1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Nhật Bản và Philippines lại khẩu chiến với Trung Quốc

Điều đáng nói là lần này, giới truyền thông Trung Quốc đã đưa ra một số nhận định “khác lạ”. khiến dư luận quan ngại về những căng thẳng mới có thể xảy ra trong thời gian tới.

Một lần nữa Tokyo và Manila lại khẩu chiến với Bắc Kinh xung quanh những tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Điều đáng nói là lần này, giới truyền thông Trung Quốc đã đưa ra một số nhận định “khác lạ”. khiến dư luận quan ngại về những căng thẳng mới có thể xảy ra trong thời gian tới.
 
Từ khẩu chiến giữa Tokyo và Bắc Kinh

Ngày 27/2, Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc (SOA) đã phủ nhận thông tin được đăng trên báo chí Nhật Bản cho rằng: một tàu hải giám của Trung Quốc đã chĩa súng máy về phía một tàu đánh cá của Nhật Bản ở gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ngày 27/2, Tạp chí tuần Post của Nhật Bản đưa tin, tàu hải giám 66 của Trung Quốc đã chĩa súng máy nhằm vào một tàu cá của Nhật Bản, đồng thời tuyên bố với các thủy thủ trên tàu này rằng: tàu của họ sẽ chìm sau khi bị bắn.

Trước đó (26/2), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh (Oánh) cũng tuyên bố: các phao do Trung Quốc đặt gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là dùng để theo dõi thời tiết biển và vấn đề này không đáng để tranh cãi. Bắc Kinh và Tokyo đã khẩu chiến sau khi Trung Quốc đặt các phao hàng hải tại khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Trong khi Bắc Kinh coi đây là hành động nhằm giám sát điều kiện và thời tiết biển thì Tokyo lại cho rằng “để do thám tàu ngầm”.


 

Hoa Xuân Doanh (Oánh), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Hoa Xuân Doanh (Oánh), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Ngày 22/2, tờ Sankei Nhật Bản đưa tin, Tokyo lần đầu tiên xác nhận, kể từ đầu năm 2013 đã phát hiện Trung Quốc thả trộm hoa tiêu ngoài khu vực đường ranh giới trên biển Hoa Đông và nằm hẳn sang phía Nhật Bản. Cảnh sát biển Nhật Bản đã tiến hành thu thập bằng chứng, đồng thời cho biết: các hoa tiêu này được gắn các thiết bị thu thập tin tức tình báo nhằm phát hiện sớm hoạt động của tàu Cảnh sát biển Nhật Bản.

Ngày 25/2, bà Hoa Xuân Doanh (Oánh) cho rằng, Bắc Kinh luôn ủng hộ chính sách cải thiện quan hệ với Tokyo trên cơ sở 4 thỏa thuận chính trị giữa hai nước đã ký và chính sách này sẽ không bao giờ thay đổi. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm Mỹ nói rằng, ông không có ý định làm gia tăng căng thăng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Cũng trong ngày 25/2, Tân Hoa xã dẫn lời bà Hoa Xuân Doanh (Oánh) cho rằng: bất luận Nhật Bản có xảo biện thế nào cũng không che đậy được một thực tế là nước này đang chiếm đóng phi pháp lãnh thổ của Trung Quốc ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Thậm chí còn nhấn mạnh: Logic lý luận của Nhật Bản thật hoang đường, không khác nào một kẻ trộm lấy đồ của người khác bỏ vào túi mình một thời gian rồi nghĩ có thể biến tài sản của kẻ khác thành tài sản của mình. Quan hệ Trung - Nhật trở nên căng thẳng và xấu đi sau khi Tokyo tuyên bố quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2012.

Ngày 27/2, tờ Nhân dân nhật báo có bài viết “Đừng tin Mỹ bỏ rơi Shinzo Abe” sau khi giới truyền thông Trung Quốc tỏ ra hả hê nhận định: sau hơn 2 tháng mong chờ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chỉ được tiếp đón theo nghi thức “sơ sài”, giới truyền thông Mỹ không tường thuật trực tiếp và trong cuộc hội kiến kéo dài 20 phút hôm 22/2 với Tổng thống Barack Obama, ông chủ Nhà Trắng không nhắc gì đến cụm từ Senkaku/Điếu Ngư khiến ông Shinzo Abe “tiu nghỉu” về nước.

