Mưa lũ miền Trung: 24 người chết và mất tích

(Dân trí) - Theo báo cáo của Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên sáng 9/11, đã có 22 người chết, 2 người mất tích, 2 người bị thương do mưa lũ.

Trong đó, Thừa Thiên Huế: 1 người chết, 1 người bị thương; Đà Nẵng: 3 người chết; Quảng Nam: 17 người chết, 1 người mất tích, 1 người bị thương; Quảng Ngãi: 1 người chết, Bình Định: 1 người mất tích.

Tổng số nhà bị sập, hư hại: 33 cái; tổng diện tích lúa bị ngập, hư hại: 659 ha; tổng diện tích hoa màu bị ngập, hư hại: 2.852,5 ha.

Nhiều tuyến đường nội thị TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) ngập bình quân từ 0,7-1,2m. Các đường liên xã dọc theo triền sông Ô Lâu ngập bình quân 0,8-1,2 m. Các đường liên xã dọc theo triền sông Bồ huyện Quảng Điền một số đoạn ngập từ 0,3 - 0,6m, thuộc huyện Hương Trà một số đoạn ngập từ 1,5 - 2,0m. Một số đoạn các đường liên xã dọc theo triền sông Hương thuộc huyện Phú Vang ngập từ 0,9 - 1,5 m, thuộc thành phố Huế ngập từ 0,4 - 1,7 m, thuộc Hương Thuỷ ngập từ 0,8 - 1,8 m... Các tuyến TL6, TL17, TL4, TL4B, TL8A, TL8B ngập cục bộ nhiều đoạn từ 0,5-1,2 m; TL1, TL2, TL3, TL10A ngập trung bình từ 0,3-0,7m. Đường sắt tại Văn Xá bị ngập 30-50cm.

Mưa lũ miền Trung: 24 người chết và mất tích - 1

Mưa lũ khiến miền Trung chịu nhiều thiệt hại về người

Tại tỉnh Quảng Nam, đường Hồ Chí Minh tại đèo Lò Xo đi qua địa phận các huyện Phước SơnTây Giang, Đông Giang có nhiều điểm sạt lở lớn với khối lượng hàng ngàn m3 đất đá, gây ách tắc giao thông ngày 7/11. Quốc lộ 1A bị ngập nhiều vị trí trên địa phận huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, gây gián đoạn giao thông từ đêm 7/11 đến sáng 8/11. Các tuyến ĐT 604, 608, 609, 609B, 610B, 611 có nhiều đoạn ngập sâu trên 1,5m, gây gián đoạn giao thông. Đặc biệt tuyến ĐT 616 đi Nam Trà My bị ngập sâu tại ngầm Sông Trường, gây cô lập hoàn toàn huyện Nam Trà My. Đường Nam Quảng Nam qua địa phận huyện Nam Trà My sạt lở nặng với khối lượng đất đá khoảng 15.000m3. Các tuyến huyện lộ, liên xã, liên thôn thuộc các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn bị sạt lở nặng, gây ách tắc giao thông nhiều vị trí.

Mưa lũ cũng đã khiến cho hơn 36.000 ngôi nhà của tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập. Thành phố Đà Nẵng có 24 xã, phường bị ngập. Quảng Nam có khoảng 73.060 nhà bị ngập.

Ngày 8/11, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Đêm 8/11, rạng sáng ngày 9/11, các tỉnh Quảng Bình đến Quảng Nam mưa đã giảm. Lũ các sông từ Quảng Bình đến Bình Định đã đạt đỉnh và đang xuống chậm. Theo dự báo, lũ tiếp tục xuống và dao động ở mức từ BĐ1 đến BĐ2, riêng hạ lưu sông Thu Bồn dao động ở mức trên BĐ2 đến dưới BĐ3.

