1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vấn đề kinh tế nổi bật trong tuần:

Làm rõ tài sản nhà Thứ trưởng, khởi tố thêm 5 bị can vụ Trịnh Xuân Thanh

(Dân trí) - Tuần qua, Tổng Bí thư đã yêu cầu làm rõ khối tài sản hàng trăm tỷ đồng nhà Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đang gây xôn xao dư luận. Liên quan đến quá trình điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật của Trịnh Xuân Thanh, có thêm 5 bị can cũng đã bị khởi tố về tội tham ô tài sản tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Sau kiểm toán, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giảm thời gian thu phí hơn 1 năm

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố báo cáo hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Sau khi điều chỉnh một số thông số đầu vào của phương án tài chính theo số liệu kiểm toán tại thời điểm 30/9/2016, thời gian hoàn vốn của dự án là 28 năm 8 tháng 27 ngày (giảm 1 năm 3 tháng 3 ngày so với phương án tài chính điều chỉnh của dự án đang trình Bộ GTVT thẩm định).

Chọn Grab, cấm Uber: Khuyến khích hay thủ tiêu cạnh tranh?

Một tin đáng chú ý cuối tuần qua là Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chính thức yêu cầu Công ty TNHH Uber Việt Nam không được cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện và đơn vị vận tải để kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành...

Như vậy, có thể hiểu, thời gian tới, Uber bị cấm hoạt động. Trong khi đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Uber là Grabcar đã được chấp nhận thí điểm và đang tăng cường hoạt động. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về có sự thiên vị của Bộ GTVT với Công ty TNHH Grab Taxi.

Dư luận đặt câu hỏi về có sự thiên vị của Bộ GTVT với Công ty TNHH Grab Taxi.
Dư luận đặt câu hỏi về có sự thiên vị của Bộ GTVT với Công ty TNHH Grab Taxi.

Giá cổ phiếu phục hồi, nhà Thứ trưởng Kim Thoa có thêm gần 30 tỷ đồng

Trong ngày 13/2, tài khoản chứng khoán của các thành viên trong gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa (chưa kể cổ phần của em trai và mẹ bà Thoa) đã tăng thêm khoảng 29 tỷ đồng. Tuy nhiên, tài sản hao hụt do giá DQC sụt giảm trước đó (từ ngày 12/1 đến 10/2) cũng đã gấp 3 lần so với con số nói trên.

Điều này cho thấy, mỗi biến động trên thị trường chứng khoán có ảnh hưởng lớn đến giá trị tài sản cổ phiếu của các thành viên trong gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa, do số lượng cổ phiếu nắm giữ tại DQC rất lớn.

Liên quan đến vấn đề nguồn gốc tài sản nhà Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng:

Muốn biết sự thật thì phải kiểm tra. Để trả lời công luận, có mấy việc cả cơ quan chủ quản, và bản thân bà Thoa phải chứng minh, đó là nguồn gốc tài sản ấy ra sao? Nếu chứng minh được tài sản đó chính đáng, thì phải trả lời cho dư luận biết, và cũng là để thanh minh cho bà ấy. Còn nếu có những cái không rõ nguồn gốc thì xem xét, để các cơ quan khác vào cuộc”.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết, với những thông tin báo chí nêu thời gian qua, cần làm rõ quá trình thâu tóm cổ phần tại Công ty CP Điện Quang của gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng như làm rõ việc điều hành với tư cách Thứ trưởng có làm lợi cho công ty mà gia đình bà Thoa đang sở hữu cổ phần lớn.

Tổng bí thư chỉ đạo làm rõ thông tin về tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa yêu cầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận những nội dung mà các bài báo đã nêu liên quan tới Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và những vấn đề khác có liên quan và sớm báo cáo kết quả với Ban Bí thư.

