Nhìn “văn hóa phong bì” từ căn nguyên xã hội

(Dân trí) - Những năm 80, mỗi lần về thăm quê hương, thấy cảnh thiếu thốn họ hàng nhiều lần tôi đã lén dúi vào túi họ một phong bì. Lén và kín đáo vì tiền bạc là “chuyện tế nhị”, không ngờ ngày nay, “phong bì” trở thành khá phổ biến trong mối quan hệ ứng xử…

Vài chuyện riêng ...

 

Chuyện thứ nhất:

 

Món “quà” đầu tiên tôi dùng là để mang tặng các cô giáo của tôi là vài chiếc mứt na mứt me gói trong giấy bóng vào dịp Tết.Tôi vẫn còn nhớ như in, cô giáo tôi nói “ ít quá không đủ chia cho tất cả các bạn trong lớp ...,” Lúc đó tôi đã chực khóc vì dù đã trổ hết tài ngoại giao, “òn ỉ” lắm, ngồi cạnh mẹ tôi lúc bà làm mứt đón Tết, mới chỉ lấy được mấy chiếc thôi để mang vào tặng cô. May là lúc đó cô đã nói tiếp “không sao, ngày mai cô mang hạt dưa và vài quả bưởi vào chia cho cả lớp trước khi nghỉ Tết”. Bây giờ nghĩ lại tôi biết là hai ba quả bưởi đã là một cố gắng lớn của cô giáo thời đó, cái chính là chúng tôi đã có hạt dưa cắn làm đỏ cả môi ở buổi “liên hoan” trong lớp.

 

Chuyện thứ hai :

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Cũng là chuyện quà tặng cô giáo, sau này ở trời Âu, mỗi mùa xuân, hoa thủy tiên vàng (jonquilles hay narcisses) là loại hoa đầu tiên nở trong vườn, sau mùa đông tuyết giá. Các con tôi đã rất sung sướng khi chúng tôi dậy sớm, ra vườn, cắt những cành đầu mùa rồi bó cuống hoa bằng một phong bì giấy thô để nhựa không dính tay. Các con tôi hí ha hí hửng hảnh diện mang vô trường tặng cô giáo và trang hoàng lớp học với cái rạng rỡ của màu vàng ối của những cánh hoa.

 

Chuyện thứ ba :

 

Thập niên 80 thế kỷ trước, mỗi lần về thăm quê hương, thấy cảnh thiếu thốn của họ hàng, bà con và bạn bè, nhiều lần tôi đã lén dúi vào túi họ hay nhét vào đâu đó, một phong bì. Lén và kín đáo vì tâm lý mà nói, tiền bạc bị xem là cái “dơ”, “khó nói”, làm ái ngại cho cả người tặng lẫn người nhận.

 

Chuyện cuối cùng :

 

Hai mươi năm sau, nhiều Việt kiều về thăm quê hương than là cái quỹ “phong bì” nặng gấp mấy lần tiền vé máy bay. Nghe có người ở nước ngoài về, họ hàng bà con kéo đến chào đón, tình cảm có nhưng để được nhận phong bì cũng có. Thậm chí có người còn phê bình “cái giá” của phong bì và nói thẳng “thằng cháu X, Y kia của tao mỗi lần về nó cho tao 300 hay 500 đô la”...

 

đến chuyện chung :

 

“Văn hóa phong bì”, đứng ở trên vĩ mô, cho ta thấy ít nhất là giá trị mà xã hội dành cho đồng tiền. Chuyện này không mới, cha ông ta đã nói “có tiền mua tiên cũng được”  hay có những trường hợp “tiền bạc cao hơn lễ nghĩa” nhưng nếu nhất cử nhất động, mọi liên hệ xã hội đều dựa trên đồng tiền thì đâu đó e rằng không ổn vì mất đoàn kết, bất bình đẳng, ... sẽ tăng lên song song với những tệ hại xã hội như tham nhũng, lừa đảo, cướp bóc, và một cách gián tiếp hơn, hiện tượng mãi dâm (vì tiền, có thiếu nữ sẳn sàng bán thân ! ), hiện tượng mua bằng, mua chức, ...

