Minh bạch trong bổ nhiệm cán bộ

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo về quy định tiêu chuẩn chức danh công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Minh bạch trong bổ nhiệm cán bộ

 

Trước đó, Bộ Nội vụ đã dự thảo về tiêu chuẩn chức danh cán bộ, lãnh đạo, quản lý các tổ chức thuộc bộ hoặc ngang bộ (7 chức danh từ phó trưởng phòng đến thứ trưởng). Theo dự thảo này, người đảm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ phải có tinh thần yêu nước sâu sắc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có phẩm chất đạo đức cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm…

 

Việc quy định tiêu chuẩn chức danh công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý là hết sức cần thiết. Bởi đây là điều kiện "cần" để tạo ra một cơ chế minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng tiêu cực diễn ra trong quá trình tuyển lựa nhân sự. Đồng thời, từng bước hạn chế tình trạng chạy chức, chạy quyền, ngồi nhầm "ghế"… đang gây bức xúc trong dư luận hiện nay.

 

Từ những quy định về tiêu chuẩn chức danh đến việc tìm được người tài, có "tâm" và đủ "tầm", đặt đúng vào vị trí để họ có thể phát huy tối đa năng lực phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, đồng thời tránh hậu quả xấu của sự lạm quyền… có một số vấn đề:

 

Thứ nhất, những quy định về tiêu chuẩn chức danh có tính chất nền tảng đối với việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Do vậy, các tiêu chuẩn cần được lượng hóa một cách cụ thể, rõ ràng, tránh tình trạng chung chung, hiểu thế nào cũng được.

 

Thứ hai, trong quy định về các vị trí công việc phải buộc người nắm giữ chức vụ thường xuyên nâng cao trình độ lý luận và thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tạo cho mỗi chức vụ có nội hàm tương đối rộng để khuyến khích cán bộ, công chức phấn đấu…

 

Thứ ba, cùng với quy định về tiêu chuẩn cho mỗi chức danh cần quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng vị trí công tác. Quyền được trao đầy đủ nhưng cũng có cơ chế kiểm soát, đồng thời có thể miễn nhiệm, cách chức nếu có sai phạm…

 

Thứ tư, bên cạnh những quy định "cần" và "đủ", với mỗi vị trí bổ nhiệm nên tạo cơ hội cho một số ứng cử viên cùng tranh cử. Như vậy, cơ hội quyền lực sẽ bình đẳng với những người có năng lực, khát vọng và quyết tâm đảm đương trọng trách.

 

Người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của mỗi ngành nghề, lĩnh vực nói riêng và đất nước nói chung. Bổ nhiệm một người xứng đáng vào vị trí lãnh đạo, quản lý, thực chất là một biểu hiện của tinh thần trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân. Do vậy, trong quá trình xây dựng các tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý cần có sự tham vấn rộng rãi để các quy định mang tính pháp lý khi ban hành có tính khả thi cao, đáp ứng được đòi hỏi thực tế.

 

Việc xây dựng và ban hành quy định tiêu chuẩn chức danh công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước sẽ là một bước tiến mới trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước ta.

 

Theo Thế Phương

Hà Nội Mới