1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Kháng cáo vì bị chia toàn... “chổi cùn, rế rách”

Nhìn từ đằng sau, họ giống như những người nông dân nghèo khổ. Nhưng 2 bên có tới 4 luật sư tham gia tranh tụng hứa hẹn một phiên tòa ly hôn nảy lửa. Và quả thực, dù là phiên phúc thẩm nhưng những tình tiết mà họ đưa ra phiên tòa để chứng minh mình đúng, mình phải nhận phần tài sản lớn hơn khiến những người dự khán lắc đầu…

Viết đơn gửi 63 đoàn đại biểu quốc hội

Ban đầu, phiên tòa chỉ nóng lên bởi phân chia tài sản. Tài sản của họ rất nhiều, không ai chịu nhường ai, đến độ, họ dùng cả những đứa con làm vũ khí trong cuộc chiến tài sản. Kết quả, cô con gái theo mẹ, còn cậu con trai theo bố. Theo lời người chồng, ngôi nhà 2 tầng mà họ mới xây là tiền do vợ chồng người con trai cả, ông chỉ cho một chút ít gọi là.

Người vợ lập tức phản ứng gay gắt. Chỉ đến khi HĐXX đọc lời khai trong tập hồ sơ đặt trên bàn của người con trai, rằng nhà này là anh xây, người vợ mới “bóc mẽ” cậu con trai: “Anh ta làm nghề xe ôm, vợ ở nhà trông con, tiền tiêu còn không đủ, lấy đâu tiền tiết kiệm mà đòi xây nhà. Đây là kế của bố con ông ấy để cố tình không chia phần cho tôi trong ngôi nhà này”.

Như thể nhận được sự đồng cảm, người vợ kể, vợ chồng bà cưới nhau vào năm 1989, từ ngày cưới về bà chỉ đâm đầu vào làm, bao nhiêu tiền nong, kinh tế đều để cho người chồng nằm giữ. Gia đình bà mua được 2 ki-ốt chợ sáng, chiều nên bà tranh thủ buôn sớm, buôn tối. Hôm nào về nhà cũng tíu tít khoe với chồng chuyện chợ búa, lãi lờ.

Bà không mảy may suy nghĩ gì vì hai vợ chồng vẫn rất hạnh phúc. Thậm chí, khi nhận được tiền đền bù phần đất nông nghiệp bị thu hồi, 2 vợ chồng đưa nhau đi mua vàng, được 12 cây, chồng lại đặc cách cho bà giữ nên bà càng tin ông.

Bà bảo: “ông ấy giỏi tính toán hơn tôi nên tôi để ông ấy giữ kinh tế. Ông ấy cho tôi giữ vàng là để khẳng định ông một lòng một dạ với gia đình. Ông còn bảo ông sợ tôi nghĩ ông cầm tiền sẽ sinh linh tinh nên ông bớt được phần tiền nào là ông bớt. Tôi chỉ vì quá tin chồng mình nên mới thành trắng tay như thế này”.

Họ cùng nhau làm ăn, gom góp, lại thêm đất bố mẹ để lại nên cũng có được số tài sản khá lớn. Gia đình bắt đầu sứt mẻ khi người vợ phát hiện chồng có biểu hiện lạ.

Bà khóc lóc tố: “Tôi bị ông ấy bạo hành còn hơn cả vật nuôi trong nhà. Nhà thì có nhà lớn nhà bé mà ông ấy vào hùa với con bắt tôi phải ở chỗ chuồng lợn cũ. Nhiều lần tôi nhờ bà con dân phố, tổ hòa giải nhưng ông ấy chỉ ậm ừ, đến khi họ ra về lại đâu vào đấy”.

Người chồng không vừa phản bác: “HĐXX xem có ai như bà ấy không. Bà ấy làm đơn tố cáo tôi tới 63 đoàn đại biểu quốc hội trên toàn quốc. Tòa hỏi các trưởng đoàn đại biểu xem có ai không nhận được đơn tố cáo bà ấy không. Mà sự thực đây, một tờ báo biết thông tin đã về xác minh và viết bài rằng tôi không bồ bịch, bạo hành bà ấy. Tôi còn mang tờ báo đây, mời HĐXX xem xét”.

