Người phụ nữ mang cơ thể mình đi làm từ thiện

Ba tháng sau ngày hiến tặng một quả thận để cứu sống một người mà mình không quen biết, bà Lê Thị Thảo, 56 tuổi, trú tại Thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh vẫn mạnh khỏe bình thường. Không chỉ hiến tạng khi còn sống mà bà Thảo đã đăng ký hiến toàn bộ cơ thể mình sau khi chết.

Thế nên giờ đây, hễ cứ đi ra đường là bà lại đeo lủng lẳng trước ngực một chiếc thẻ gọi là "Thẻ đăng ký hiến tặng mô tạng". Bà bảo, phải coi nó là vật bất ly thân vì ngộ nhỡ chẳng may ra đường mình bị tai nạn chết thì người ta còn biết mà lấy cái cơ thể đó cho khoa học cứu người.

Lúc chúng tôi tìm đến nhà cũng là lúc bà Thảo "cưỡi" chiếc xe Wave cũ từ chùa về. Gặp khách bà mau mắn khoe: "Hôm nay lễ Vu lan nên tôi lên chùa cầu an cho cha mẹ". Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, linh hoạt của bà Thảo, khó có thể tin rằng cách đây 3 tháng bà đã cho đi một bên thận để cứu sống một mạng người.

Chúng tôi thực sự rất bất ngờ, bởi một người đậm chất nông dân như bà lại có được tư tưởng rất thông trong việc hiến tạng. Bà chia sẻ: "Hiến tạng không nguy hiểm và đáng sợ như nhiều người vẫn tưởng đâu. Cô chú nhìn thấy tôi là biết đúng không. Tôi thấy mình chả khác gì so với khi còn 2 quả thận. Nói thật, lúc đầu tôi định để khi chết đi mới hiến toàn bộ cơ thể mình cho khoa học nhưng nghĩ đợi chết thì biết đến bao giờ, nên tôi tìm hiểu các tài liệu, sách báo thấy họ nói người sống cũng có thể hiến được các bộ phận cơ thể như: thận, gan, da… Tôi đăng ký hiến hết cả rồi. Khi nào cần bệnh viện sẽ lại gọi".

Người phụ nữ mang cơ thể mình đi làm từ thiện - 1

Không có tiền thì mang chính thân thể mình đi làm từ thiện

Hỏi nguyên do từ đâu mà bà lại có ý định đem cơ thể mình đi làm từ thiện thì bà Thảo vui vẻ kể: "Cũng là do tôi đi học "pháp". Học cái đó sẽ ngộ ra rằng cơ thể này là do cha mẹ cho, nó chỉ là phù du mà thôi".

Ban đầu, khi chưa hiểu nhiều, bà Thảo chỉ nghĩ sau này khi chết đi bà sẽ hiến giác mạc và toàn bộ cơ thể mình cho khoa học. Nhưng trong một lần được đi dự Hội nghị tập huấn về sức khỏe cộng đồng về hiến mô tạng ở Hải Phòng, bà Thảo được người ta phát cho một tập tài liệu để tìm hiểu. Ngay tại hội nghị ấy bà đã tranh thủ đọc hết tài liệu và biết được rằng, không phải đợi đến khi chết mới có thể hiến mô tạng. Không chần chừ bà Thảo đến ban tổ chức đăng ký sẽ hiến thận, gan và da.

Sau Hội nghị đó, bà Thảo đã xuống Bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra sức khỏe xem mình có đủ điều kiện để hiến thận hay không. Bà Thảo tâm sự: "Xuống đó, tôi tận mắt chứng kiến một trường hợp em trai bị suy thận giai đoạn cuối, cần được cho thận trong khi đó anh trai được xét nghiệm ra kết quả rất phù hợp nhưng chị dâu nhất định không cho, vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Một trường hợp khác nữa là chị gái bị suy gan, em gái đồng ý hiến gan cho chị nhưng chồng của cô em gái cũng nhất quyết không cho. Nhìn cảnh người thân của họ bất lực chịu chết mà tôi không cầm được lòng. Giá mà họ cũng hiểu cho những bộ phận ấy sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến cơ thể thì chắc họ đã hành động khác rồi". Nhìn cảnh tượng đáng thương ấy, bà Thảo đã ước, giá như mình có nhiều quả thận hơn, nhiều lá gan hơn để cứu sống những người đang mắc bệnh hiểm nghèo.