Theo yêu cầu của Tổng Bí thư, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để sớm sửa đổi hoặc kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Bà Hồ Thị Kim Thoa trong một lần trao quyết định bổ nhiệm cho ông Trịnh Xuân Thanh
Bà Hồ Thị Kim Thoa trong một lần trao quyết định bổ nhiệm cho ông Trịnh Xuân Thanh

Vụ Trịnh Xuân Thanh, khởi tố 5 bị can liên quan tới vụ tham ô tài sản tại PVC

Liên quan đến quá trình điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật của Trịnh Xuân Thanh, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố 5 bị can về tội tham ô tài sản tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

5 bị can bao gồm: ông Lương Văn Hoà, nguyên Giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch, PVC; ông Lê Xuân Khánh, Trưởng Phòng Kinh tế Tổng hợp Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch; ông Nguyễn Lý Hải, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch;

Ông Nguyễn Thành Quỳnh, Giám đốc Giám đốc Ban kỹ thuật Công nghệ, Tổng công ty miền Trung; bà Lê Thị Anh Hoa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa. Bà Hoa hiện đã bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Hoàng Anh Gia Lai: Nợ gia tăng hơn 3.000 tỷ đồng, lỗ ròng hơn 1.400 tỷ đồng

Mặc dù hoạt động bán bò đã mang về cho Hoàng Anh Gia Lai hơn 3.500 tỷ đồng doanh thu thuần trong năm 2016, song việc tiếp tục thua lỗ trong quý IV đã đẩy lỗ ròng cả năm của tập đoàn bầu Đức lên 1.414,7 tỷ đồng.

Điểm tích cực là tổng các khoản vay ngắn hạn của HAGL cuối 2016 ở mức 6.572,3 tỷ đồng, giảm gần 21% so với 1 năm trước đó, trong khi vay dài hạn tăng 10,6% lên gần 20.800 tỷ đồng. Nói cách khác, nhiều khoản nợ của HAGL đã được gia hạn.

Đáng chú ý, các khoản nợ vay ngắn hạn ngân hàng đã giảm một nửa so với cuối năm 2015. Trong đó, nợ ngắn hạn BIDV giảm gần 63% còn 707 tỷ đồng; nợ ngắn hạn Ngân hàng Liên doanh Lào Việt giảm 59% còn 350,2 tỷ đồng. Xuất hiện thêm khoản hơn 24 tỷ đồng nợ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín. Vay ngắn hạn giảm nhưng tổng nợ ngắn hạn của tập đoàn vẫn đang vượt tổng tài sản ngắn hạn trên 3.000 tỷ đồng.

Quốc Cường Gia Lai đối mặt khoản nợ khổng lồ sắp đáo hạn

Theo báo cáo tài chính của Quốc Cường Gia Lai, tại thời điểm 31/12/2016, công ty có 1.692,4 tỷ đồng các khoản vay ngắn hạn, tăng gấp 3 lần so với thời điểm cuối năm 2015. Trong đó, 291,3 tỷ đồng các khoản vay ngắn hạn ngân hàng và xấp xỉ 1.400 tỷ đồng vay ngân hàng dài hạn đều đáo hạn ngay trong quý I/2017 này.

Năm 2016, mặc dù QCGL có 86,9 tỷ đồng tổng lợi nhuận kế toán trước thuế và 69,4 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt tăng gấp 3,6 lần và 3,2 lần năm 2015 song công ty mới chỉ thực hiện được 49% kế hoạch doanh thu và 87% kế hoạch lợi nhuận đặt ra.

Gần 1.700 tỷ đồng nợ của Quốc Cường Gia Lai đáo hạn trong quý I/2017
Gần 1.700 tỷ đồng nợ của Quốc Cường Gia Lai đáo hạn trong quý I/2017

ĐBSCL: “Đại gia” thủy sản kẻ vướng lao lý, người “mất tích”

Nhiều doanh nhân kinh doanh thủy sản ở miền Tây, một thời phất lên như diều gặp gió, có người xài tiền giống “công tử Bạc Liêu” và được phong là “đại gia”. Nhưng mấy năm trở lại đây, không ít doanh nhân liên tiếp vỡ nợ, người thì vướng vào vòng lao lý, kẻ thì “mất tích” khiến hàng trăm nông dân đứng ngồi không yên.

