Nhà văn Việt Nam đầu tiên được trao Giải thưởng châu Á

(Dân trí) - Vào lúc 10h30 ngày 25/5 tới, tại khách sạn Imperial, thủ đô Tokyo (Nhật Bản), nhà văn Bảo Ninh - tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Nỗi buồn chiến tranh” sẽ chính thức được trao Giải thưởng châu Á lần thứ 16 của báo Kinh Tế Nhật Bản (Nikkei Asia Prizes).

Giải thưởng châu Á lần thứ 16 (Nikkei Asia Prizes) của báo Kinh tế Nhật Bản là giải thưởng thường niên được dành trao cho những người châu Á có những cống hiến xuất sắc trong 3 lĩnh vực: Kỹ thuật, kinh tế và văn hóa.

Nhà văn Bảo Ninh được hồi đồng xét duyệt trao Giải thưởng châu Á trên lĩnh vực văn hóa, được đánh giá là người có những đóng góp lớn lao trên lĩnh vực văn học với thiên tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”, cuốn tiểu thuyết đã được dịch, giới thiệu tại Nhật Bản liên tiếp trong hai năm 1997, 1999 và được Nhật Bản coi là một trong những tác phẩm kinh điển của văn học thế giới về chiến tranh.

Nhà văn Việt Nam đầu tiên được trao Giải thưởng châu Á - 1
Nhà văn Bảo Ninh ký tặng sách cho một đọc giả hâm mộ. (Ảnh: Anh Thế)
 
Cùng nhận giải thưởng châu Á tại Nhật Bản lần này, giải thưởng kinh tế thuộc về Antonio Merode (Philippines), giải kỹ thuật thuộc về tiến sĩ Wu Maw Kuen (người Đài Loan, Trung Quốc).
 
Lễ trao giải thưởng Nikkei Asia Prizes sẽ chính thức diễn ra long trọng vào lúc 10h30 ngày 25/5/2011 tại khách sạn Imperial, thủ đô Tokyo (Nhật Bản).
 

Nhà văn Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh tại huyện Diễn Châu - Nghệ An, quê ở xã Bảo Ninh - Quảng Ninh - Quảng Bình. Ông vào bộ đội năm 1969. Thời chiến tranh, ông chiến đấu ở mặt trận B-3 Tây Nguyên. Năm 1975, ông giải ngũ, tốt nghiệp khoá 2 Trường Viết văn Nguyễn Du, làm việc tại báo Văn nghệ Trẻ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1997.

Nhà văn Việt Nam đầu tiên được trao Giải thưởng châu Á - 2
"Nỗi buồn chiến tranh" là một trong số ít những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh in lần đầu năm 1987 với tên Thân phận của tình yêu, được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991. Cuốn sách xoay quanh câu chuyện một người lính tên Kiên, đan xen giữa hiện tại hậu chiến với hai luồng hồi ức về chiến tranh và về mối tình đầu với cô bạn học tên Phương. Nhà văn Bảo Ninh đã miêu tả chiến tranh từ một góc độ khác, góc độ cá nhân, thân phận con người, đi sâu vào những nỗi niềm cá nhân, được các nhà phê bình trong và ngoài nước đánh giá là cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh xúc động nhất trong nền văn học thế giới.

Nỗi buồn chiến tranh” (The Sorrow of War) là một trong số ít những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới và được bạn đọc quốc tế nồng nhiệt đón nhận.

 Anh Thế