của ba trường Chu Văn An, trường Nguyễn Trãi, trường Trưng Vương, mỗi chiều chủ nhật lại họp nhau sinh hoạt tại số 5 Nguyễn Thượng Hiền. Ban nhạc Tuổi Xanh cùng nhau ngân nga các bài đồng ca, hòa bình ca… cũng là những vốn liếng đã học được dưới mái trường Chu Văn An. Ban nhạc Tuổi Xanh khi đó nổi tiếng đó nổi tiếng lắm, ai cũng biết. Bấy giờ các thành viên của ban nhạc tuổi xanh đều sấp xỉ 70, khi tôi vào Sài Gòn vẫn còn gặp lại một số người.Chúng tôi nhận ra nhau và trò chuyện rất vui vẻ như hồi nào.

 

Sau khi học xong cấp III Chu Văn An, tôi và anh Trần Hiếu rủ nhau thi vào trường âm nhạc Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội). Chúng tôi cũng là những học sinh khóa đầu tiên của trường này, đã cùng nhau phấn đấu hết mình cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc, sau này anh Hiếu vào Nam nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên. Điều đặc biệt là hai chúng tôi được phong Nghệ sĩ nhân dân vào cùng một ngày.

 

Có thể nói, tôi và anh Hiếu là hai người tương đối thành công trong lĩnh vực âm nhạc trong các lứa học sinh của trường Chu Văn An. 

 

Gặp lại thầy Hùng Lân 

 

Tôi có một kỷ niệm rất thú vị về thầy Hùng Lân. Năm 1954 thầy Hùng Lân chuyển vào sống tại miền Nam. 21 năm sau, tức là năm 1975, tôi vào Sài Gòn biểu diễn chào mừng Miền Nam Giải phóng, hôm đó, chúng tôi đang say sưa bài hát “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” tại sân khấu nhà hát Thành phố Sài Gòn thì bỗng thấy dáng ai như dáng thầy Hùng Lân ngồi ở hàng ghế khán giả, thứ 5, 6. Và ông già đeo kính ngồi đang trầm ngâm nghe nhạc đó theo suy đoán của tôi chính là thầy Hùng Lân chứ không phải ai khác. Đứng trên sân khấu nhìn thầy thật khó kìm được cảm xúc.

 

Khi buổi biểu diễn kết thúc tôi đi vòng xuống dưới, đón đầu đoàn người đi ra

Thấy thầy, tôi tiến đến chào và hỏi :” Thầy giáo có nhận ra em không ạ?”

Thầy lắc đầu : “Xin lỗi, tôi không nhận ra anh là ai cả”.

“Thầy ơi, em là học trò cũ của thầy, em trưởng thành được cũng là nhờ công lao thầy dạy dỗ!”
 

Thầy giáo mới hỏi địa chỉ của tôi. Một tuần sau, thầy đến chỗ tôi và tặng tôi một chồng sách về âm nhạc mà thầy vốn rất nâng nii, trân trọng, như vật báu bất ly thân.

Sau lần đó, tôi không có dịp gặp lại thầy. Bây giờ thì thầy đã mất rồi, tôi nghĩ, chắc thầy cũng rất tự hào khi biết mình đã đào tạo ra một học sinh “Cộng Sản” sau này trưởng thành đã có nhiều cống hiến đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà.

 

Bài “Khỏe vì nước” là một sáng tác của thầy Hùng Lân, sau này được dùng cho nhạc kèn trong các hoạt động thể thao của cả nước. Thầy mà biết chắc cũng tự hào lắm. Giờ đây, bài hát “ Hè về” lại được các cháu học sinh cất lên từ Nam chí Bắc, mỗi lần nghe, tất cả thế hệ chúng tôi không khỏi nhớ đến người thầy kính yêu - Nhạc sĩ Hùng Lân. 
 
NSND Quý Dương nhớ tuổi trẻ, học đường… - 3

NSND Quý Dương

 

Theo gương các thầy: Dạy hết mình 

 

Từng là giám đốc nhà hát vũ kịch Việt Nam, là giảng viên nhạc viện Hà Nội, tôi đã dạy rất nhiều thế hệ học sinh. Có những người đã trưởng thành, NSND như Doãn Tần, Trung Đức. Có những người đã là NSƯT, hay những người dù chưa được làm NSƯT nhưng cũng rất giỏi, học trò của tôi đều yêu quý tôi, và tôi cũng vậy. Bởi tôi tâm niệm, dạy là phải hết mình, dạy nhiệt tình và bằng hết tấm lòng của mình.

 

Ngày 20/11 năm nào cũng vậy, học sinh đến thăm tôi rất đông. Có những học trò của tôi chỉ là những người công nhân bình dị. Họ yêu âm nhạc nhưng không đi theo con đường nghệ thuật. Tôi vẫn dạy nhạc cho họ như dạy cho các học trò khác của mình. Và  họ rất yêu quý tôi. Thỉnh thoảng, họ vẫn đến nhà thầy giáo chơi. Tôi cảm thấy rất quý cái tình cảm chân thành đó.

 

Nhờ được học những thầy cô giáo tốt mà học sinh trường Chu Văn An thành đạt rất nhiều. Trường Chu Văn An đã sản sinh ra nhiều người tài cống hiến cho đất nước trong nhiều lĩnh vực.

 

Khóa Chu Văn An của tôi năm nào giờ vẫn giữ mối liên lạc thường xuyên với nhau, chúng tôi chụp ảnh cùng nhau, vừa lập cả danh sách ghi tên, địa chỉ, số điện thoại, của từng người. Cũng được khoảng 60 người. Năm nào cũng thế, cứ chủ nhật đầu tiên sau tết là chúng tôi lại tụ tập tại nhà một người nào đó. Nhưng mỗi năm lại nghe tin một, hai người vừa rời xa chúng tôi, xa cõi đời này….

 

Nguyễn Lương Phán