Cũng theo báo cáo của Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên, mưa lũ tại TP Đà Nẵng đã khiến 3 tàu bị chìm, 3 tàu bị đứt cáp trôi dạt.
Cụ thể, tàu kéo Xuân Chiểu 01 của ông Nguyễn Văn Quỳnh (SN 1974), thường  trú tại Ngũ hành Sơn bị chìm tại khu vực Bãi Nam núi Sơn Trà (gần trạm BP Công trình 15). Tàu cá ĐNa 40135 của ông Nguyễn Lộc (SN 1965), thường trú tổ 16A, Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng bị chìm tại khu vực Bãi Nam núi Sơn Trà (gần trạm BP Công trình 15). Hiện chủ tàu đã trục vớt.

Tàu cá ĐNa 0172, hoạt động nghề hút cát của ông Võ Văn Trung (SN 1973), thường trú tổ 48, Khuê trung, Cẩm Lệ, Đà Nẵng bị chìm tại khu vực thi công cầu Rồng.
Tàu cá ĐNa 0653, hoạt động nghề hút cát của ông Võ Văn Quân (SN 1976), thường trú tổ 48, Khuê trung, Cẩm Lệ, Đà Nẵng bị trôi dạt tại khu vực thi công cầu Rồng. Hai tàu cá BĐ 90590 và BĐ 96291 đứt cáp neo trôi trên sông Hàn.
Ngay sau đó, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã điều động 1 tàu, 1 ca nô và trưng dụng 1 tàu kéo đang thi công cầu Rồng cứu kéo được tàu ĐNa 0653, BĐ 90590 và BĐ 96291 an toàn. Rất may, không có thiệt hại về người.

Ngày 9/11, dù trời đã ngớt mưa song trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều điểm ngập sâu. Hàng trăm khu dân cư với hàng chục nghìn ngôi nhà, trụ sở, trường học vẫn chìm trong nước lũ.

 

Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Nam, đến ngày hôm nay đã có 15 người chết và mất tích do lũ, hàng loạt các công trình giao thông, thủy lợi bị hư hại nghiêm trọng. Giao thông lên các huyện vùng cao Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang vẫn còn bị chia cắt nhiều điểm.

 

Mưa lũ miền Trung: 24 người chết và mất tích - 2
(Ảnh: Ô Châu)


Riêng tại huyện Đại Lộc với nhiều xã vùng thấp hiện vẫn còn hơn 25.000 ngôi nhà, trụ sở ngập chìm trong nước. UBND huyện Đại Lộc đã sơ tán hơn 2.000 hộ dân vùng xung yếu đến nơi an toàn. Tại thành phố Hội An vẫn còn hơn 1.000 căn nhà trong khu phố cổ chìm trong nước lũ.

 

Các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn vẫn còn hơn 70% khu dân cư bị ngập lụt. Tuyến quốc lộ 1A qua địa phận tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều điểm ngập nước. Lực lượng CSGT và chính quyền địa phương túc trực 24/24 phân luồng giao thông; các loại xe ô tô từ 12 chỗ trở lên mới được phép lưu thông theo hướng dẫn của cảnh sát tại các điểm ngập sâu.

 

Ngoài mưa lớn diễn ra kéo dài, trên diện rộng thì  một số công trình thủy điện xả lũ  khiến khu vực hạ du ngập nặng, lũ rút chậm.

 

Tại địa bàn thành phố Đà Nẵng, theo thống kê ban đầu tình hình thiệt hại của UBND quận Liên Chiểu có 3 ngôi nhà bị sập, 2 ngôi nhà bị nghiêng và tốc mái 3 nhà. Nhiều tuyến bờ kè ở các con kênh trên địa bàn bị sạt lở, nhiều gia súc gia cầm bị cuốn trôi. Nhiều điểm bị ngập, có chỗ sâu tới gần 2m.
 
