Nghĩ suy qua một chuyến về thăm quê hương (Kỳ 1)

(Dân trí) - Bài viết dưới đây của nhà giáo Nguyễn Huỳnh Mai, một kiều bào trí thức định cư tại Bỉ nhưng luôn nặng lòng với quê hương, người đã có nhiều bài viết về các chủ đề liên quan với giáo dục trên Diễn đàn Dân trí.

Vừa qua, có dịp về thăm Tổ quốc và sau khi trở lại Bỉ, bà gửi cho Dân trí bài viết này nói lên những suy nghĩ của mình qua những điều mắt thấy tai nghe…

 

Dân trí xin giới thiệu bài viết đăng hai kỳ của tác giả Nguyễn Huỳnh Mai:

 

Từ châu Âu trở về thăm Tổ quốc, tôi thấy lòng mình ấm lại trước tình cảm quê hương đằm thắm. Tôi rất vui khi thấy đời sống ở quê nhà cũng như đất nước đã có bước phát triển dài, nhưng cũng không khỏi nghĩ suy về những mặt trái cùng tồn tại với sự phát triển…

 

Với ước vọng tìm lại nhịp sống và hơi thở của quê mẹ, cả nhà tôi “cơm ghe bè bạn” gói hành trang lên đường về thăm Tổ quốc vào tháng Tư vừa qua. Trong gần ba tuần chúng tôi rảo từ quê ra thành thị, từ Nam ra Bắc.

 

Đời sống ở đồng quê bây giờ quả là không thiếu thốn gì. Có điện, có điện thoại, có internet. Lại rất thân thiện với môi trường: nhà nào cũng có giếng nước, có máy bơm lên bồn gác trên cao để có áp suất cho nước chảy đi phân phối cả bếp và phòng tắm.

 

Cách đây hơn nửa thế kỷ, lúc sống ở đây, tôi còn phải xài đèn dầu và hàng ngày mẹ tôi phải xách nước mưa chứa vào cái lu sành trong nhà tắm dùng cho tất cả mọi người.  

 

Đấy là nông thôn, còn ở chốn đô thị thì sao?

 

Mấy chục năm qua, quá trình đô thị hóa tiến nhanh, rất nhanh. Cái kiểu nói lẩy “ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao ... ”giờ chắc không còn ai thích nữa.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Giới trẻ ở thôn quê đổ xô lên thành thị, như thể bị lôi cuốn bởi ánh sáng và sự nhộn nhịp của phố phường.

 

TPHCM có gần mười triệu dân, Hà Nội tám triệu. Cao ốc mọc lên như nấm sau mưa. Người Sài Gòn và Hà Nội hãnh diện về bộ mặt hiện đại của thành phố. Nhưng đô thị hóa quá nhanh, quá rộng cũng lôi theo những hệ lụy của nó.

 

Paris cũng mười triệu dân dân, Seoul còn gấp đôi con số ấy. Nhưng Paris và Seoul có nhiều không gian cổ kính và không gian xanh, lại có hệ thống xe điện ngầm tốt... 

 

Chúng tôi ở Sài Gòn mấy ngày, ra Đà Nẵng rồi ra Hà Nội. Mỗi ngày tìm cách ghi nhận, nghe thấy nhiều chừng nào tốt chừng ấy những gì mình có thể ghi nhận được của quê nhà, vì cũng không biết bao giờ mới trở về thăm lại lần nữa. Dưới đây là một số quan sát của chúng tôi, về vật chất cũng như về tâm linh hay tình người ở những đô thị.

 

Ô nhiễm môi trường

 

Tiếng ồn

 

Mang một máy đo décibel ra đường ban ngày ở các thành phố lớn trong nước, máy sẽ chỉ 50-60 décibel. Quá tải của giao thông không cần phải nói nữa. Các cao ốc trong thành phố tạo ra những “thung lũng” với đường xe chạy ở giữa, không cho phép tiếng ồn loãng ra. Khoa học chấp nhận ngưỡng ồn 50-60 décibel này - nó chưa đến nỗi gây điếc, nhưng điếc hay không là còn tùy thuộc thời gian chịu ồn và độ nhạy cảm của từng cá nhân.

 

Xin nói thêm rằng ở độ ồn đó, thông thường con người không ngủ được hay chỉ chập chờn giấc ngủ nông (stade 2) chứ không ngủ sâu được (stade 3-4 và REM sleep). Mà không ngủ sâu thì không tái tạo được sức lực, sẽ bất lợi cho khả năng lao động, không ngủ REM, không mơ,  nhất là nơi các em nhỏ, thì không phát triển tốt bộ não, người lớn thì không bớt mệt tinh thần ...

 

Cũng may là ban đêm, tiếng ồn giảm đi. Nhưng đêm ở các thành phố ta ngắn (từ 11 giờ tối đến 5 giờ sáng).

