1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Nóng" chuyện kỷ luật các cựu lãnh đạo PVN, khởi tố sếp Euro Auto

(Dân trí) - Cùng với việc hàng loạt cựu lãnh đạo PVN bị đề nghị xử lý trách nhiệm do những quyết định sai lầm trong đầu tư thời kỳ trước, sếp Euro Auto bị khởi tố thì trong tuần qua, dư luận cũng dành sự quan tâm đến những vấn đề quan trọng trong nền kinh tế như phương án "giải cứu" thịt lợn, xử lý 12 đại dự án ngành công thương hay đại hội cổ đông các doanh nghiệp...

Giá lợn thịt đang thấp nhất từ trước đến nay trong lịch sử
Giá lợn thịt đang thấp nhất từ trước đến nay trong lịch sử

Giá thịt lợn rẻ mạt, kêu gọi cả nước "giải cứu"

Theo phản ánh từ lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), giá lợn thịt đang thấp nhất từ trước đến nay và cũng là thấp nhất trên thế giới. Hiện giá thịt lợn hơi chỉ khoảng 28.000 đồng/kg, một số nơi chỉ 24.000 đồng/kg. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, thịt lợn đang “khủng hoảng thừa” nghiêm trọng.

Theo ông Cường, nguyên nhân khiến giá thịt lợn giảm sâu và chưa có dấu hiệu dừng lại là vì: Nguồn cung thịt lợn quá lớn dẫn tới dư thừa. Khâu chế biến trong nước còn yếu. Việc giết mổ trong nước chủ yếu bán tươi, chưa có chế biến, bảo quản lâu dài. Giá trị gia tăng của thịt lợn không cao.

Bên cạnh đó, hoạt động tổ chức thị trường kém, chưa phát triển, chủ yếu trong nước, xuất khẩu không đáng kể. Việc chăn nuôi diễn ra nhỏ lẻ khiến liên kết trong chuỗi yếu kém. Người chăn nuôi gặp nhiều rủi ro trước những biến động thị trường.

Để giải cứu thịt lợn, Bộ NN&PTNT đang tích cực cử các đoàn công tác đi đàm phán xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn vào chiều 27/4 tiếp tục tìm các giải pháp cấp bách và lâu dài để tháo gỡ câu chuyện đầu ra và giải bài toán giá thịt lợn hơi đang giảm ở mức sâu nhất từ trước đến nay.

Tại một cuộc họp cùng ngày của Bộ NN&PTNT, hầu hết các ý kiến đều cho rằng để “giải cứu” người nuôi heo, biện pháp trước mắt là phải giảm được giá bán thịt để kích thích thị trường. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực, có hệ thống kho lạnh thực hiện việc cấp đông thịt nhằm giảm nguồn cung ra thị trường.

Tuy nhiên, một thông tin thú vị là ngay tại Hà Nội, không trông chờ thương lái đến thu mua, cũng không trông chờ giá thịt lợn có thể quay đầu tăng trở lại, một số hộ chăn nuôi đang tự mổ lợn đem ra vỉa hè bán lẻ để cắt lỗ trước khi bị “lợn ăn hết sạch vốn liếng”.

Trong khi giá thịt lợn trong nước xuống đáy hơn 10 năm trở lại đây, khiến nhiều người chăn nuôi đứng trên bờ vực phá sản thì việc nhập khẩu thức ăn nguyên liệu cho gia súc về Việt Nam ngày càng tăng. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, kim ngạch 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước đã tăng trên 10%.

Cụ thể, 3 tháng qua, cả nước đã nhập gần 900 triệu USD thức ăn gia súc; hơn 1,4 triệu tấn ngô, giá trị hơn 300 triệu USD; 137.000 tấn đậu tương, giá trị hơn 61 triệu USD. Tính chung, cả nước đã chi hơn 1,2 tỷ USD nhập thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu. Kim ngạch tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý là, tính hết ngày 15/4, cả nước cũng đã chi tới 264 triệu USD nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu thuốc trừ sâu, tăng hơn 64 triệu USD, tức tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, gần 40% kim ngạch mặt hàng này là từ Trung Quốc. Việc thuốc trừ sâu và nguyên liệu mặt hàng này gia tăng về Việt Nam là do trong nước chưa sản xuất được, buộc phải nhập khẩu để ngăn ngừa đại dịch.

Ban Thường vụ Đảng ủy PVN và một số lãnh đạo cũ của PVN đang bị đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm
Ban Thường vụ Đảng ủy PVN và một số lãnh đạo cũ của PVN đang bị đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm

Một tuần nhiều biến động tại các doanh nghiệp

Trong phiên họp chiều nay 24/4, Ngân hàng LienVietPostBank đã miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch HĐQT thường trực đối với ông Nguyễn Đức Hưởng. Tuy nhiên, ông Hưởng vẫn là cố vấn cao cấp của ngân hàng này và là Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam.

Điều bất ngờ là tại Nghị quyết ngày 26/4 của Sacombank, ngân hàng này hé lộ danh sách ứng viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021 gồm 11 thành viên, trong đó có sự xuất hiện của ông Nguyễn Đức Hưởng.

