Nhà giàu Ý đua nhau bán siêu xe

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Ý được thể hiện khá rõ thông qua việc các siêu xe đang dần vắng bóng trên đường phố và tìm đường ra nước ngoài tìm chủ mới.

Nhà giàu Ý đua nhau bán siêu xe
Nguồn cung siêu xe đã qua sử dụng từ Ý đang dồi dào
 
Chính sách hạn chế tiêu dùng hàng cao cấp cùng với xu hướng cắt giảm chi tiêu đã đẩy nước Ý tiến sâu hơn vào cuộc suy thoái kinh tế lần thứ 4 kể từ năm 2001, khiến nhu cầu tiêu thụ xe thể thao và nhiều mặt hàng xa xỉ khác sụt giảm mạnh.

 

Lượng siêu xe đã qua sử dụng xuất khẩu từ Ý sang các nước đã tăng gần gấp 3 lên 13.633 chiếc trong 5 tháng đầu năm nay, từ mức 4.923 chiếc trước đó một năm, theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô nước ngoài tại Ý (Unrae).

 

“Ý là một trong những nước có nhiều siêu xe nhất thế giới, nhưng giờ đây, các siêu xe ngày càng vắng bóng trên đường phố,” ông Giuliano Noci, phó chủ nhiệm khoa của trường kinh doanh thuộc Đại học Bách khoa Milan, cho biết. “Việc này cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng.”

 

Dự báo tiêu thụ siêu xe và xe siêu sang tại Ý sẽ giảm 47% xuống còn 593 chiếc, so với mức 1.116 chiếc trong năm 2008, theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường ô tô IHS Automotive. Công ty này cũng dự báo doanh số tiêu thụ siêu xe tại Ý sẽ không thể trở lại mức trước thời khủng hoảng trước năm 2016.

 

Biện pháp mạnh

 

Chính phủ Ý đã áp dụng các biện pháp thắt chặt chi tiêu trong nước nhằm giải quyết khoản nợ công lên tới 1,9 nghìn tỉ euro. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ý đã sụt giảm 4 quý liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp tăng gần chạm mức kỷ lục 13 năm, trong khi tiêu dùng và sản lượng công nghiệp giảm mạnh.

 

Tình hình sụt giảm của thị trường đã khiến Fiat, tập đoàn lớn nhất của Ý, phải tạm thời ngừng rót vốn đầu tư. CEO Sergio Marchionne cho biết, tập đoàn này có thể sẽ đóng cửa thêm một nhà máy nữa, sau khi đã đóng cửa một nhà máy ở Sicily vào năm ngoái. Nhu cầu tiêu thụ siêu xe sụt giảm có thể khiến Fiat khó khăn hơn tại quê hương Ý và phải đẩy mạnh hoạt động ở các thị trường sôi động hơn, như Mỹ và Trung Quốc.

 

Fiat đang phải dựa vào các mẫu xe hạng sang, như Ferrari và Maserati, để bù đắp thua lỗ của các thương hiệu bình dân của tập đoàn ở châu Âu - 345 triệu euro trong 6 tháng đầu năm. Tổng lợi nhuận của Ferrari và Maserati cùng kỳ đạt 175 triệu euro, tương đương 12,2% doanh thu, cao hơn tỷ suất lợi nhuận 11,6% của BMW.

 

Ý không còn là mảnh đất màu mỡ của các hãng siêu xe sau khi Thủ tướng Mario Monti quyết định tăng thuế sở hữu xe tính năng vận hành cao nhằm góp phần cải tổ ngân sách quốc gia. Với mức thuế mới, chủ xe Lamborghini Aventador trị giá 316.000 euro phải trả khoảng 8.400 euro tiền thuế mỗi năm, tăng 6.600 euro so với trước đây.