Vinachem “kêu” khó trả nợ do thiếu vốn, xin tăng vốn ít nhất 5.000 tỷ đồng

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, vốn điều lệ của Vinachem đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị định số 190 năm 2013 là 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của công ty mẹ đến thời điểm 30/6/2016 là 13.818 tỷ đồng, vẫn thiếu khoảng 2.200 tỷ đồng so với mức vốn điều lệ được phê duyệt, dẫn đến khó khăn cho nguồn vốn trả nợ và triển khai các dự án đầu tư của tập đoàn.

Vinachem đề nghị được tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu khi thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn, dự kiến ít nhất 5.000 tỷ đồng, đảm bảo tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước từ trên 51% đến dưới 65% vốn điều lệ.

Sabeco chính thức miễn nhiệm con trai ông Vũ Huy Hoàng

Sáng ngày 16/2, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), con trai của ông Vũ Huy Hoàng là Vũ Quang Hải đã bị miễn nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị. Có tới 99% cổ đông tán thành với quyết định trên.

99% cổ đông Sabeco đồng ý miễn nhiệm Vũ Quang Hải
99% cổ đông Sabeco đồng ý miễn nhiệm Vũ Quang Hải

Ngân hàng nào là quán quân chi lương, thưởng hậu hĩnh cho nhân viên?

Tính đến thời điểm hiện tại, Vietcombank vẫn là ngân hàng trả lương, thưởng hậu hĩnh nhất cho nhân viên, với mức thu nhập bình quân là 26,48 triệu đồng/người/tháng.

Tại một số ngân hàng khác như BIDV là 21,28 triệu đồng/người/tháng; VietinBank là 21,2 triệu đồng/người/tháng; VIB là 20,04 triệu đồng/người/tháng; MB là 17,3 triệu đồng/người/tháng...

Hà Nội: Hầu hết điểm trông giữ xe thu phí cao gấp 2-3 lần quy định

Khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách TP Hà Nội cho thấy, hầu hết điểm trông giữ xe trên địa bàn không thực hiện việc thu giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo quy định, cao hơn từ 2 đến 3 lần mức thu quy định của thành phố.

Theo quy định của thành phố tại các địa điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, đối với xe máy ban ngày thu 3.000 đồng/lượt, song tất cả các điểm được khảo sát đều thu cao hơn quy định, hầu hết 10.000 đồng/lượt. Đối với ô tô xe đến 9 ghế ngồi và xe tải từ 2 tấn trở xuống quy định thu 30.000 đồng/lượt, song hầu hết 50.000 đồng/lượt.

Hoa hồng dát vàng giá 60 nghìn đồng bán vỉa hè, đêm Valentine "cháy" nhà nghỉ

Dịp lễ tình nhân (14/2) năm nay, hoa hồng mạ vàng được bày bán trên vỉa hè của nhiều tuyến phố ở Hà Nội với giá siêu rẻ, chỉ từ 60.000 – 150.000 đồng/bông. Tuy nhiên theo một số người bán, mặt hàng này tiêu thụ khá chậm.

Trong khi đó, theo khảo sát của PV Dân Trí, từ trưa đến chiều tối của ngày lễ tình nhân Valentine, giá của các loại hoa, quà tặng... tăng gấp 2 -3 lần. Tuy nhiên, càng về khuya, những loại quà tặng mang tính "thời vụ" này sẽ giảm dần và đi đến "bán tháo".

Riêng "thị trường nhà nghỉ", đến nửa đêm, lang thang cả mấy chục con phố, nhiều xe máy lao vào nhà nghỉ rồi lại đành phi ra vì hết phòng. Ngay cả các khách sạn cũng đã kín phòng, kể cả các phòng dạng căn hộ cũng đã có người đặt. Không tìm được chỗ nghỉ chân, nhiều đôi tình nhân đành lang thang hết đêm Valentine.

Đại gia Việt bắt cả "quái vật" sông Amazon về chơi

Thời gian gần đây, loài “quái vật” nước ngọt hải tượng long có nguồn gốc từ vùng Amazon xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Điều đáng nói, loài cá khổng lồ này cũng được nhiều dân chơi cá cảnh săn lùng.