Mưa lũ miền Trung: 24 người chết và mất tích - 3
(Ảnh: Ô Châu)

 

Phường Hòa Xuân quận Cẩm Lệ vẫn bị cô lập cục bộ bởi nước vẫn ngập tới nửa nhà dân. Đến 12 giờ trưa 9/11, tuyến đường từ cầu Cẩm Lệ vào phường Hòa Xuân ngập rất sâu. Theo phản ánh của người dân, đây là khu vực thấp và ngay bên sông Cẩm Lệ nên nước trên sông chưa rút thì khu vực này vẫn bị ngập.

 

Tại địa bàn quận Liên Chiểu, PCT UBND quận - ông Nguyễn Thanh Chương - đã đi kiểm tra trực tiếp tại một số điểm ngập nặng; chỉ đạo các lực lượng chức năng hướng dẫn phương tiện đường đi lại, tránh thiệt hại về người không đáng có. 

Chiều 8/11, giữa những cơn mưa vẫn còn nặng hạt, hàng chục người dân đã tranh thủ ra vớt củi cạnh bờ sông Hương (Huế). Tại đây, một lượng củi lớn đã được cơn lũ dồn về từ thượng nguồn. Khoảng 1km chiều dài sát sông đoạn từ Bảo tàng Hồ Chí Minh đến gần cầu Phú Xuân và đoạn trước mặt ĐH Sư phạm Huế nhộn nhịp người vớt củi.

Bên cạnh những thanh củi nhỏ còn có các súc gỗ lớn mắc vào bờ sông thu hút nhiều dân nghèo tới lấy. Gỗ, củi ken lại thành bãi rộng trên mặt nước.

Chị Lập, phường Phước Vĩnh (TP Huế) đang buộc chặt 2 mớ củi trên ghi đông và yên sau chiếc xe đạp, vui vẻ nói: “Thấy ít ít như ri đây chứ xe củi ni khoảng hơn 30 ngàn đó chú. Tui về phơi khô khoảng 1 tuần là có củi đốt cơm và nấu cám cho heo ăn”.

Bên cạnh đó không xa, vợ chồng anh Bốn cũng dồn những đống củi nhỏ chuẩn bị cho xe đạp lăn bánh về nhà. Anh Bốn cho biết, nghe mấy anh em trong xóm nói có gỗ dạt vào bờ nên 2 anh chị vội vã chạy ra đây vớt. Tính đến tối nhà anh cũng cố gắng làm thêm 5 chuyến xe nữa. “Nếu trời còn mưa, tui bỏ củi trên chái bếp cho lửa hong khô rồi dùng dần cho mùa đông. Củi ni không bán được mà chỉ cất ở nhà dùng thôi” - anh Bốn nói.


Mưa lũ miền Trung: 24 người chết và mất tích - 4
Củi, gỗ mắc đầy trên bờ
Mưa lũ miền Trung: 24 người chết và mất tích - 5

Những bãi củi rộng mênh mông trên mặt nước
Mưa lũ miền Trung: 24 người chết và mất tích - 6

Bãi gỗ "tự nhiên mà có" do lũ này kéo dài vào tận gần đường lớn
Mưa lũ miền Trung: 24 người chết và mất tích - 7
Anh Bốn đang chất củi lên xe về nhàđể làm chất đốt cho mùa đông sắp đến
Mưa lũ miền Trung: 24 người chết và mất tích - 8

Chị Lập nhẩm tính một xe đạp đầy gỗ có giá khoảng 30.000đ
Mưa lũ miền Trung: 24 người chết và mất tích - 9

Cuộc vớt gỗ kéo dài cho đến chiều tối mịt
Mưa lũ miền Trung: 24 người chết và mất tích - 10
Với sự tham gia của nhiều em nhỏ là con trong nhà
Mưa lũ miền Trung: 24 người chết và mất tích - 11

Vì nhiều gỗ nên người dân sau khi thu lượm chất gỗ từng đống cách nhau khoảng 50m để dễ vận chuyển
Mưa lũ miền Trung: 24 người chết và mất tích - 12
Kéo xe xích lô chất gỗ đầy ắp - thành quả của lũ lụt, lên đường về nhà.

Đại Dương

Khánh Hồng - Ô Châu