 

Trong hiện tại, đã có một hiệu trưởng trường học cho rằng chuyện tặng phong bì cho giáo viên là bình thường. Chuyện phong bì ở bệnh viện cũng nằm trong cái “hợp lý” đó ? Thế đạo đức xã hội ta để ở đâu? Ta nghĩ gì về nhân nghĩa ? Ta đang theo hệ thống giá trị nào đây ? Đành rằng “có thực mới vực được đạo” nhưng còn “lành cho sạch, rách cho thơm” nữa mà ?

 

Tôi nghĩ chống hiện tượng phong bì ở bệnh viện chỉ là chống “phần ngọn”. Cái quan trọng hơn là chống sự xuống dốc của bậc thang giá trị xã hội. Trong một xã hội chỉ trọng tiền bạc thì không thể nào “làm sạch” bệnh viện, trường học hay bất cứ cơ cấu xã hội nào.
 
Nhìn “văn hóa phong bì” từ căn nguyên xã hội - 1

Nếu mọi liên hệ xã hội đều dựa trên đồng tiền thì chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội như tham nhũng, lừa đảo, cướp bóc... (nguồn ảnh: internet)

 Ở bệnh viện và trường học, “văn hóa phong bì” khó chấp nhận hơn vì một bên (trường học) là “ăn” trên đầu các em, những trẻ có quyền được hiểu biết, còn bên kia (bệnh viện) là “ăn” trên sự đau đớn, thậm chí ở cái ranh giới giữa cái chết và sự sống của người bệnh.

 

Xin đưa ra vài giả thuyết để giải thích giá trị của đồng tiền trong bối cảnh hiện tại :

 

1. Kinh tế thị trường ồ ạt chạy vào xứ ta vào thời đổi mới, khi ta chưa đủ chuẩn bị: chưa có một nền kỹ nghệ vững chắc để làm nguồn cho trao đổi thương mại và dịch vụ, chưa có một cơ sở luật pháp thích ứng để kiềm chế những người đầu cơ và trục lợi, chưa có một nền tảng tư duy và tri thức bảo đảm sự “tử tế” của thị trường để phát huy những mặt tích cực và hạn chế những tiêu cực của nó.

 

Dù không là kinh tế gia, nhưng tôi nhận xét ở các nước Âu tây, có tự do thị trường đấy nhưng có ít nhất  một vài “lực cản” những cách đi quá đà và bảo vệ những người yếu (lương tối thiểu đủ sống, bảo hiễm thất nghiệp, sức khỏe, giáo dục miễn phí và cưỡng bách tới 16 hay 18 tuổi, ... hay để  tái phân chia tài sản xã hội qua những chính sách thuế , ...).

 

Ở Việt Nam chúng ta,  còn có hiện tượng cho cá lớn tự do nuốt cá bé; tự do cho sự làm giàu mau lẹ của một số người biết lợi dụng cơ hội, trong khi không ít người nghèo tiếp tục nghèo và chịu nhiều thiệt thòi, cơ cực; cũng có hiện tượng để “tự do” cho những quảng cáo không trung thực, ...

 

Trước đó, cấu trúc của xã hội dựa trên nhiều chỉ tiêu khác nhau : gia đình, chính trị, bằng cấp, và cả những yếu tố truyền thống nữa (tuổi tác, kinh nghiệm, sự sáng suốt, ...). Chúng ta ngàn năm nay vẫn có giai cấp và phân chia đẳng cấp trong xã hội, nhưng từ ngày giành được độc lập, bất bình đẳng xã hội có lẽ chưa bao giờ sâu đậm như hiện nay.

 

Bệnh viện và trường học, “văn hóa phong bì” khó chấp nhận hơn vì một bên (trường học) là “ăn” trên đầu các em, những trẻ có quyền được hiểu biết, còn bên kia (bệnh viện) là “ăn” trên sự đau đớn, thậm chí ở cái ranh giới giữa cái chết và sự sống của người bệnh.

Cụ thể, về y khoa, ta thiếu một y sỹ đoàn, ta thiếu một định nghĩa xã hội về ngành Y (ngày nào ngành Y còn theo luật “cung, cầu” thì ngày đó còn văn hóa phong bì và những tệ hại khác). Nếu có những lĩnh vực mà không thể “thị trường hóa” thì tôi xin kể: gia đình, bệnh viện và trường học.