 

Người phụ nữ mang cơ thể mình đi làm từ thiện - 2

Tấm thẻ đăng ký hiến mô tạng được bà Thảo xem như vật bất ly thân.

Kể từ lần đầu tiên cho tới khi bà Thảo chính thức lên bàn mổ để cắt một quả thận của mình cho người khác cũng ngốn gần nửa năm trời. Trải qua biết bao lần xét nghiệm sức khỏe bà mới được bác sĩ quyết định mổ lấy thận. Trước đó, bà đã chia sẻ tâm nguyện của mình với một bác sĩ trực tiếp làm các xét nghiệm cho bà, rằng bà chỉ muốn tặng thận của mình tới người nào đó nghèo khó. Và bà cũng muốn biết rõ danh tính của người đó chỉ để tránh có sự "mua bán". Bà Thảo muốn biết họ nhưng nhất định nói với bác sĩ không cho người nhận biết mình là ai, ở đâu vì bà không muốn nhận sự hàm ơn của họ.

Quãng thời gian làm các thủ tục xét nghiệm cho thận, bà Thảo thường tự mình "cưỡi" chiếc xe cũ kỹ già từ Bắc Ninh xuống Hà Nội. Mỗi lần như vậy bà Thảo phải nói dối chồng, con là đi học làm cây cảnh ở Hoài Đức. "Khi biết ý định này của tôi thì chỉ có 2 cô con gái là ủng hộ, là vì chúng cũng học "pháp" như tôi nên hiểu. Riêng chồng tôi và con trai út là phản đối kịch liệt. Họ sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi sau này".

Ngày lên bàn mổ cắt thận bà Thảo cũng chỉ một mình. Đến khi ký vào giấy đăng ký tự nguyện hiến thận bà bị gặp trục trặc. Bác sĩ bảo, nếu không có chồng hoặc con cái đại diện ký vào tờ đơn đó thì sẽ không một ai dám đụng vào cơ thể bà. Lúc đó bí quá, bà Thảo đành phải gọi điện cho con gái thứ 2, nói là xuống Hà Nội gấp mẹ có việc nhờ. Xuống tới bệnh viện, con gái bà mới hay biết là hôm nay mẹ lên bàn mổ. Khi được con gái ký vào tờ đơn, bà lại "dọa" phủ đầu con: "Cấm mày nói cho bất cứ ai chuyện mẹ hôm nay làm phẫu thuật nhé!".

Con gái bà vì sợ mẹ giận nên cũng đành im lặng. Bà Thảo kể lại: "Thấy tôi mấy hôm không về, ông nhà tôi sốt ruột nên gọi điện cuống lên. Tôi nghe điện thoại bảo đang học trồng cây. Mấy người giường bên cạnh biết chuyện cũng nói thêm vào: "Bà ấy đang trồng cây, không bị bắt cóc đâu mà lo". Lúc đó ông nhà tôi mới tin".

Những ngày đầu từ bệnh viện trở về, bà Thảo không đi thẳng được mà cứ phải lom khom nên chồng bà sinh nghi. Ông tra vấn bà có đúng là vừa đi hiến thận không, cuối cùng bà phải thừa nhận. Ông xót bà nhưng lại bị đặt trong sự đã rồi nên cũng đành "ngậm bồ hòn làm ngọt".

Ngồi cạnh vợ, ông Hiển kể: "Lúc biết bà ấy làm thế tôi bực lắm. Nghĩ đang khỏe mạnh bình thường tự nhiên cắt một phần cơ thể của mình cho người khác. Ví là anh em trong gia đình đã đành, đằng này lại là người dưng nên tôi càng nghĩ càng không hiểu nổi. Sau bà ấy cứ tỉ tê giải thích tôi cũng thấy có lý nên thôi".

