Nhà khoa học bức xúc vì bất ngờ có tên trong dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn

(Dân trí) - “Tôi không có làm! Không ai liên hệ với tôi và tôi cũng chẳng tham gia gì những chuyện này”. PGS An cho biết, trong cuộc đời làm khoa học lâu năm của mình, đây là lần đầu ông biết tới một câu chuyện “lạ lùng” làm ảnh hưởng đến nhà khoa học như vậy.

PGS.TSKH Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, ông thấy “lạ lùng” sau khi có thông tin về việc mình có tên trong danh sách những người thực hiện dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải.


PGS.TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nói về sự việc, trưa 21/7.

PGS.TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nói về sự việc, trưa 21/7.

Ngày 21/7, PGS.TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết, ông thực sự bức xúc khi tên mình có trong danh sách được cho là những người thực hiện bản “dự án nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1”.

Đây là dự án được lập bởi Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 và đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam.

PGS Nguyễn Tác An khẳng định: “Tôi không có làm! Không ai liên hệ với tôi và tôi cũng chẳng tham gia gì những chuyện này”. PGS An cho biết, trong cuộc đời làm khoa học lâu năm của mình, đây là lần đầu ông biết tới một câu chuyện “lạ lùng” làm ảnh hưởng đến nhà khoa học như vậy.

Theo PGS An, về nguyên tắc, nếu muốn mời một nhà khoa học tham gia thẩm định dự án thì đầu tiên phải có sự thỏa thuận với nhà khoa học đó để nắm rõ tên tuổi, nghề nghiệp, những công trình nghiên cứu… Sau thủ tục này thì mới được ghi tên nhà khoa học đó vào, còn nếu không được đồng ý thì thôi.

Cho biết quan điểm xử lý, PGS An nói rằng, mình còn phải chờ ý kiến của các cơ quan chức năng kiểm tra, thẩm định và việc xử lý như thế nào là thuộc trách nhiệm của những đơn vị có thẩm quyền.

Theo thông tin trên báo chí từ phía Công ty TNHH nhiệt điện Vĩnh Tân 1, danh sách các thành viên tham gia có PGS. TSKH Nguyễn Tác An là hồ sơ ban đầu, còn bản hồ sơ cuối cùng hiện được lưu giữ không có tên TSKH Nguyễn Tác An.

Chia sẻ về việc nhận chìm chất thải ở các nước trên thế giới, PGS Nguyễn Tác An cho biết, để việc nhận chìm không làm ảnh hưởng đến môi trường biển thì người ta phải đóng thùng, đóng hòm chì và thả xuống biển ở một độ sâu nhất định.

“Đặc biệt là không để nguồn thải ấy gây lại ô nhiễm thứ cấp, tức là gây ô nhiễm ra. Nó sẽ được đóng kín hết và chôn vùi cả đời ở đấy, không cách gì ra ngoài được và thả xuống độ sâu nhất định, rất tốn kém”, ông An cho biết.

Vậy ở các nước tiên tiến, người ta thường nhận chìm những gì? “Đó là nhận chìm vũ khí, chất thải hạt nhân, những cái này rất nguy hiểm phải đẩy xuống đại dương, độ sâu vài nghìn mét vì đại dương là môi trường vận động”, PGS Nguyễn Tác An cho hay.

Nói về việc nhận chìm chất thải ở biển Tuy Phong (Bình Thuận), ông An cho rằng, đó thực chất là “xả thải”.

“Ở mình nó không đúng khái niệm và nhận chìm phải có chỗ của nó, chứ không phải chỗ nào nhận chìm cũng được, rồi phải có thời gian của nó, chứ không phải thời gian nào cũng làm được, còn trong này chọn tháng 6 và tháng 9 là không đúng. Và nữa là, kỹ thuật nhận chìm phải có, bởi đây là tác động cơ học làm cho đáy biển cao lên, làm thay đổi địa hình”, ông An chia sẻ.

Khu vực biển được cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất tại Tuy Phong, Bình Thuận (Ảnh - Trúc Hà)
Khu vực biển được cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất tại Tuy Phong, Bình Thuận (Ảnh - Trúc Hà)

Trong một diễn biến liên quan, ngày 21/7, các chuyên gia đến từ Viện Hải dương học Nha Trang vẫn đang tiến hành quan trắc tại 12 điểm xung quanh khu vực được cho phép nhận chìm số vật chất là bùn, cát thu được từ quá trình nạo vét khu vực cảng của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Theo đó, việc khảo sát thực địa khu vực nhận chìm được thực hiện từ hôm 19/7.

Theo một chuyên gia, việc khảo sát này được thực hiện theo yêu cầu của Bộ TN&MT. Hiện công việc khảo sát đang được triển khai rất khẩn trương, trong đó có việc thu thập các đoạn video ở khu vực này. Dự kiến, khoảng hơn một tuần nữa, Viện Hải dương học sẽ có kết quả khảo sát này.

Trước đó, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Đề nghị này đã được Bộ Tài nguyên – Môi trường chấp thuận. Tổng diện tích được phép nhận chìm là 30ha mặt nước biển, nơi nhận chìm có độ sâu không quá 30m ở vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.

Theo đó, vật chất được phép nhận chìm có khối lượng gần 1 triệu m3 , bao gồm bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Viết Hảo