“Liệt sỹ” trở về sau 37 năm mỏi mòn chờ chế độ

(Dân trí) - Sau 37 năm rời xa quê hương vì chiến tranh, được công nhận nhầm là liệt sỹ, trở về quê nhà với đôi bàn tay trắng và 4 mảnh đạn là “kỷ vật” chiến tranh để lại trên người, người lính giải phóng năm xưa giờ gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc sống.

Do di chứng chiến tranh để lại, mang trên mình 4 mảnh đạn, 2 mảnh trên đầu, 2 mảnh ở chân và tay nên trí nhớ của ông Nguyễn Bá Lân (SN 1946, trú tại 27/188 đường Trần Quang Khải, phường Năng Tĩnh, thành phố Nam Định, tỉnh Nam định, trước đây là tỉnh Hà Nam Ninh) nhiều lúc không được minh mẫn. Sau khi rời đơn vị, ông Lân lưu lạc về Cần Thơ rồi được một gia đình tại đây cưu mang. Toàn bộ giấy tờ của ông bị thất lạc hết nên ông không được hưởng được chính sách gì.

Đúng 1 tháng sau khi ông trở về quê nhà, ngày 29/5/2014, Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội Nam Định đã ra quyết định dừng chế độ trợ cấp tuất liệt sỹ và các chế độ ưu đãi đối với bà Trần Thị Lộc (mẹ ông Lân). Gần 2 năm nay, ông cùng người thân, đồng đội làm lại giấy tờ, gõ cửa các cơ quan chức năng khắp nơi…nhưng đến nay ông vẫn chưa được làm lại chế độ chính sách mới.

Nỗi niềm của người lính giải phóng quân

“Liệt sỹ” trở về sau 37 năm mỏi mòn chờ chế độ - 1
Ông Nguyễn Bá Lân trở về nhà sau 37 năm thất lạc

Cả tuổi thanh xuân, sức khỏe, ông Nguyễn Bá Lân đã cống hiến trọn vẹn cho Tổ quốc. Hòa bình lập lại, ông lưu lạc nơi đất khách quê người, không vợ con, không gia đình, không quê hương bản quán. Nay trở về quê nhà với đôi bàn tay trắng và 4 mảnh đạn trên người, 70 tuổi cô độc đau yếu, nhìn đồng đội, bạn bè đều đã con đàn cháu đống, ông không khỏi tủi phận.

Trong căn phòng rộng chừng 20m2, ngoài một bộ ấm chén, một chiếc giường thì tài sản quý giá nhất của ông Lân là một chiếc cặp nhỏ, bên trong có những giấy tờ liên quan mà gần 2 năm nay ông cùng người thân và đồng đội đi hết nơi này đến nơi khác để làm lại chế độ chính sách cho mình.

Nhưng gần 2 năm nay, người “liệt sỹ” ấy vẫn phải chờ đợi… Sức khỏe yếu, tuổi cũng không còn trẻ, cuộc sống của ông và người mẹ 95 tuổi phải nương nhờ vào các em gái và các cháu.

“Liệt sỹ” trở về sau 37 năm mỏi mòn chờ chế độ - 2
Gia đình kể lại phút giây đoàn tụ đầy bất ngờ của người "liệt sỹ"

Ông Lân tâm sự: “Giờ sức khỏe của tôi cũng đâu có làm được gì, mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương lại đau ê ẩm. Mỗi tháng, em gái người thì cho tiền, cho gạo, các cháu thì đưa đi khám. Cực lắm! Nhưng cũng biết làm thế nào được…”.

“Tôi mong cơ quan chức năng sớm xem xét”

Anh Nguyễn Xuân Đoàn (SN 1972), cháu ruột ông Lân là người trực tiếp và cùng ông Lân gửi đơn đi khắp nơi cho biết: “Gần 2 năm nay, tôi và bác Lân đi khắp các cơ quan từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định, Cục Bảo vệ an ninh quân đội, Cục chính sách… nhưng vẫn chưa được cấp lại chế độ mới”.

“Liệt sỹ” trở về sau 37 năm mỏi mòn chờ chế độ - 3
Văn bản của Cục Chính sách gửi Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định

Theo như Văn bản số 2043/CS-TBLS ngày 3/6/2015 của Cục chính sách về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với ông Nguyễn Bá Lân, Cục chính sách đã đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự Nam Định kiểm tra xác minh, nếu đủ điều kiện lập hồ sơ theo quy định tại Thông tư số 202/2013/TT-BQP ngày 7/11/2013 của Bộ Quốc phòng hoặc Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội – Bộ Quốc phòng (ngoài các giấy tờ làm căn cứ để cấp giấy chứng nhận bị thương phải có Quyết định phục viên hoặc xuất ngũ, chuyển nghành), thì hướng dẫn đối tượng lập hồ sơ, hoàn thiện thủ tục đề nghị theo quy định.