Tờ Nhân dân nhật báo đưa ra cảnh báo kể trên sau khi Tiến sĩ Michael Green, nguyên Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á của Nhà Trắng tiết lộ rằng (25/2): mặc dù không nhắc đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trong hội đàm công khai, nhưng tại cuộc họp kín với ông Shinzo Abe, ông Barack Obama đã đề cập tới vấn đề này với thời lượng khá dài và người đứng đầu đất nước mặt trời mọc rất hài lòng sau khi được nghe những ý kiến “chờ đợi từ lâu”.

Điều này được giới truyền thông Đài Loan đồng tình - trái với thông tin từ Tân Hoa xã rằng “Tổng thống Barack Obama đã tỏ ra lạnh nhạt với những trao đổi của ông Shinzo Abe về vấn đề Senkaku/Điếu Ngư” thì ông chủ Nhà Trắng hầu như đã đáp ứng các mong mỏi của Thủ tướng Nhật Bản. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới nhận định này, trong đó không thể bỏ qua phản ứng của Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ vẫn tiếp tục áp dụng chính sách không để mất lòng ai, cố gắng duy trì hiện trạng để kiểm soát tình hình.

Ngày 26/2, tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng bài “Dùng 5 biện pháp lớn phá thế bao vây của Nhật Bản” của Thiếu tướng quân đội La Viện. Theo đó, trong ván cờ lớn Trung - Nhật, Bắc Kinh không thể rơi vào thế bị động, cho dù Tokyo bày binh bố trận xung quanh Trung Quốc, xây dựng “vòng cung tự do và phồn thịnh”. Ông La Viện khẳng định, Trung Quốc cần tích cực bố trí thế trận, xây dựng vành đai bao vây ba chiều, bên nào khống chế được quyền kiểm soát biển, quyền kiểm soát không phận xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, bên đó sẽ kiểm soát thực tế chủ quyền tại khu vực này.

Việc này diễn ra sau khi Tạp chí The Diplomat của Nhật Bản số ra ngày 23/2 đăng tải 6 biện pháp ngăn ngừa xung đột tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Phó tổng biên tập trang web e-International Relations (Anh) Daryl Morini. Thứ nhất, cái giá khốc liệt của chiến tranh. Thứ hai, phải giữ thể diện cho đối phương. Thứ ba, không xâm phạm các ngưỡng giới hạn. Thứ tư, tránh thẩm định sai khả năng quân sự và quyết tâm chiến đấu của đối phương. Thứ năm, phải có động thái giảm dần căng thẳng. Thứ sáu, có thể mời Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon giúp đỡ giải quyết tranh chấp, ngăn ngừa chiến tranh.

Những động thái của Trung Quốc

Ngày 27/2, trả lời báo chí về tấm biển kỳ thị của một chủ nhà hàng Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez coi đây chỉ là quan điểm của một cá nhân, không phải là chính sách quốc gia về việc cấm người Philippines đến nhà hàng ở Bắc Kinh. Trước đó (26/2), tờ Inquirer trích lời người phát ngôn Raul Hernandez phản đối Trung Quốc tiến hành các đợt tuần tra ở Biển Đông, trong đó có bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

Manila cũng kêu gọi Bắc Kinh hành động “có trách nhiệm” giữa lúc căng thẳng có nguy cơ bùng phát vì tranh chấp biển đảo: Philippines kêu gọi Trung Quốc hãy tôn trọng chủ quyền lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Ông Raul Hernandez coi động thái kể trên của Bắc Kinh là vi phạm các cam kết quốc tế mà Trung Quốc đã ký trước đây. Giới truyền thông Philippines từng đưa tin, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã khẳng định lại sự ủng hộ đối với Manila trong việc đưa bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông ra trước tòa án quốc tế.


 
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Dư luận cho rằng, sau nhiều tháng đấu tranh ngoại giao cả đa phương và song phương, Philippines đang thực hiện cách làm mới để đối phó với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Đây cũng là nhận định của Richard Javad Heydarian, nhà phân tích quan hệ quốc tế ở Philippines.