 

Siêu xe “bỏ chạy”

 

Hiện tượng bán tháo xe sang và siêu xe ở Ý
 
Thêm một đòn mạnh nữa giáng xuống thị trường siêu xe Ý là chiến dịch thanh tra thuế, mà theo đó, chủ các siêu xe là một trong những đối tượng bị tập trung đầu tiên để kiểm tra nghĩa vụ thuế. Kể từ tháng 12 năm ngoái, cơ quan chức năng Ý đã tiến hành hàng chục vụ “đột kích” các khu nhà giàu, trong đó có khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Cortina d’Ampezzo và Portofino ở Riviera. Các cán bộ thuế đã chặn các chủ siêu xe lại để kiểm tra vấn đề gian lận thu nhập và thuế.

 

Tháng trước, tại khu vực gần Venice, cảnh sát thuế đã bắt giữ một người đàn ông 44 tuổi lái siêu xe Ferrari F40 về tội trốn thuế 8 triệu euro từ năm 2006. Trong cuộc “truy quét” hồi tháng 7 ở Bergamo, cảnh sát phát hiện tài xế của một chiếc Ferrari F131 trị giá 200.000 USD đã trốn thuế 3 triệu euro từ năm 2007.

 

“Nhiều chủ xe Ferrari muốn từ bỏ siêu xe sau khi cảnh sát tài chính tới một trong các sự kiện của chúng tôi diễn ra ở gần Rome và kiểm tra từng tài xế,” ông Fabio Barone, chủ tịch câu lạc bộ chủ xe Ferrari Passione Rossa, cho biết. Một thành viên của câu lạc bộ này đã rao bán chiếc Ferrari 458 Italia với giá 143.000 euro dù mới mua nó vào năm ngoái với giá 224.000 euro.

 

Ông Barone cho biết đã nhận được nhiều cuộc gọi từ các đại lý ô tô ở Pháp, Đức và một số nước Đông Âu hỏi mua siêu xe. Một số chủ xe thì chỉ đơn giản là rao bán trên mạng, một số khác bán qua dịch vụ kinh doanh xe cũ của Ferrari.

 

Không riêng Ferrari, mỗi tuần có khoảng 200 chiếc Porsche đã qua sử dụng được xuất khẩu từ Ý sang các nước châu Âu khác - ông Loris Casadei, giám đốc Volkswagen tại Ý cho biết. Lượng xe Porsche Cayenne đã qua sử dụng xuất khẩu khỏi Ý tăng hơn 3 lần lên 1.134 chiếc trong 5 tháng đầu năm nay. Cùng kỳ, lượng xe Ferrari và Maserati đã qua sử dụng rời khỏi nước Ý tăng từ 142 chiếc lên 424 chiếc, theo Unrae.

 

Tại Triển lãm ô tô Geneva hồi tháng 3 tại Thuỵ Sĩ, chủ tịch Luca Cordero di Montezemolo của Ferrari cho rằng, doanh số của Ferrari tại Ý bị ảnh hưởng nặng bởi chiến dịch “bài trừ nhà giàu”, nhưng nhu cầu ở các thị trường khác đối với các xe như FF, sẽ giúp hãng xe Ý này nâng doanh số lên hơn 7.000 chiếc trong năm nay.

 

Mặc dù ủng hộ cuộc chiến của chính phủ Ý chống nạn trốn thuế, nhưng ông Montezemolo không đồng tình với cách làm.

 

Chỉ có khoảng 5% doanh số của Ferrari đến từ Ý, còn lại là các thị trường nước ngoài.

 

Tuy nhiên, dù thế nào, chính sách của chính phủ Ý đối với siêu xe nói riêng và hàng cao cấp nói chung đang khiến các chủ siêu xe ở Ý không vui. Hồi tháng 6, hơn 40 thành viên của câu lạc bộ Passione Rossa đã bị cảnh sát kiểm tra ngay khi chuyến phà chở họ và xe vừa cập cảng Palermo để tham gia một sự kiện tối ở Sicily.

 

Nhật Minh

Theo Bloomberg