 

2. Có lẽ từ khoảng hai mươi năm nay, mục tiêu làm giàu được đưa lên hang đầu. Báo chí rình rang đưa lên trang những mẫu Đại gia, những người “nổi tiếng”, với những “phong cách” xài tiền “không đếm” để thể hiện cái mà họ cho là “đẳng cấp”. Vai trò không nhỏ của báo chí trong giáo dục văn hóa làm nhiều người e ngại cho tương lai, cho cái ban đầu là “bất bình thường” sẽ trở thành “bình thường” vì báo chí cứ nêu lên như chuyện “cơm bữa” mỗi ngày. Nhiều chuyên viên tiếp thị rất rành về yếu tố tâm lý này của quần chúng : báo chí, truyền hình đưa ra thì chắc là thật đấy.

 

Bao nhiêu người giàu chung quanh ta. Rốt cuộc làm giàu thành cứu cánh. Phong bì là một trong những phương tiện.

 

Tóm lại, nói không với phong bì ở bệnh viện, tôi e rằng cũng giống như đắp một miếng dán lên vết thương mà không tẩy trùng cẩn thận trước khi băng bó.

 

Đào tạo và đề cao một bậc thang giá trị xã hội nhân bản, với đoàn kết và bình đẳng như nền tảng thay vào giá trị của đồng tiền song song với sự phát triển một hệ thống pháp lý vững chắc và trong sáng, một hệ thống thuế vụ công bằng để tái phân chia tài sản xã hội ... có thể  giúp ta sống tốt hơn với nhau.

 

Trong xã hội ta vẫn còn rất nhiều bác sĩ tận tụy với bệnh nhân, vẫn còn rất nhiều nhà giáo suốt đời quên mình để dạy dỗ các em, các cháu. Họ không đòi được đưa lên mặt báo. Chỉ xin đừng tiếp tục đưa những  người “nổi tiếng” với những mức lợi tức không bình thường chút nào lên hàng khuôn mẫu.

 

Ai cũng biết là xã hội phải cậy trên hàng vạn, hàng triệu người âm thầm vun đấp, mang phần mình góp sức cho phát triển và trường cửu của tương lai. Ở đây, muốn thay đổi văn hóa bền vững, cũng xin gợi ý đặt trọng tâm vào giáo dục mầm non, để trong tương lai, thế hệ công dân này thành những người tử tế.

 

                                                            Nguyễn Huỳnh Mai

                                                                   Liège, Bỉ

 

LTS Dân trí - Tác giả bài viết trên góp một cái nhìn khách quan về nguồn gốc của tệ nạn “phong bì” đang phổ biến trong xã hội ta, kể cả hai lĩnh vực cần đến những tiêu chí nghiêm ngặt của chuẩn mực đạo đức là y tế và giáo dục cũng dùng “phong bì” trong quan hệ ứng xử.

 

Đấy là điều thật đáng buồn và đáng lo về mặt đạo đức xã hội, nhưng nếu bình tâm xem xét thì phải thấy nguyên nhân sâu xa của tệ nạn này bắt nguồn từ năng lực quản lý xã hội vận hành theo cơ chế thị trường, trong đó có chính sách lương, chính sách thuế chưa phù hợp, tạo ra sự mất bình đẳng xã hội, không bảo đảm đời sống cho các công chức, kể cả đội ngũ thầy thuốc và nhà giáo…

 

Mặt khác, công tác giáo dục, tuyên truyền chưa chú trọng phát huy đúng mức những giá trị đạo đức và đạo lý truyền thống, có nơi có lúc đề cao quá mức các “đại gia”, các “ngôi sao” bằng số tài sản sở hữu, bằng các loại ô tô đời mới đắt tiền…Khi giá trị con người được gắn liền với giá trị đồng tiền thì tệ nạn “phong bì” có môi trường thuận lợi để trở thành “văn hóa phong bì” !

 

Làm gì có thứ “Văn hóa” ấy trong cách ứng xử truyền thống giầu lòng nhân ái và vốn có đức tính tự trọng “đói cho sạch, rách cho thơm” của dân tộc ta.