Ngày 26/2, Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết, học sinh tiểu học và trung học nước này sẽ được học thêm về quần đảo Dokdo/Takeshima. Theo đó, kể từ năm nay, học sinh tiểu học và trung học Hàn Quốc bắt buộc phải học khoảng 10 giờ về quần đảo Dokdo/Takeshima. Đây là một trong các nỗ lực của Hàn Quốc nhằm tăng cường giáo dục nhận thức về quần đảo Dokdo/Takeshima cho người dân nước này.

Ngày 24/2, Tân Hoa xã dẫn lời Ngô Tráng, Giám đốc Cục Thủy sản Nam Hải, thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ngang nhiên thông báo: việc thực hiện cái gọi là “tuần tra ngư nghiệp thường xuyên” ở khu vực biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ là ưu tiên hàng đầu trong năm 2013 với mục đích “đảm bảo lợi ích hợp pháp của ngư dân Trung Quốc”. Trước đó (23/2), Tân Hoa xã đưa tin: tỉnh Hải Nam sẽ thành lập quỹ tài trợ ngư nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ hàng hải và bảo vệ môi trường sinh thái và đây là kế hoạch nhằm thúc đẩy hỗ trợ tài chính để phát triển kinh tế hàng hải của tỉnh này.

Giới chuyên môn quan tâm tới thông tin của Hãng tin AFP: ngày 25/2 Tổng Công ty Dầu khí Đại dương Trung Quốc (CNOOC) đã hoàn tất vụ mua lại Tập đoàn Năng lượng Canada Nexen với giá 15,1 tỉ USD. Đây là vụ đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc trong lịch sử và thành công sau khi được Canada bật đèn xanh và Mỹ cho phép.

Việc này diễn ra đúng thời điểm Tân Hoa xã đưa tin, tàu khu trục tàng hình cỡ nhỏ Type 056 vừa được bàn giao cho lực lượng Hải quân Trung Quốc trong một buổi lễ diễn ra ở Thượng Hải chiều 25/2. Đây được coi là biểu tượng của bước chuyển về sức mạnh của Hải quân Trung Quốc bởi tàu khu trục thế hệ mới có khả năng tàng hình và tương thích điện tử cao. Tàu khu trục tàng hình mang tên lửa lớp Type 056 chỉ cần đội ngũ thủy thủ bằng 1/3 số lượng mà tàu Type 053 cần. Thông tin về việc Trung Quốc đang đóng chiếc tàu chiến lớp Type 056 đầu tiên xuất hiện từ cuối năm 2010.

Tới những quan ngại của Mỹ - Australia

Ngày 27/2, tờ The Washington Free Beacon (Mỹ) đưa tin, các cơ quan tình báo Mỹ phát hiện quân đội Trung Quốc đã di chuyển các tên lửa đạn đạo di động đến bờ biển tỉnh Chiết Giang và tỉnh Phúc Kiến, đối diện với khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó (24/2), Đài Truyền hình tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc dẫn nguồn tin giới truyền thông và phân tích quân sự Đài Loan cho biết, Bắc Kinh đã bố trí tên lửa chiến lược Đông Phong 16, Đông Phong 21 tại các căn cứ duyên hải Đông Nam thuộc tỉnh Quảng Đông, uy hiếp trực tiếp Biển Đông, biển Hoa Đông.

Ngày 27/2, Tân Hoa xã đưa tin, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã lần đầu tiên thả neo tại một cảng quân sự ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông sáng 27/2. Việc thả neo của Liêu Ninh cho thấy tàu sân bay đã có bến đỗ ở Thanh Đảo và nơi đây có các khả năng hậu cần. Trước đó (26/2), Tân Hoa xã và tờ Quân giải phóng dẫn lời quan chức Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc cho biết, trong năm 2013 quân đội nước này sẽ triển khai tổng cộng 40 cuộc tập trận, tập trung vào các “điểm nóng”, làm “nổi bật lợi ích quốc gia”, bám sát nhiệm vụ tác chiến, đối tượng tác chiến và hoàn cảnh tác chiến, nâng cao chất lượng tác chiến… nhằm nâng cao năng lực xử lý các tình huống phức tạp.

Giới chuyên môn quan tâm tới thông tin trên trang Strategy Page có trụ sở tại Mỹ bởi đăng tải chủ đề nhạy cảm: Đài Loan có khả năng gây thiệt hại nặng nề cho hải quân Trung Quốc bằng tên lửa chống hạm siêu âm Hùng Phong-3. Đài Loan đã dành gần 1 thập niên để phát triển tên lửa Hùng Phong-3 (đầu đạn nặng 181kg và tốc độ tối đa 2.300km/h) và thông tin này xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh hải quân.

