Những phận đời chỏng chơ trong “vương quốc” đá quý

Giờ thì “Vương quốc đá quý” Lục Yên (Yên Bái) đã cạn kiệt nguồn đá, vậy nhưng ngày đêm nơi đây vẫn có nhiều phu đá cặm cụi dùng những công cụ chết chóc để phá núi, cố tìm những ổ đá gốc.

Từng giờ từng phút, họ đang trêu ngươi thần chết nhưng không phải để thực hiện giấc mơ đổi đời mà chỉ để có dăm đồng bạc lẻ nuôi sống gia đình...
 
Những phận đời chỏng chơ trong “vương quốc” đá quý  - 1
Bãi đá Cổng Trời 1 sau nhiều năm khai thác giờ tan hoang với hàng nghìn tấn đá thải.


Khó như tìm đá gốc

Công việc của phu đá trên bãi Cổng Trời là tìm những viên đá gốc được tách ra từ những lần nổ mìn trên đỉnh núi. Đá gốc là những viên đá thô có đá quý như ruby, sapphire... nằm bên trong. Các viên đá này sau đó được lựa chọn, tách nhỏ rồi gùi về lán trại. Tại đây phu đá sẽ đục đẽo các cạnh để lộ ra đá quý bên trong.

P.V.Cường (An phú, Lục Yên) đã bỏ học lên Cổng Trời làm phu đá được 3 năm, anh kể: “Phu đá ở đây vất vả lắm, ngày nào cũng đập đá, đẽo, gọt rồi gùi về lán. Nếu may mắn gặp “ổ đá” thì còn kiếm được vài trăm nghìn, còn không chỉ tìm được vài cục đá về làm đá cảnh, mỗi cục bán chỉ được hai, ba mươi ngàn đồng. Việc làm vất vả, đá cũng không còn nhiều như trước nên nhiều người bỏ làm rồi. Đi kiếm đá thế này cũng chỉ hơn ở nhà trồng lúa thôi”.
Cũng theo anh Cường, để tìm được đá gốc trong thời buổi cạn kiệt tài nguyên như thế này, ngoài việc chăm chỉ còn cần có may mắn. Đá gốc không như những loại đá khác, nhìn cục đá bề ngoài chẳng có gì nhưng bên trong có khi chứa cả “ổ đá” (những viên đá quý tập trung bên trong viên đá lớn). Nếu may mắn gặp viên đá đỏ bên trong có sao năm, sáu cánh thì lập tức sẽ có khoản tiền lớn. Đá hình sao là những viên đá có vân ẩn giữa viên đá, khi cầm chúng trên tay dù xoay theo hướng nào thì hình sao cũng chuyển theo hướng đó. Những viên đá đó giá lên tới hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, những viên đá như vậy rất hiếm, rất lâu rồi chưa có ai tìm được.

Tìm được đá gốc khó khăn là vậy, nhưng vì không có phương tiện tách đá quý nên phu đá đành phải bán chúng cho các lái buôn từ dưới núi lên. Nếu mua ngay tại bãi thì giá của mỗi viên đá gốc tùy loại chỉ khoảng vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Tuy nhiên, sau khi đá gốc được chuyển xuống dưới núi, chúng sẽ được tách rời và mài bóng, chế tác thành mặt nhẫn, dây chuyền hay đá cảnh. Khi đó giá của chúng sẽ được “thổi” lên gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần.

Cũng vì là khai thác “chui” nên ngay cả khi tìm được những viên đá có giá trị thực sự thì phu đá cũng phải nhanh chóng bán tháo cho thương lái với giá rẻ dù biết rằng giá trị thực tế của nó cao hơn rất nhiều lần. Họ bắt buộc phải làm như vậy vì nếu không may bị công an tịch thu thì chỉ có nước mất trắng.

Những cuộc đời tàn trong “vương quốc” đang tàn lụi

Công việc ở bãi đá được phân chia khá rõ ràng, một nhóm trên đỉnh núi đục đá, khoan cho những khối đá rời ra rơi xuống phía bên dưới. Tại đây sẽ có một nhóm khác loại bỏ những tảng đá hộc và đập nhỏ các phiến đá để lấy đá gốc.

