1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lương tối thiểu 2018: Cuộc họp dừng lại khi các đề xuất cách nhau 3 %

(Dân trí) - Đúng 12h ngày 28/7, Phiên họp lần 2 của Hội đồng tiền lương Quốc gia đã khép lại với kết quả không như mong muốn của các bên. Dự kiến cuộc họp lần tới sẽ được tổ chức vào ngày 7/8. Đây sẽ là cơ hội cuối cùng để các bên tìm ra tiếng nói chung.


Những phút cuối của phiên họp sáng 28/7.

Những phút cuối của phiên họp sáng 28/7.

Trước đó, đại diện giới chủ vẫn giữ nguyên mức đề xuất là tăng 5% so với mức lương tối thiểu vùng năm 2017. Ngược lại, Tổng LĐLĐVN chấp nhận đưa đề xuất mức tăng từ 10 % xuống 8%. Trước tình hình này, Hội đồng tiền lương Quốc gia quyết định tạm dừng cuộc họp. Sau cuộc họp, đại diện các bên đã chia sẻ với báo giới về quan điểm riêng về mức đề xuất tăng lương tối thiểu này.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI): “Chúng tôi cần “dư địa” để phát triển”.

Giải thích lý do đưa ra đề xuất tăng 5 %, vị đại diện VCCI tại cuộc họp nói: “Quyết định tăng lương tối thiểu ở mức trên dựa vào năng suất lao động thực tế, chỉ số CPI và chất lượng việc làm, khả năng chi trả của doanh nghiệp. Trong điều kiện hiện nay, khả năng của doanh nghiệp đã được cải thiện nhưng đại đa phần còn nhiều khó khăn. Đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng đông lao động trong ngành dệt may, da giày, thuỷ sản và lắp ráp điện tử…”

Bày tỏ quan điểm về thực tế lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu, ông Hoàng Quang Phòng nói: “Lương tối thiểu chỉ đáp ứng trên 90 % mức sống tối thiểu. Nhưng trên thế giới, chưa có nền kinh tế của nước nào diễn ra kịch bản lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu”.

Vị Phó chủ tịch VCCI ví von sự chênh lệch giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu như là cuộc chạy marathon khó có lời kết. “Chúng ta cũng cần dành “dư địa” để người sử dụng lao động có điều kiện đàm phán tiếp với người lao động thông qua các công cụ như tiền thưởng, tiền phụ cấp. Đó cũng là động lực để nâng cao năng suất lao động”.

Ông Hoàng Quang Phòng lo ngại, nếu lương tối thiểu cao quá sẽ khiến “dư địa” trong chi trả lương của doanh nghiệp thu hẹp. Đồng thời, lương tối thiểu tăng quá cao sẽ khiến doanh nghiệp giảm sản xuất, nguy cơ sa thải lao động. "Chưa kể việc tăng lương tối thiểu còn dẫn tới tăng giá các mặt hàng dịch vụ và gián tiếp tác động tới cả nhóm lao động khu vực phi chính thức" - ông Hoàng Quang Phòng nói.


Nguồn: Nghị định 153/2016/NĐ-CP quy định lương tối thiểu vùng năm 2017, áp dụng ở 4 vùng lương trong toàn quốc.

Nguồn: Nghị định 153/2016/NĐ-CP quy định lương tối thiểu vùng năm 2017, áp dụng ở 4 vùng lương trong toàn quốc.

Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN: “Chỉ số kinh tế xã hội tốt hơn năm 2016, cớ sao lương tối thiểu lại tụt lùi?”

Theo ông Mai Đức Chính, mặc dù Tổng LĐLĐ VN đã chủ động lùi mức đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2018 từ 13,3 % xuống 10 % và sự nhượng bộ cuối cùng đã là mốc 8 %.

“Trong khi đó, phía VCCI chỉ đưa ra mức tăng nhỏ giọt: Ban đầu là không tăng, sau đó tăng 2 % và lên 4 %. Cuối cùng là tăng 5%. Tổng LĐLĐ VN nhận thấy chưa đạt yêu cầu nên xin dừng cuộc họp tại đây” - ông Mai Đức Chính nói.

Cũng theo vị đại diện Tổng LĐLĐ VN tại cuộc họp lý giải: “Năm nay, các chỉ số về kinh tế xã hội tốt hơn năm 2016. Do vậy, tiền lương tối thiểu năm 2018 không có gì mà lại thấp hơn mức tăng lương tối thiểu của năm 2017”.

Phân tích về mức đề xuất tăng 5 % của VCCI, ông Mai Đức Chính cho rằng chỉ bù đắp được khoản trượt giá. “Do đó coi như không tăng và đời sống người công nhân còn nhiều khó khăn”.

So với phiên họp tăng lương lần đầu, Tổng LĐLĐ VN đã chấp nhận một bước lùi khá lớn từ 13,3% xuống còn 8 %.

Trả lời câu hỏi về mức đề xuất tăng lương tối thiểu ra sao trong Phiên họp ngày 7/8, ông Mai Đức Chính nói: “Đứng từ góc độ chia sẻ với doanh nghiệp, Tổng LĐLĐ VN cho rằng không chấp nhận mức tăng thấp hơn năm 2017, mức 7,3%”.

Ông Doãn Mậu Diệp - Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia: “Khoảng cách đề xuất đã thu hẹp từ 8 % xuống còn 3%”.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, so với Phiên họp lần 1 (hôm 27/6), đại diện người lao động và giới sử dụng lao động đều có thiện chí trong việc tìm ra cách thu hẹp giữa các đề xuất tăng lương tối thiểu trong Phiên họp lần này. Lần trước, khoảng cách hơn 8%. Nhưng tới Phiên họp này, khoảng cách đã chỉ còn 3 % và con số đề xuất cuối cùng sẽ có ở phiên họp hôm 7/8.

Ông Doãn Mậu Diệp cho biết thêm, hiện nay chỉ còn 2 phương án được các bên đưa ra để cùng nghiên cứu trong vòng 1 tuần nữa (tăng 5 % và 8 %). Trong thời gian này, đại diện của Tổng LĐLĐ VN và VCCI có thể bàn lại với nhau để tìm ra phương án hợp lý nhất.

“Với thiện chí tới hai bên, tôi kêu gọi các bên cân nhắc tới lợi ích quốc gia, của người lao động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Hy vọng sau 1 một tuần nữa, các bên sẽ có phương án chung cuối cùng về đề xuất tăng lương tối thiểu 2018” - ông Doãn Mậu Diệp nói.

Hoàng Mạnh