Thanh Hóa:

Nô nức... lội bùn đi xin nước Tiên

(Dân trí) - Đã thành thông lệ, cứ vào dịp đầu năm, Khu di tích lịch sử văn hóa Am Tiên, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa lại đón hàng vạn lượt du khách thập phương về dâng hương cầu an và xin nước Tiên mong có sức khỏe.

Am Tiên - Khu di tích lịch sử - Văn hóa nằm trên đỉnh một ngọn núi cao ở phía Nam dãy núi Nưa, thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, cách thành phố Thanh Hoá khoảng 30km về phía Tây. Ngọn Nưa nằm trong hệ thống núi cao trùng điệp bắt nguồn từ dải Trường Sơn vươn về phía biển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.

Nô nức... lội bùn đi xin nước Tiên - 1
Dù trời mưa làm cho con dốc leo lên chùa Am Tiên nhầy nhụa trong bùn đất nhưng cũng không ngăn được bước chân của du khách.

Ngày 27/3/2009, quần thể di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh núi Nưa gồm Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên đã được nhà nước xếp hạng di tích thắng cảnh cấp Quốc gia.

Tương truyền vào đầu thế kỷ thứ III (năm 248), Bà Triệu đã tụ hội nghĩa binh, phất cờ khởi nghĩa chống quân Ngô tại đây. Am Tiên đã được Bà dùng làm nơi cất giấu vũ khí, lương thực và ẩn quân, ngày đêm rèn luyện binh đao. Sau khi Bà mất, đền Am Tiên vừa thờ bà Chúa Thượng Ngàn vừa là nơi để nhân dân thờ cúng, tưởng nhớ đến công ơn Bà Triệu.

Trong tiết trời lạnh cắt da, kèm theo mưa phùn khiến con dốc dài hơn 3km dẫn lên đền Am Tiên nhầy nhụa bùn đất. Nhưng điều đó cũng không ngăn nổi những bước chân du khách hành hương tìm đến nơi linh thiêng để được tận mắt ngắm cảnh, dâng hương và cầu may.

Nô nức... lội bùn đi xin nước Tiên - 2
Du khách thập phương tìm đến chùa Am Tiên cầu may mắn, an lành.

Theo tín ngưỡng của nhân dân trong vùng, huyệt đạo trên đỉnh núi Nưa là một trong những huyệt khí rất linh thiêng. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 9 tháng Giêng Âm lịch là ngày mở cửa trời, người dân tứ phương thường đến đây cầu cho một năm mới mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc, đủ đầy...

Lễ hội đền Nưa - Am Tiên bắt đầu từ ngày 15 - 20 tháng Giêng hàng năm, phần chính của lễ hội diễn ra trong hai ngày cuối 18 - 20. Những ngày này nhân dân các làng hội tụ dâng mâm sơn trang để tế lễ và tưởng nhớ công đức của các vị thần. Những năm gần đây, du khách trong và ngoài nước tìm đến đây ngày càng đông hơn.

Theo những người dân nơi đây thì đến chùa Am Tiên, thắp hương Đền Mẫu, đi trong vườn cây vái lạy huyệt thiêng, ngắm cảnh, thăm và uống nước giếng Tiên, lòng sẽ trở nên thanh thản hơn. Họ kể rằng giếng Tiên có từ thuở xa xưa, tuy nằm cheo leo ở sườn núi dốc đứng trên gần đỉnh một ngọn núi cao, nhưng thật kỳ lạ là giếng không bao giờ hết nước, dù mùa khô hay mùa mưa, dù thời gian hạn hán kéo dài đến mấy.

Tương truyền xa xưa, đây là nơi tắm của các nàng tiên nhà trời, sau này mỗi lần xung trận, nữ tướng Triệu Thị Trinh thường lấy nước ở giếng để rửa mặt. Nước giếng được tin rằng có thể giúp người trị bệnh nên nhiều du khách thập phương tìm đến đây để xin nước uống cho khỏe mạnh, gội đầu, rửa mặt cho thông minh, những gia đình hiếm con thì đến xin nước uống cầu con...

Nô nức... lội bùn đi xin nước Tiên - 3
Giếng Tiên.

Nô nức... lội bùn đi xin nước Tiên - 4
Du khách ai cũng muốn xin nước ở giếng Tiên để mang về.

Theo những người dân ở đây, bắt đầu từ ngày mở cổng trời (mùng 9 tháng giêng), mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách đến đây xin nước giếng Tiên. Chị Nguyễn Thị Lan, một du khách cho biết: “Năm nào tôi cũng lên đây dâng hương rồi xin ít nước giếng Tiên về để cả nhà uống cho mạnh khỏe và cầu xin các thần linh phù hộ cho một năm may mắn”.

Còn em Nguyễn Minh Quang, học sinh trường Lương Đắc Bằng, chia sẻ: “Năm nay em trải qua rất nhiều kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi đại học. Nghe nói về ngôi chùa linh thiêng nên chúng em lên đây cầu mong vượt qua những kỳ thi quan trọng sắp tới”.

Nô nức... lội bùn đi xin nước Tiên - 5

Nô nức... lội bùn đi xin nước Tiên - 6

Nô nức... lội bùn đi xin nước Tiên - 7
Con đường lên đền Am Tiên dù nhầy nhụa bùn vẫn tấp nập du khách tới cầu tài lộc, cầu bình an.
 
Nguyễn Thùy - Hoàng Văn