Sau thông tin này, thị trường lại nổi lên những đồn đoán về tân Chủ tịch Sacombank. Theo tìm hiểu của phóng viên, tân chủ tịch ngân hàng này có thể vẫn là "người cũ" Kiều Hữu Dũng. Ông Dũng có thể sẽ tái cử vị trí "ghế nóng" này với kinh nghiệm 25 năm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, từng Vụ trưởng tại NHNN và kinh qua nhiều vị trí như Chủ tịch Công ty chứng khoán ACB, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sacombank.

Quốc Cường Gia Lai đã nhận tạm ứng 50 triệu USD từ việc chuyển nhượng dự án Phước Kiển và trả hơn 1.800 tỷ đồng nợ ngân hàng
Quốc Cường Gia Lai đã nhận tạm ứng 50 triệu USD từ việc chuyển nhượng dự án Phước Kiển và trả hơn 1.800 tỷ đồng nợ ngân hàng

Trong khi đó, tại Quốc Cường Gia Lai (QCG), mặc dù sau báo cáo tài chính sau kiểm toán của QCG cho thấy, lãi ròng của công ty này đã giảm gần 36% so với báo cáo tự lập, còn hơn 44 tỷ đồng. Tuy nhiên, bản báo cáo cũng đồng thời tiết lộ việc công ty này sẽ chuyển nhượng toàn bộ dự án Phước Kiển sau khi đã nhận tạm ứng 50 triệu USD và đã chi hơn 1.800 tỷ đồng trả nợ BIDV cùng các khoản vay ngắn hạn ngân hàng khác.

Tại Công ty Bóng đèn Điện Quang, nếu kế hoạch chi cổ tức bổ sung đợt 3 của HĐQT được thông qua thì tổng tỷ lệ chia cổ tức năm 2016 của công ty này sẽ lên tới 45%. Và với khối lượng cổ phiếu "khủng" đang nắm giữ, gia đình Thứ trưởng Thoa có thể sẽ nhận được 53,1 tỷ đồng cho cả 3 đợt chia cổ tức của riêng năm vừa rồi.

Theo báo cáo quản trị năm 2016 của Bóng đèn Điện Quang, gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa hiện đang nắm giữ tổng cộng 11,8 triệu cổ phiếu DQC, chiếm 34,12% vốn điều lệ doanh nghiệp này.

Tuần qua, tại CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất – SASCO (mã cổ phiếu: SAS), HĐQT của doanh nghiệp này đã bầu chọn ông Jonathan Hạnh Nguyễn vào vị trí Chủ tịch HĐQT cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2015-2019 thay bà Đoàn Thị Mai Hương kể từ ngày 20/4/2017.

Ông Hạnh Nguyễn gia nhập quản trị SASCO cách đây 1 năm. Trong khi đó, vợ ông là bà Lê Hồng Thủy Tiên đã là thành viên HĐQT (không điều hành) của SASCO từ cuối năm 2014 khi doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hóa.

Cũng trong tuần qua, một thông tin đáng chú ý, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan vừa phối hợp với C46 (Bộ Công An) khởi tố 3 bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng là lãnh đạo của Công ty Cổ phần Ô tô Âu Châu (Euro Auto) trong đó có ông Nguyễn Đăng Thảo, Tổng giám đốc vì hành vi giả mạo giấy tờ trong nhập khẩu, kinh doanh ô tô bị Bộ Tài chính phát hiện năm 2016.

Tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị xử lý trách nhiệm của Ban Thường vụ Đảng ủy tập đoàn này và một số lãnh đạo cũ của PVN như: ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN từ 2009-2011; ông Phùng Đình Thực - nguyên ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVN từ 2008-2010; ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch HĐTV 2010-2015; ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV 2010- 2015…

Các sai phạm được chỉ ra liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); đầu tư loạt nhà máy nhiên liệu sinh học; dự án Nhiệt điện Thái Bình 2; nhà máy xơ sợi Đình Vũ hay góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).

Việc xử lý nhà máy đạm Ninh Bình đang gặp vướng mắc lớn về pháp lý
Việc xử lý nhà máy đạm Ninh Bình đang gặp vướng mắc lớn về pháp lý

12 đại dự án thua lỗ: Vay nợ hơn 55.000 tỷ đồng, lỗ vượt 16.000 tỷ đồng

Bộ Công Thương cho biết, trong số 12 dự án yếu kém tới thời điểm hiện nay, có 6 nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ; 3 dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn; 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn.

Thống kê cho thấy, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án trên là 43.673 tỷ đồng, và sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63.610 tỷ đồng (tăng 45,65%).

Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16.126 tỷ đồng, trên tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại 3.985 tỷ đồng; Tổng tài sản của 12 nhà máy 57.679 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả 55.063 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả VDB 10.633 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ 4.299 tỷ đồng.

Riêng tại dự án nhà máy đạm Ninh Bình, được giao phải trình hồ sơ quyết toán trong quý I/2017, tuy nhiên cho đến nay, lãnh đạo Ban Quản lý dự án này đã phải nhận khuyết điểm và xin hoãn đến cuối quý II do vẫn còn vướng mắc tới 10 vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng EPC với nhà thầu Hoàn Cầu (Trung Quốc).

Bích Diệp (tổng hợp)