Với những khối đá ở lưng chừng núi, phu đá phải dùng những đoạn dây thừng lớn, một đầu buộc vào cây to trên đỉnh núi, một đầu buộc ngang thân mình để đu xuống vách núi rồi dùng máy khoan cho chúng rơi xuống dưới. Đó là cách thủ công, gặp những khối đá lớn vài chục tấn thì phải dùng những cách đặc biệt.

Nhìn bãi đá cổng trời ngổn ngang, trắng xóa giữa bạt ngàn núi rừng, tôi không dám tin là chỉ với cuốc, xẻng và búa tạ, những phu đá ở đây có thể làm được khối lượng việc lớn như vậy. Hỏi thăm các lái buôn mua đá trong lán, những người này trả lời rằng: “Sức người thì làm sao mà phá được những khối đá lớn ở tận đỉnh núi, phu đá họ dùng mìn với thuốc nổ đấy. Thường thì buổi sáng họ cho nổ mìn, đá lăn xuống dưới chân rồi mới bắt đầu tìm trong các khối đá hộc. Nhưng vì ở đây là khai thác chui nên phu đá không bao giờ tiết lộ việc nổ mìn phá đá của họ cả”.

Đối với các công ty khai thác đá của Nhà nước, họ thường sử dụng thuốc nổ dạng lỏng và kích nổ bằng kíp điện. Điều đó nâng cao tính an toàn trong quá trình khai thác. Tuy nhiên, loại thuốc nổ đó để sử dụng phải có giấy phép riêng và người ngoài không thể mua được. Phu đá không mua được thuốc nổ dạng lỏng nên họ liều lĩnh dùng các loại thuốc nổ bột và mìn để phá đá. Những loại này được họ thu mua từ những nguồn “đen” rồi vận chuyển lên đỉnh núi cao, chỉ khi gặp những khối đá “khó nhằn” mới đem ra dùng. Vì thuốc nổ không rõ nguồn gốc, lại không được đào tạo về cách nhồi thuốc, cắm kíp nổ nên chuyện mìn nổ, người chết là khó tránh khỏi. Ở các bãi đá “thổ phỉ” như thế này, cứ vài tháng lại có người bị đá lăn xuống đè vào người, may mắn thì gãy chân, cụt tay, còn nếu không thì cầm chắc cái chết, đôi khi còn không kéo được xác ra ngoài.

Vừa cúi người lựa đá, chú Hà kể cho tôi chuyện một phu đá bị chết hồi đầu năm: “Hôm đó, khi vừa nổ mìn xong thì các phu đá ùa lên bãi để tìm đá quý, mấy phu đá đang loay hoay làm bên dưới thì tảng đá lớn bên trên rơi xuống. Viên đá đè vào một thanh niên làm anh ta chết tại chỗ, bên ngoài nghe thì là chuyện lớn nhưng với người dân ở đây thì như cơm bữa”. Tuy nhiên, hầu hết các vụ tai nạn như vậy đều được ém nhẹm vì sợ chính quyền để ý.

Đang mải nói chuyện với chú Hà, bỗng xuất hiện tiếng đá rơi ầm ầm khiến tôi giật mình, thì ra là những khối đá bị mắc kẹt lưng chừng vách núi bị rời ra giờ mới rơi xuống. Chưa kịp hoàn hồn thì đã thấy vài phu đá đeo gùi, cầm đục và búa tạ tiến về phía khối đá rơi, họ tranh thủ lúc nghỉ trưa không nổ mìn để đào đá.

***

Trời đã xế chiều, chú Hà gọi tôi về vì sợ trời tối không kịp tới huyện. Chú nói: “Cuộc đời đỏ đen là thế, phu đá ở đây cứ mải mê kiếm tìm vận may theo những khối đá, chẳng biết có được gì không, có khi bị đá rơi lại ân hận cả đời. Biết làm sao được, ở đây không làm đá cũng chẳng biết làm gì”.

Xuống đến lưng chừng núi, tôi ngoái lại vẫn thấy những bóng người nhấp nhô lọt thỏm giữa những khối đá trắng toát phủ khắp triền núi, những tiếng người vẫn hô to để báo hiệu xả đá xuống bãi. “Vương quốc đá quý” đã tàn lụi rồi...
Theo Chí Dũng
Pháp luật Việt Nam