Cá hải tượng là một trong những loài cá nước ngọt có trọng lượng lớn nhất hành tinh. Chúng có nguồn gốc tại lưu vực sông Amazon, Nam Mỹ. Loài cá này còn mang tên Arapaima - “quái vật” nước ngọt. Khi trưởng thành, trọng lượng trung bình của chúng vào khoảng 100-200kg, dài tầm 2m. Thế giới từng ghi nhận một chú cá hải tượng long dài tới 4m, nặng 300kg. Đây là loài cá quý hiếm đưa vào Sách đỏ thế giới.

Ô tô giá rẻ ồ ạt về Việt Nam: Xe Ấn Độ chỉ 84 triệu đồng/chiếc

Kinh doanh ô tô nhỏ, dung tích xilanh dưới 2.0L đang trở thành mốt của dân buôn xe tại Hà Nội trong thời gian 1 năm trở lại đây. Nguyên nhân là mức thuế dòng xe này ồ ạt giảm, thị trường ngày càng đa dạng và số lượng xe nhỏ nhập về Việt Nam đang lớn chưa từng thấy.

Khảo sát của phóng viên Dân trí tại nhiều showroom bán xe ô tô tại đường Phạm Hùng, Lê Văn Lương kéo dài ... cho thấy, rất nhiều cửa hàng bán các loại xe nhỏ từ 4 - 5 chỗ, dung tích từ 1.0L đến 1.5L đông khách nhất.

Một chiếc xe nhập khẩu từ Ấn Độ về Việt Nam giá rất rẻ
Một chiếc xe nhập khẩu từ Ấn Độ về Việt Nam giá rất rẻ

Vì sao ô tô Ấn Độ vào Việt Nam có giá siêu rẻ?

Trong tháng 1/2017 giá xe Ấn Độ vào Việt Nam rẻ "không đối thủ". Cụ thể, trong 1.000 xe Ấn Độ nhập về, giá trị nhập chỉ là 3,7 triệu USD (chỉ khoảng 84 triệu đồng/xe, chưa bao gồm thuế). Còn xe nhập từ Indonesia có 1.800 chiếc, giá trị nhập 35 triệu USD, giá xe trung bình khoảng 440 triệu đồng/chiếc (chưa bao gồm thuế).

Xung quanh việc xe ô tô Ấn Độ nhập khẩu vào Việt Nam có mức giá rẻ "không tưởng", nhiều chuyên gia kinh tế, người kinh doanh, nhập khẩu xe hơi cho rằng, mức giá xe Ấn Độ rẻ là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nghi ngại về việc các DN khai gian giá trị xe do có "mối quan hệ đặc biệt" và chính sách cạnh tranh của nước này nhằm chiếm lĩnh thị trường, áp đặt giá lên các nước khác.

Tuy nhiên, để một chiếc xe trên lăn bánh được tại Việt Nam, người Việt phải mất thêm hàng trăm triệu đồng, số tiền này đến từ thuế phí của Nhà nước và lãi kinh doanh của doanh nghiệp phân phối.

Chê công nghiệp hỗ trợ kém, doanh nghiệp ô tô Nhật muốn rút khỏi Việt Nam

Vừa qua, ông Takimoto Koji , Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM cho biết một số hãng ô tô Nhật Bản có thể sẽ tính tới chuyện rút khỏi Việt Nam, chuyển sang các nước lân cận trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan , Malaysia...

Nguyên nhân được vị này chỉ ra là do sự giậm chân tại chỗ của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong nhiều năm qua và chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu của các công ty Nhật Bản.

Đồng loạt tăng giá, xăng vượt 18.000 đồng/lít

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn, kể từ 15h chiều 18/2, giá xăng RON 92 được phép tăng 504 đồng/lít lên mức tối đa 18.098 đồng/lít và xăng sinh học E5 tăng 496 đồng/lít lên 17.818 đồng/lít.

Bích Diệp