1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ - Nga lại căng vì Syria

Washington thúc giục Damascus chấm dứt ngay lập tức các cuộc không kích xuống TP Aleppo.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến TP Geneva - Thụy Sĩ hội đàm về tình hình Syria với các ngoại trưởng Jordan và Ả Rập Saudi cũng như đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria Staffan de Mistura trong 2 ngày 1 và 2-5. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cuộc hội đàm của ông Kerry tập trung vào nỗ lực củng cố thỏa thuận ngừng bắn khắp Syria.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết ưu tiên hàng đầu của ông Kerry trong chuyến đi là chấm dứt bạo lực ở TP Aleppo và duy trì thỏa thuận chấm dứt hành động thù địch trên toàn lãnh thổ Syria. Đồng thời, theo đài VOA, nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ bày tỏ nỗi quan ngại trước việc lực lượng chính phủ Syria tiếp tục leo thang cuộc xung đột.

“Chúng tôi đang điều nghiên các sáng kiến cụ thể để giảm những hoạt động chiến sự và xuống thang căng thẳng, đồng thời hy vọng đạt được tiến bộ trong việc thực hiện các sáng kiến này trong thời gian sắp tới” - hãng tin RIA Novosti trích dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ sau khi diễn ra cuộc điện đàm hôm 30-4 giữa ông Kerry, ông de Mistura và nhà điều phối chính của phe đối lập Syria Riyad Hijab.

Theo đó, Ngoại trưởng Mỹ cam kết sẽ tiếp tục làm việc với Nhóm Hỗ trợ Syria Quốc tế về việc khôi phục chế độ ngừng bắn ở phạm vi trên toàn đất nước này, chấm dứt sự cản trở hoạt động đưa hàng viện trợ nhân đạo đến với những người có nhu cầu cũng như đạt được tiến bộ nhất định về giai đoạn chuyển tiếp chính trị ở Syria.

Cảnh tượng đổ nát sau một vụ không kích ở ngoại ô Aleppo hôm 30-4. Ảnh: REUTERS
Cảnh tượng đổ nát sau một vụ không kích ở ngoại ô Aleppo hôm 30-4. Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, cũng theo thông báo trên, Washington kêu gọi Moscow áp dụng các biện pháp để Tổng thống Syria Bashar al-Assad dừng vi phạm chế độ ngừng bắn, đặc biệt là các vụ không kích xuống Aleppo.

Theo Reuters, quân đội Syria hôm 30-4 tiến hành khoảng 30 vụ không kích xuống các khu vực do quân nổi dậy chiếm đóng ở Aleppo khiến ít nhất 5 người thiệt mạng. Đây là ngày thứ 9 Aleppo bị ném bom, làm chết gần 250 người. Washington cho rằng hành động vi phạm thỏa thuận ngừng bắn này cần phải chấm dứt ngay.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov tuyên bố Moscow không có ý định yêu cầu Damascus ngừng các hoạt động chiến sự ở Aleppo vì ở đó đang diễn ra cuộc chiến chống khủng bố.

“Tôi có thể nói điều duy nhất rằng tình hình ở Aleppo đang được quân đội Nga và Mỹ trao đổi hằng ngày. Điểm đặc biệt ở đây là các tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bện chặt với các nhóm vũ trang khác. Khi không kích xuống khu vực đó, mục đích của chúng tôi là tiêu diệt IS, còn nhiệm vụ của phe đối lập là tránh đi và không cản trở các hoạt động này” - hãng tin Interfax trích dẫn phát biểu của ông Gatilov.

Ông Gatilov cũng nhấn mạnh rằng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã xác định rõ ràng cuộc chiến chống khủng bố vẫn tiếp tục, chế độ ngừng bắn không được áp dụng cho các nhóm khủng bố. Vì thế, theo ông, tình hình ở Aleppo thuộc phạm vi cuộc chiến nhằm vào mối đe dọa khủng bố.

Báo Vzglyad xác nhận chính Mỹ cũng từng lo ngại về sự pha trộn giữa các lực lượng đối lập và khủng bố ở khu vực Aleppo - thực trạng gây khó khăn cho cuộc chiến chống khủng bố.

Tương lai chính trị của ông Assad là vấn đề gây chia rẽ khác lúc này. Trả lời phỏng vấn báo Welt am Sonntag hôm 30-4, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố quan điểm của Đức là đất nước Syria trong tương lai gần không thể không có Tổng thống Assad.

Theo ông Steinmeier, cuộc đàm phán ở Geneva không hề đề cập chuyện thay thế ông Assad một cách nhanh chóng và trực tiếp mà nói về việc thành lập chính phủ chuyển tiếp hiệu quả - có mặt đại diện của cả phe đối lập và chế độ Assad.

Tuy nhiên, nhân vật đứng đầu Liên minh Dân tộc Syria đối lập, ông Anas al-Abdeh, cho rằng giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria khó có triển vọng thành công trừ khi cộng đồng quốc tế hành động nhanh chóng gây áp lực lên chế độ Assad.

Iraq: Khủng hoảng chính trị đe dọa cuộc chiến chống IS

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ngày 1-5 đã ra lệnh bắt giữ và đưa ra xét xử những người biểu tình tấn công lực lượng an ninh, các nghị sĩ và phá hoại tài sản quốc gia.

Lệnh trên được đưa ra sau khi hàng trăm người ủng hộ giáo sĩ dòng Shiite Muqtada al-Sadr hôm 30-4 đã đập phá tường và xông vào tòa nhà quốc hội trong vụ việc làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị âm ỉ lâu nay.

Các đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy 2 nghị sĩ Iraq bị một nhóm nam thanh niên vây quanh và tát khi cố thoát khỏi đám đông, trong khi những người biểu tình khác bám theo đoàn xe hộ tống các quan chức. Một số người còn nhảy lên bàn họp, trên ghế và vẫy cờ Iraq.

Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại thủ đô Baghdad theo sau hành động quá khích của người biểu tình.

Theo đài BBC, đến cuối ngày 30-4 (giờ địa phương), những người biểu tình rời khỏi quốc hội nhưng vẫn tụ tập tại một quảng trường gần đó. Sang ngày 1-5, những người biểu tình tuyên bố sẽ tiếp tục trụ lại cho đến khi các bộ trưởng được thay thế bằng những nhà kỹ trị phi đảng phái - điều mà những đảng lớn trong quốc hội đến giờ vẫn chưa đáp ứng.

Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua đã cản trở Baghdad đối phó hiệu quả với IS đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ ở miền Bắc và Tây của đất nước cũng như tìm lời giải cho bài toán tài chính kể từ khi giá dầu sụt giảm mạnh.

Xuân Mai

Theo Lục San

Người Lao động