1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lương tối thiểu 2018, lương đi làm ngày Quốc khánh, không khen doanh nghiệp nợ BHXH…

(Dân trí) - Lĩnh vực lao động việc làm tuần qua thu hút sự quan tâm của bạn đọc với nhiều thông tin hấp dẫn, như: Chốt mức đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2018, cách tính lương đi làm ngày Quốc khánh, không tôn vinh doanh nghiệp nợ BHXH, kỳ thi tiếng Hàn cho lao động ngành nông nghiệp…


Với mức đề xuất tăng 6,5 %, lương tối thiểu vùng 2018 sẽ đáp ứng từ 92-95 % mức sống tối thiểu.

Với mức đề xuất tăng 6,5 %, lương tối thiểu vùng 2018 sẽ đáp ứng từ 92-95 % mức sống tối thiểu.

Lương tối thiểu 2018: Chốt mức đề xuất tăng 6,5 %

Sau nhiều 3 vòng đàm phán, sáng 7/8 tại Hà Nội, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.


Bảng so sánh mức tăng lương tối thiểu vùng trong các năm 2015, 2016, 2017 và 2018 (đơn vị: 1.000 đồng).

Bảng so sánh mức tăng lương tối thiểu vùng trong các năm 2015, 2016, 2017 và 2018 (đơn vị: 1.000 đồng).

Với 8/14 phiếu thuận từ các thành viên của Hội đồng, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5 % so với lương tối thiểu vùng 2017, tương đương với việc tăng từ 180.000 - 230.000 đồng trong 4 vùng lương.

Theo ông Doãn Mậu Diệp - Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia - căn cứ vào mức đề xuất tăng 6,5 %, Hội đồng sẽ làm báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí: Liệu có hài lòng với kết quả tăng 6,5 % so với lương tối thiểu năm 2017? Đại diện của 2 bên đàm phán chính tại cuộc họp (Tổng Liên đoàn Lao động VN và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN - VCCI) đều cho rằng chưa hài lòng với kết quả này.

Tuy nhiên, sự không hài lòng của các bên ở 2 chiều khác nhau. Tổng LĐLĐ VN kỳ vọng mức tăng cao hơn. Trong khi đó, VCCI lại có kỳ vọng ngược lại. (Xem chi tiết tại đây).

Đi làm vào ngày Quốc khánh, lương tính ra sao?

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa sẽ tới Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, bên cạnh lịch nghỉ 3 ngày liền kề (doanh nghiệp có thể bố trí lịch làm việc phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh riêng), mức lương tính cho người lao động khi đi làm sẽ được tính khác với các ngày thường.

Lương tối thiểu 2018, lương đi làm ngày Quốc khánh, không khen doanh nghiệp nợ BHXH… - 3

Theo đó, Điểm đ Khoản 1 Điều 115 của Luật Lao động năm 2012, quy định: “Người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ người lao động nhận được hưởng 100 % lương…”

Ngoài ra, căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 97 của Bộ luật Lao động 2012, cũng ghi rõ: Nếu người lao động làm việc vào ngày nghỉ lễ còn được nhận tiếp tối thiểu khoản tiền bằng 300 % mức lương làm việc trong ngày đó.

Như vậy, người lao động sẽ nhận tối thiểu là 400% lương ngày bình thường. Trường hợp người lao động làm thêm vào ban đêm vào ngày nghỉ lễ sẽ được hưởng thêm 30% tiền lương của ngày bình thường.

Về tiền thưởng nhân ngày Quốc khánh 2/9, đây là điều không bắt buộc và do người sử dụng lao động quyết định. (Cụ thể tại đây).

Từ 16-30/8: Thi tiếng Hàn trên máy tính

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) lịch thi tuyển tiếng Hàn cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, ngành nông nghiệp sẽ từ ngày 16-30/8 tại Hà Nội.


Kỳ thi tiếng Hàn trong tháng 6/2017

Kỳ thi tiếng Hàn trong tháng 6/2017

Người lao động làm bài thi trên máy tính theo hình thức trắc nghiệm. Đề thi do Cơ quan phát triển nhân lực Hàn Quốc ban hành. Mỗi ngày sẽ có 3 ca thi. Mỗi ca diễn ra trong vòng 70 phút, gồm: 40 phút cho bài đọc và 30 phút cho bài nghe. Đồng thời, việc chấm thi được tiến hành tự động trên phần mềm máy tính.

Kỳ thi tiếng Hàn sẽ được tổ chức tại 1 địa điểm duy nhất tại: Tầng 8, Cơ sở đào tạo của Trung tâm Lao động ngoài nước (Trong khuôn viên Trường Đại học Đại Nam), số 1, phố Xốm, phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội.

Thí sinh có thể truy cập trang thông tin điện tử của Trung tâm Lao động ngoài nước (www.colab.gov.vn ) để xem thông tin chi tiết. (Nội dung thông tin tại đây).

Không tôn vinh, cho dự thầu doanh nghiệp nợ BHXH

Đây là đề nghị của ông Nguyễn Đức Hoà, Phó Giám đốc phụ trách Bảo hiểm xã hội Hà Nội, tại buổi làm việc của Thường trực thành uỷ Hà Nội với cơ quan Bảo hiểm xã hội Hà Nội, hôm 8/8.


Hà Nội có số nợ BHXH cao nhất cả nước

Hà Nội có số nợ BHXH cao nhất cả nước

Đại diện BHXH Hà Nội lý giải, theo quy định về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư tại Mục C, khoản 1, Điều 5 Luật Đấu Thầu năm 2013, nhà thầu là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng điều kiện: “không bị kết luận nợ, không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật”.

“Trong khi đó, dù còn nợ hoặc trốn đóng BHXH, chưa thực hiện trách nhiệm với người lao động theo pháp luật nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tham gia vào đấu thầu, thậm chí còn được khen thưởng. Đề xuất của BHXH Hà Nội nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động” - ông Nguyễn Đức Hoà nói.

Đề xuất này dựa trên thực tế về số nợ BHXH của các doanh nghiệp lên tới 3.378 tỉ đồng, qua 7 tháng đầu năm 2017. Mặc dù số nợ có giảm 19,2% so cùng kỳ năm 2016, nhưng Hà Nội vẫn là địa phương có tỷ lệ nợ cao nhất trong cả nước. (Xem tại đây).

Hoàng Mạnh