Trang Strategy Page cho biết, hải quân Đài Loan đã trang bị tên lửa Hùng Phong-3 cho 16 trong số các tàu chiến hiện có, ngoài ra 4 tàu khu trục, 12 tàu hộ tống loại nhỏ và 31 tàu tuần tra cũng được bố trí tên lửa này.

Theo đó, quân đội Trung Quốc sẽ tập trận hiệp đồng giữa lục quân với không quân, tập trận đối kháng thực binh thực đạn xa bờ, tập trận hiệp đồng phòng không quân binh chủng, đột kích hỏa lực tên lửa thông thường và đặc biệt chú trọng yếu tố thực chiến, đối kháng trên toàn phương vị, đa lĩnh vực, sẵn sàng chiến đấu và đánh thắng.

Trước đó (25/2), trang mạng tin tức của Tổ hợp công nghiệp quân sự Nga coi việc Trung Quốc chính thức phê chuẩn kế hoạch dự án chế tạo tàu chiến động cơ hạt nhân (trong khuôn khổ Chương trình 863) là một hướng chiến lược mới bởi Bắc Kinh đã và đang tìm cách áp đặt chủ quyền tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Được biết, chương trình chế tạo tàu sân bay của Trung Quốc hiện đang được thực hiện, sẽ được tiến hành theo 2 giai đoạn và đến năm 2020 sẽ thành lập biên đội tàu sân bay dựa trên cơ sở những tàu sân bay được sản xuất trong giai đoạn này.

Ngày 25/2, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Kurt Campbell (kết thúc cương vị này hôm 8/2) đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với The Australian. Trong đó khẳng định, tranh chấp biển đảo Trung - Nhật giống một thùng thuốc súng. Ông Kurt Campbell cho biết, trong 4 năm làm trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, đã đối mặt với nhiều tình huống khó, nhưng chưa có tình huống nào khó khăn hơn tranh chấp Trung - Nhật xung quanh vấn đề biển đảo: các nhà ngoại giao của cả hai bên đều không có bất cứ dấu hiệu nào về một sự rút lui hay nhượng bộ.

Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng cho rằng, cuộc tranh chấp này đang thực sự nguy hiểm về mặt quân sự bởi họ đều là những cường quốc tương xứng - đều có lực lượng bảo vệ bờ biển và quân đội luôn sẵn sàng, nên khó dự đoán trước điều gì sẽ xảy ra. Ông Kurt Campbell nhận định, Washington không muốn làm trung gian trong cuộc tranh chấp này bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Giới truyền thông cho rằng, Australia đang bị coi là kẹt giữa trong cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuy là một nước lớn trong khu vực nhưng Australia cũng cảm thấy Trung Quốc là mối đe dọa đối với họ nên đã có những động thái khiến Bắc Kinh “nóng mắt”.

Giới chuyên môn đang quan tâm tới thông tin trên tờ Thời báo Hoàn Cầu (số ra ngày 27/2) đăng bài phân tích của Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản JCC nhận định: eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, vùng biển Hoa Đông và Biển Đông hiện đang là “4 thùng thuốc súng” vây quanh Trung Quốc, trong đó tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là “dễ nổ” nhất.

Điều này cho thấy, Nhật Bản được coi là đối thủ “ngang cơ” với Trung Quốc bởi đây là 2 nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới. Do đó, một khi “thùng thuốc súng” tại biển Hoa Đông phát nổ thì “sức công phá” của nó sẽ rất ghê gớm, hậu quả khôn lường.

Điểm đáng quan tâm và chú ý nhất có liên quan tới “4 thùng thuốc súng” chính là mối quan hệ Trung - Mỹ, sự thay đổi và điều chỉnh sức mạnh tổng hợp cũng như chiến lược của Bắc Kinh và Washington tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Theo quan điểm của Thời báo Hoàn Cầu, chỉ có Trung Quốc mới đủ năng lực khống chế “4 thùng thuốc súng” này bất chấp việc Mỹ muốn can thiệp và làm chủ cuộc chơi.


Theo Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
Petrotimes