Những vụ đấu thầu thuốc khó hiểu ở Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ

(Dân trí) - Khi những chuyện mập mờ của Bệnh viện đa khoa TƯ Cần Thơ mà báo <i>Dân trí</i> nêu chưa được làm rõ, chúng tôi lại tiếp tục nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về những khuất tất trong việc đấu thầu thuốc ở viện này.

Theo phản ánh của một số đơn vị tham gia đấu thầu thuốc vào Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ trong đợt đấu thầu thuốc năm 2009, thuốc Lydvocef, một loại kháng sinh tiêm có giá nhập chỉ 0,65 USD, tức khoảng 12.500đ/lọ nhưng lại được được bệnh viện này chọn mua với giá 58.000đ/lọ. Trong khi đó, nhiều công ty chào thầu thuốc có cùng hoạt chất và liều lượng, cùng tác dụng với giá từ 38.000đ đến 39.500đ/lọ thì bị loại,.. Với cách làm này, qua hai lần mua sắm với số lượng 80 ngàn lọ, số tiền chênh lệch lên đến 1,6 tỉ đồng.

 

Những vụ đấu thầu thuốc khó hiểu ở Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ - 1

Thuốc Lydocef mà ông Đặng Quang Tâm đã chọn mua

 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, Giám đốc BVĐKTƯ Cần Thơ Đặng Quang Tâm cho rằng, mặt hàng Lydocef của công ty trúng thầu có điểm kỹ thuật đạt 100 điểm. Tuy nhiên, theo bảng điểm gói thầu thuốc do bệnh viện xây dựng, thuốc đạt 100 điểm kỹ thuật phải có nguồn gốc nguyên liệu từ G7 (của 7 nước nhóm G7), sau đó đến các loại thuốc có nguồn gốc nguyên liệu xuất xứ từ châu Âu và cuối cùng là châu Á và Trung Quốc. Tuy nhiên, thuốc Lydocef mà bệnh viện chấm trúng thầu lại có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

 

Trong khi bác sĩ Đặng Quang Tâm chưa giải thích được việc quyết định chọn thuốc Lydocef năm 2009 thì chúng tôi lại tiếp tục tìm thấy nhiều dấu hiệu có tính thông thầu khác quanh mặt hàng này vào thời điểm 2008. Khi tra cứu hồ sơ thầu năm 2008, ở mục 4- Uy tín của thuốc hoặc hiệu quả lâm sàng, nếu thuốc đã dùng trong BVĐKTƯ Cần Thơ thì đạt 10 điểm nhưng năm 2007, mặt hàng Lydocef chưa được sử dụng trong bệnh viện, vì thế, việc chấm cho Lydocef 100 điểm kỹ thuật là việc làm không bình thường.

 

Vấn đề này, theo giải thích của ông Đặng Quang Tâm, trước đó công ty chào bán mặt hàng này đã “cho” thuốc dùng thử trong trong bệnh viện. Điều đó càng thể hiện rõ sự bất thường khi ông Tâm quyết định nhận thuốc của công ty chào bán Lydocef để được “ghi điểm”.

 

Ngoài Lydocef, nhiều mặt hàng khác cũng bị loại một cách vô cớ trong đợt xét thầu năm 2009 của BVĐKTƯ Cần Thơ. Đơn cử như kim chọc dò tủy sống: Công ty TNHH trang thiết bị y tế Oanh Thy chào thầu loại của Nhật với giá 12.600đồng/cây, điểm tổng hợp là 25,000 thì bị rớt trong khi Công ty TNHH dược phẩm Lam Sơn chào thầu hàng có xuất xứ từ Malaysia với giá 14.672 đồng/cây, điểm tổng hợp chỉ đạt 18,019 thì lại được chọn.

 

Việc hội đồng thầu cho rằng Công ty TNHH Oanh Thy không đúng yêu cầu kỹ thuật là vì sản phẩm này không mang tên thương mại Vasofixg20 là thiếu thuyết phục bởi lẽ tên thương mại của sản phẩm là tên riêng của từng hãng. Còn kỹ thuật và chất lượng của sản phẩm là như nhau, không có quy định nào bắt tên sản phẩm phải đúng như ý của hội đồng thầu của BVĐKTƯ Cần Thơ.

 

 Tương tự như vậy, mặt hàng gạc phẫu thuật tiệt trùng cùng của Việt Nam sản xuất, Công ty TNHH TMSX A&E chào với giá 4.494 đồng/miếng, điểm tổng hợp 15,000 đã bị đánh trượt thầu, trong khi đó  Công ty Cổ phần Y tế Danameco với giá 5.355đồng/miếng, điểm tổng hợp chỉ đạt 12.192 lại trúng thầu với số lượng 600.000 miếng, chênh lệch của mặt hàng này gây thiệt hại 516 triệu đồng.

 

Không những thế, chúng tôi còn đếm được gần chục mặt hàng khác bị loại với lý do “Không đúng yêu cầu kỹ thuật” hay “Lựa chọn theo quyết định của hội đồng thầu” dù mặt hàng này có nguồn gốc xuất xứ từ các nước châu Âu với điểm kỹ thuật cao và có giá rẻ hơn các mặt hàng được chọn.

 

Mỗi mặt hàng BVĐKTƯ Cần Thơ mua bất hợp lý như thế, chênh lệch từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng. Chỉ đơn cử vài mặt hàng như trên, bệnh viện đã gây thiệt hại cho ngân sách hơn 2 tỉ đồng! Gánh nặng này chắc chắn sẽ đổ lên đầu người bệnh.

 

Không chỉ thế, ở bệnh viện này còn có những việc làm thật khó hiểu! Trong đợt mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế phòng chống bão lụt năm 2008, giám đốc lại lập danh mục mua cả thuốc trị ung thư và tiểu đường với số tiền chiếm đến 1/4 tổng kinh phí mua thuốc cho cả đợt. 

       

Hỏi vì sao lại có chuyện trái khoáy như trên, Giám đốc Đặng Quang  Tâm trả lời: thuốc sắp hết thì phải mua chứ đâu phải phòng chống lụt bão thì chỉ có thuốc chống ngộp nước (!?).

 

PV