1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Người Việt dần phải xa "giấc mơ" mua xe giá rẻ!

(Dân trí) - Năm 2018, thuế nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam bằng 0%; Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xe có tỷ lệ nội địa hoá cao được kiến nghị giảm, người dân lại kỳ vọng về một tương lai gần mua được xe giá rẻ. Tuy nhiên, với những diễn biến chính sách gần đây, kỳ vọng trên có thể sẽ chỉ là giấc mơ xa vời.


Nhiều chính sách thuế đối với ô tô có thể sẽ khiến giá xe không giảm trong năm 2018

Nhiều chính sách thuế đối với ô tô có thể sẽ khiến giá xe không giảm trong năm 2018

Hưởng ưu đãi chán chê, đại gia ô tô bỏ lắp ráp đi nhập xe

Trên thị trường, giá xe dù giảm vài trăm triệu đồng hay vài chục triệu đồng, nhưng chủ yếu tập trung vào phân khúc xe giá tầm trung ngưỡng 1 tỷ đồng trở lên, xe dưới 800 triệu đồng giảm giá rất ít. Nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, xe 600 - 800 triệu đồng là mức giá lõi từ nay đến hết năm 2019, khó có thể giảm nhanh xuống được.

Trong khi đó, trong vòng 2 năm trở lại đây, nhiều tập đoàn ô tô có các nhà máy liên doanh lớn của Việt Nam đã chuyển nhanh một số sản phẩm sang nhập khẩu ở các thị trường họ đặt nhà máy.

Đơn cử như Honda đã chuyển hẳn từ lắp ráp dòng xe Civic thế hệ thứ 10 tại Vĩnh Phúc để nhập khẩu nguyên chiếc chính dòng xe này tại Thái Lan khiến tỉnh Vĩnh Phúc đã kêu cứu vì thất thu thuế do xe nhập khẩu.

Hay ông lớn Toyota đã chuyển hẳn từ lắp ráp dòng xe ăn khách Fortuner tại Việt Nam để chuyển sang nhập khẩu chính phiên bản đời mới của dòng xe này tại Thái Lan.

Ford cũng không ngoại trừ, từ chỗ lắp ráp dòng xe Everest tại Việt Nam, thương hiệu xe Mỹ này cũng đã chuyển sang nhập khẩu dòng xe này tại Thái Lan, cho dù dòng xe lắp ráp tiêu thụ trong nước vẫn tốt.

Mới đây, nhóm công tác của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, chi phí sản xuất ô tô của Việt Nam năm 2018 sẽ cao hơn Thái Lan, Indonesia 20%. Vì thế, theo nhiều chuyên gia về ngành ô tô, năm 2018 khi thuế nhập khẩu ô tô về Việt Nam từ ASEAN được xóa bỏ, chắc chắn các liên doanh sẽ chuyển lắp ráp sang nhập khẩu nếu không đòi hỏi được bảo hộ bằng cách này hay cách khác.

Trong một báo cáo mới đây, Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính nhiều cơ chế "ưu đãi" cho các đại gia ô tô tại Việt Nam. Nhưng trái lại, họ lại đưa ra nhiều đề nghị tăng thuế tiêu dùng đối với người mua xe. Một chỉ dấu cho thấy, người tiêu dùng và thị trường xe hơi đang trở thành "lá bài giữa một bàn lợi ích".

Ưu đãi DN, siết với người tiêu dùng, đừng mơ xe rẻ!?

Trong báo cáo đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển ngành sản xuất ô tô gửi Thủ tướng mới đây, Bộ Công Thương, Thay đổi giá tính thuế đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng đến 31/12/2022, theo hướng không tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng) nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, Bộ này kiến nghị Bộ Tài chính có giải pháp điều chỉnh tăng mức thuế đối với xe có dung tích xi lanh trên 2.5L trở lên, Thuế TTĐB đối với xe dung tích 2.5L bởi thuế TTĐB là loại thuế nội địa không chịu ràng buộc của các cam kết quốc tế. Hiện ở Việt Nam, mức thuế TTĐB đối với xe con dưới 9 chỗ ngồi trở xuống dung tích xi lanh 2.5L là 55%.

Ngoài ra, một kiến nghị nữa là Bộ Công Thương yêu cầu gia hạn thời gian có hiệu lực đối với mức thuế áp cho xe có dung tích xi lanh dưới 1.5L đến ngày 31/12/2022.

Theo Luật 106/2016/QH13 - Luật sửa đổi một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Thuế giá trị gia tăng được Quốc hội thông qua năm 2016 và có hiệu lực ngày 1/7/2016, xe 9 chỗ dung tích xi lanh dưới 1.5L được áp dụng Thuế TTĐB ở mức 40% từ 1/7/2016 đến hết năm 2017 và về mức 35% từ năm 2018 trở đi.

Với kiến nghị trên của Bộ Công Thương, nếu được thông qua, xe ô tô dung tích 1.5L sẽ mất 4 năm nữa mới được giảm thuế TTĐB từ mức 40% hiện nay, xuống 35% như trong Luật 106 nói trên. Đồng thời, chắc chắn Luật thuế 106 sẽ phải sửa đổi, bổ sung.

Ngoài ra, trong báo cáo trên, Bộ Công Thương cũng xây dựng kịch bản để Chính phủ, Bộ Tài chính đánh thuế nhập khẩu và thuế TTĐB đối với dòng xe bán tải (pick up) nhập từ Thái Lan cao ngang với thuế đối với xe con 9 chỗ ngồi trở xuống. Lý do được cho là để ngăn chặn dòng xe vốn được Việt Nam ưu tiên về thuế nhập khẩu và thuế TTĐB thấp nhập khẩu ồ ạt, gây lũng đoạn thị trường xe trong nước. Điều này khiến cho cơ hội mua xe bán tải, xe đa dụng này để phục vụ mục đích chuyên chở hàng hóa tại các vùng nông thôn khó khăn hơn.

Nguyễn Tuyền