Ngày 30/7/2015 Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định cũng đã trả lời về việc thẩm định xét duyệt hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh theo văn bản số 2259/BCH-PCT. Theo đó, căn cứ trong thông báo điều chỉnh trợ cấp B, C, D số 32 TB/ĐC ngày 20/3/1973 của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Nam và giấy xác nhận số 559/XN-TĐ ngày 20/5/2014 của Trung đoàn BB10, Sư đoàn BB4, Quân khu 9 không đề cập đến việc ông Lân bị thương. Vì vậy nên ông Lân chưa đủ điều kiện để làm thương binh.

“Liệt sỹ” trở về sau 37 năm mỏi mòn chờ chế độ - 4
Giấy xác nhận của Trung đoàn BB10

Trong văn bản phía Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định cũng cho biết thêm, để đảm bảo quyền lợi được hưởng cho ông Nguyễn Bá Lân, đề nghị anh Nguyễn Xuân Đoàn liên hệ với Sư đoàn BB4, Quân khu 9 để thiết lập hồ sơ theo 1 trong 2 trường hợp được quy định tại Công văn số 33/CT-CS ngày 7/1/2014 của Tổng Cục Chính trị về việc: “Triển khai thực hiện Thông tư số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013".

Trước đấy, Trung đoàn BB10/Sư đoàn BB4/Quân khu 9 đã có văn bản số 559/XN-TĐ ngày 20/5/2014 trả lời về việc xác minh hồ sơ quân nhân. Theo đó, do nhiều lý do khác nhau như: thời gian chiến đấu kéo dài trên đất bạn, chia tách, sát nhập nhiều lần, hàng năm lũ lụt thường xuyên xảy ra nên hồ sơ thất lạc quá nhiều nên không tìm được hồ sơ của ông Nguyễn Bá Lân.

“Liệt sỹ” trở về sau 37 năm mỏi mòn chờ chế độ - 5
Anh Đoàn cho biết: "gần 2 năm nay anh cùng ông Lân đã đi nhiều cơ quan chức năng để gửi hồ sơ nhưng đến nay ông Lân vẫn chưa được hưởng chế độ mới"

Sau khi đối chiếu về công tác giải mã ký hiệu, phiên hiệu, đơn vị thấy trình bày của ông Nguyễn Bá Lân cơ bản là phù hợp với quá trình hình thành, phát triển và chiến đấu của đơn vị; song vẫn chưa đủ điều kiện để đơn vị xác nhận thời gian công tác.

Ngày 10/9/2015, Sư Đoàn BB4 cũng có văn bản trả lời đến ông Nguyễn Bá Lân về việc trong hồ sơ lưu trữ, không tìm thấy hồ sơ của ông Nguyễn Bá Lân.

“Liệt sỹ” trở về sau 37 năm mỏi mòn chờ chế độ - 6
Ban liên lạc truyền thông Cựu chiến binh trung đoàn 10.QK9 xác nhận thời gian tại ngũ và cấp bậc chức vụ của ông Lân

Ông Lân cho biết: “Cũng mong muốn các cơ quan chức năng sớm xác minh về hồ sơ của tôi, chứ giờ tôi cũng chẳng đi được nữa, cứ phải nhờ các cháu nó đi. Có tuần nó phải chạy Hà Nội về Nam Định đến 4 năm lượt. Nghĩ mà vất quá chú à!”.

Anh Đoàn thì cho biết: “Cuối năm nay có đợt giám định thương tật, nếu không đủ điều kiện thì bác Lân lại phải chờ đến cuối năm 2016, sau đấy đến năm 2017 thì mới được cấp chế độ mới. Gia đình chúng tôi cũng đi hết các nơi rồi, nhiều lúc cũng thấy chán nản, nhưng nghĩ thương bác ấy vẫn phải cố thôi”.

Biết ông Lân gặp nhiều khó khăn trong việc xác nhận lại giấy tờ và làm lại chế độ chính sách mới, Ban liên lạc truyền thông Cựu chiến binh trung đoàn 10.QK9 cũng đã xác nhận thời gian tại ngũ và cấp bậc chức vụ của ông Lân; đồng thời cũng nói lại toàn bộ quá trình tham gia chiến đấu của ông Lân.

Đức Văn