Không chỉ có hiến thận mà bà Thảo đã đăng ký hiến tất cả những gì có thể hiến như: gan, da khi còn sống để từ thiện giúp người. Bà cũng đã đăng ký hiến toàn bộ cơ thể mình nếu sau này nhắm mắt xuôi tay. Vừa nói bà vừa hào hứng khoe chiếc "Thẻ đăng ký hiến mô tạng" đang đeo trước ngực: "Đây này, từ khi được cấp chiếc thẻ này, hễ cứ đi đâu ra khỏi nhà mà xa xa một chút là tôi đều phải mang theo. Nói dại mồm, nhỡ mình chẳng may bị tai nạn không qua khỏi, nhìn thấy cái thẻ này thì người ta mới biết mà lấy cơ thể của mình chứ".

Nghe bà Thảo nói về cái sự chẳng may "ra đi" của mình mà chúng tôi không khỏi rùng mình. Cái cách bà nói thì chuyện sống hay thác nó đã không còn quá quan trọng mà quan trọng ở chỗ mình đã thực sự sống có ý nghĩa hay chưa.

Người phụ nữ mang cơ thể mình đi làm từ thiện - 3

Bị vợ đưa vào thế đã rồi nên ông Hiển cũng không thể làm gì khác.

Hằng ngày, bà Thảo ở nhà ươm cây cảnh. Dắt chúng tôi đi xem những chậu hoa, cây cảnh của mình, bà Thảo khoe: "Mang tiếng là ươm nhưng có mấy khi bán đâu. Cứ người thân đến nói thích cây nào là lại cho họ cây ấy đem về trồng. Tính tôi nó thế mà!".

Bà Thảo quan niệm, có nhiều cách để làm từ thiện. Với những người giàu, có lòng hảo tâm họ sẽ mang tiền để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Còn bà, hoàn cảnh kinh tế chả dư dật gì nên bà sẽ mang chính cơ thể của mình để làm từ thiện.

Khi được hỏi về ước nguyện của mình thì bà Thảo tâm sự: "Tôi chỉ muốn mọi người hiểu rằng, hiến tạng lúc còn sống thực sự là một việc làm rất có ý nghĩa và nó không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người hiến đâu. Bản thân tôi thấy sức khỏe của mình không hề giảm sút chút nào so với khi vẫn còn hai quả thận".

Thiếu tướng, GS-TS Lê Trung Hải, Cục phó Cục Quân y, Bộ Quốc phòng cho biết: "Ở nước ta, vấn đề hiến tạng thì nguồn cung là khó nhất bởi nó vấp phải rào cản. Kể cả việc hiến tạng của người đã chết não cũng gặp rất nhiều khó khăn vì quan niệm của hầu hết người Việt Nam là chết cũng phải chết toàn thây. Còn ở nước ngoài, việc hiến tạng trở nên khá phổ biến. Nhiều nước trên thế giới nếu người nào đó chết não mà có thẻ cấm không được lấy tạng thì phải chịu chứ nếu không có thẻ thì bệnh viện được lấy vô tư như một sự mặc nhiên.

Một người chết não có thể cung cấp được rất nhiều nguồn cho nhiều nhu cầu khác nhau như: tim, gan, thận, giác mạc… Trên thực tế, chúng ta có bao nhiêu bệnh nhân sơ gan, bao nhiêu bệnh nhân suy thận, suy tim đang phải chờ đợi. Nhưng trong quá trình chờ đợi ấy, nhiều bệnh nhân đã "rơi rụng" dần.

Hiến tạng thực sự là một nghĩa cử rất đẹp giữa con người với con người. Vì vậy nó rất cần được tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông để mọi người hiểu hơn về vấn đề này".

 

Theo Phong Anh

Công an Nhân dân