 

Rác và nước
 
Bất cứ đâu ở Việt Nam, rác là một ấn tượng đập vào mắt người ta: trước cửa nhà, sau hè, bên cạnh các hàng quán ở chợ, trong công viên, trên đường và nhất là trên các kênh rạch. Con người, từ lớn đến bé, có vẻ như quen với rác và “sống chung hòa bình” với chúng, quen chịu đựng, không tưởng tượng rằng đấy là những nguồn của bệnh tật.
 
Nghĩ suy qua một chuyến về thăm quê hương (Kỳ 1) - 1

Phải chăng đúng như tác giả viết: ở Việt Nam rác và người "sống chung hòa bình".
(Ảnh: www.tin247.com)

 

Một số kênh rạch ở TPHCM chẳng hạn, rõ ràng trở thành những cống rãnh lộ thiên, nước đen ngòm và bốc mùi khó chịu. Khi trời mưa, trẻ con và người lớn đi như lội trong nước, nước mưa và nước cống, nước này tràn ngập vào các nhà lân cận...

 

Thậm chí ta có thể nói rác và nước dơ chỉ vắng bóng trong các cơ ngơi cao cấp nhà nước và trong các khách sạn 5 sao !

 

Không khí
 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư viết về cái thiếu thốn vòm trời ở các thành phố lớn trong nước (Trời ở nơi nào ta ở đây). Khói xe, khói của các cơ sở sản xuất tiểu công nghệ, bụi đường phố... làm thành một hỗn hợp khó ... ngửi. Thảo nào nhiều người đeo khẩu trang ra ngoài đường. Lại không có nhiều công viên - khoảng xanh cần thiết cho mắt, cho tinh thần và cần cho buồng phổi nữa.

 

Bất cứ nhà dịch tễ học nào đến Việt Nam cũng phải tự hỏi: không biết hệ miễn dịch của dân ta giỏi thế nào mà chúng ta đã không bị những đợt dịch bệnh lớn hoành hành ...

 

Chúng ta đang rất cần nâng cao hiểu biết về vệ sinh cho quảng đại quần chúng, chẳng những để ngừa những dịch bệnh có thể, mà còn để nâng cao chất lượng sống của người dân.

 

Sống hay sống còn?

 

Nhìn những người tham gia giao thông ngoài phố, len lỏi, chèn nhau để đi, đăm chiêu canh chừng phía trái phía phải, bóp còi inh ỏi... làm ta nghĩ là họ đang vật lộn với cuộc sống để tồn tại. Chẳng lẽ “chiến tranh kinh tế” còn nặng nề hơn “chiến tranh quân sự”? Độc lập thống nhất từ hơn ba mươi năm nay, nhưng hòa bình và yên ổn tinh thần chưa thật sự trở thành cuộc sống hằng ngày của người dân. Dân ta chưa thoải mái trong cuộc sống, nhất là lúc đi ra đường.
 
Nghĩ suy qua một chuyến về thăm quê hương (Kỳ 1) - 2

Ta thường nghe nói về “văn hóa giao thông”, đề ra những biện pháp khắc phục
 nhưng xem ra chưa đem lại hiệu quả bao nhiêu.(Ảnh: www.tin247.com)

 

Sau mỗi buổi đi dạo phố, tôi lại hú hồn trở về khách sạn, mừng vì mình chưa bị xe chẹt chết! Cái len lỏi vô trật tự của giao thông có thể là kết quả của nhiều yếu tố: chẳng những vì đường hẹp, xe đông mà còn là do thói quen của thời bao cấp phải bươn chải vật lộn để sống.
 
Kèm theo đó, cái kiểu kẻ mạnh "ức hiếp" kẻ yếu là cách đối xử thời phong kiến, tiền công nghiệp. Cái khổ là ta đang ở thời hội nhập công nghiệp, chắc là phải mau mau thích ứng với thời đại, giữ trật tự các luồng giao thông, tuyệt đối dừng lại ở đèn đỏ, tôn trọng người đi bộ, không bóp còi inh ỏi, làm ô nhiễm tiếng ồn...

 

Những bất ổn trong giao thông cũng có nguồn gốc từ nhiều khía cạnh của quy hoạch thiếu tầm nhìn: cho phép xây dựng nhiều cao ốc, mở mang đô thị tức là tăng dân số nhưng không dự trù hạ tầng, thiếu đường và chỗ đỗ xe. Nhất là trong một viễn cảnh phát triển, lợi tức dân chúng càng ngày càng cao thì số xe tăng lên là một điều tiên đoán được.
 
Nhiều vỉa hè bây giờ thành chỗ đậu xe và người đi bộ phải chen lấn với xe cộ trong lòng đường. Ở đây, người dân cũng phải bươn chải để không “bị dòng xe lôi đi, “chết đuối” trong dòng xe ấy” - một cách “sống còn” -  lâu dần thành thói quen. Trong nước, ta thường nghe nói về “văn hóa giao thông”, đề ra những biện pháp khắc phục nhưng xem ra chưa đem lại hiệu quả bao nhiêu.
  
(Còn nữa)

                                                       Nguyễn Huỳnh Mai
 (Liège, Bỉ)