Nhiều trẻ bị sốt vì bọ xít hút máu

(Dân trí) - Gọi điện đến đường dây nóng báo Dân trí, chị N.H.A (Lương Thế Vinh, Hà Nội) chia sẻ nỗi lo lắng vì con chị sau 2 tiếng bị bọ xít đốt ở bắp chân thì bé có hâm hấp sốt dù đi khám bé không bị viêm họng, cũng không phải là sốt vi rút.

Nhiều trẻ bị sốt vì bọ xít hút máu
Với nhiều người, nốt bọ xít đốt chỉ gây ngứa ngáy, khó chiu một chút, nhưng với một số người nó lại gây sưng tấy, sốt. Ảnh: Độc giả cung cấp.
 
Chị H.A cho biết, khi đi khám tại một phòng khám tư ở Thanh Xuân, bác sĩ nói có thể bé bị mẫn cảm với bọ xít đốt nên gây hiện tượng vậy, bác sĩ cũng không kê thuốc gì ngoài thuốc bôi tại chỗ, nhưng gia đình vẫn đang rất lo lắng.

TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, rất nhiều bà mẹ có tâm trạng lo lắng như chị H.A khi con bị sốt sau khi bị bọ xít đốt.

“Sáng qua, 13/9 tôi cũng gặp một trường hợp bé 4 tuổi bị sốt cao sau khi bị bọ xít đốt, gia đình đưa bé đến gặp tôi nhờ tư vấn trực tiếp. Dù bé này sốt cao, trên 38 độ C nhưng bé cũng không cần phải uống thuốc gì đặc biệt, chỉ hạ sốt và gia đình cho uống thuốc tiêu độc đến ngày thứ 2 thì bé hết sốt. Khi đến gặp tôi, bệnh nhi chỉ còn vết sưng tấy nơi bọ xít đốt, không còn sốt”, TS Lam nói.

Theo TS Lam, các bà mẹ không nên quá hoang mang, lo lắng khi con bị sốt sau khi bọ xít đốt. Bởi trẻ em thường có tính mẫn cảm với côn trùng cao hơn người lớn. Nhiều trẻ sau khi bị bọ xít đốt thì sưng tấy, ngứa ngáy khó chịu và sốt cao. Từ đầu năm đến nay đã ghi nhận khá nhiều trẻ bị sốt vì bọ xít đốt nhưng thường chỉ sau 1 - 2 ngày là hết sốt mà không để lại dấu hiệu gì đặc biệt về sức khỏe.

“Năm 2010, một bé gái 3 tuổi ở Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội) cũng bị sốt do bọ xít đốt, sau hai ngày thì khỏi nhưng tôi vẫn theo dõi trường hợp này. Đến nay bé đã hơn 4 tuổi nhưng phát triển hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh”, TS Lam dẫn chứng.

Không riêng gì trẻ nhỏ, ngay ở người lớn, cũng có một số trường hợp có hiện tượng hâm hấp sốt sau khi bị bọ xít hút máu đốt. Năm 2010, khi thông tin bọ xít hút máu xuất hiện rầm rộ, có bệnh nhân trung niên ở Cầu Giấy gọi đến báo Dân trí chia sẻ ông bị bọ xít hút máu đốt sưng tấy, ngứa, sốt cao và buộc phải vào BV 19 - 8 ngay trong đêm sau khi bị con vật này đốt và phải tiêm một mũi chống dị ứng thì mới dễ chịu hơn.

Ngoài ra, TS Lam cũng chia sẻ về một bệnh nhân bị bọ xít đốt ở bắp chân, nốt sưng to đến mức bệnh nhân không đi lại được trong 2 - 3 ngày. Ngược lại, cũng có nhiều trường hợp cả ở trẻ em và người lớn dù bọ xít đốt vài nốt nhưng chỉ bị sưng tấy, ngứa tại chỗ nhưng không hề bị sốt.

“Theo TS. Lam, khi bị bọ xít đốt, tùy theo cơ địa của mỗi người, có người chỉ một vài ngày sau vết đốt sẽ khỏi. Nhưng với người mẫn cảm với côn trùng thì vết đốt có thể sưng tấy to, bị phù, gây sốt. Có người sốt kéo dài phải cần tới sự can thiệp của các bác sĩ, nhất là đối với trẻ em - đối tượng rất ưa thích của bọ xít hút máu”, TS Lam cảnh báo.

Hồng Hải