Vừa nói người chồng vừa đặt báo lên bàn HĐXX. Người vợ bất ngờ quá chỉ biết thốt lên: “Ông ấy nói láo. Việc ông ấy bồ bịch, bạo hành tôi cả tổ dân phố biết. Tôi kêu gào mãi không ai đứng về phía mình nên đành viết đơn cho các đại biểu quốc hội. Nhưng cũng chẳng có hồi âm nào. Không chịu đựng được nữa tôi mới quyết định ly hôn”.

Phân chia máy bơm hỏng, ti vi cũ

Mỗi người một ý đôi co, chỉ đến khi vị chủ tọa phiên tòa lên tiếng đề nghị hai người chấm dứt cãi nhau qua lại trước HĐXX họ mới yên lặng.

Vị chủ tọa hỏi người chồng: “Ông có thương vợ mình khi sớm chiều buôn bán, không có lúc nào được thảnh thơi không”? Người chồng cúi đầu nhỏ nhẹ đáp: “Tôi cũng thương bà ấy nhưng bà ấy cũng ghê gớm lắm. Cậy làm ăn tốt, cứ hễ có người nhà tôi đến chơi là bà ấy lại kể công của bà ấy.

Tôi cũng có công chứ. Tôi lo nhà cửa, chợ búa, cơm nước để bà ấy thảnh thơi bán hàng. Tiền tôi giữ, chi tiêu đồng nào lại ghi đồng ấy nhưng bà ấy cứ vơ hết vào công của bà ấy. Tôi bực mình ở chỗ ấy, từ đó mới nảy sinh mâu thuẫn”.

“Nhưng sao ông lại bắt bà ấy ngủ, sống ngoài chuồng lợn, mưa gió lạnh thế nào cũng không cho bà ấy vào nhà”? Ông chồng thờ ơ đáp: “Đấy là sự lựa chọn của bà ấy. Bà ấy đi sớm, về muộn, sợ ảnh hưởng đến chồng con nên chọn ngủ đêm ở đấy. Còn ban ngày bà ấy vẫn vào nhà, có ai cấm bà ấy đâu”.

Vị chủ tọa nghiêm mặt phân tích: “Anh làm chồng thế là không được. Kể cả vợ anh lựa chọn, anh cũng không được để tình trạng như thế xảy ra. Vợ chồng đầu gối bao nhiêu năm, các cụ bảo rồi “trẻ yêu già thương, hết tình còn nghĩa”. Sao lại để một người vất vả vì mình, vì con mình phải sống khổ sở thế chứ”. Người chồng chỉ cúi đầu im lặng trước những lời nói của HĐXX.

“Phiên tòa sơ thẩm đã đồng tình cho 2 người ly hôn nên chúng tôi cũng không bàn nhiều trong phiên phúc thẩm. Chỉ mong hai người đừng vì tranh chấp tài sản mà biến những đứa con mình thành vũ khí như thế. Chúng nó lớn cả rồi, chắc cũng biết phân biệt phải trái nhưng vì bố, vì mẹ mà chúng lại có những hành xử không đúng, như thế có đáng không? Anh chị không lo lắng từ cuộc ly hôn của anh chị mà con cái anh chị sống không yên không”? - vị chủ tọa tiếp tục phân tích.

Dường như ý thức được những lời chủ tọa nói, hai vợ chồng họ im lặng lắng nghe những lời phân tích từ HĐXX. Người vợ cất tiếng nói, xóa tan sự im lặng: “Chúng tôi đã hiểu những lời mà thẩm phán nói.

Nhưng cũng không còn tình cảm để nghĩ đến chuyện hàn gắn, để con cái sống tốt hơn. Tôi mong HĐXX xem xét phân chia tài sản cho công bằng, tránh để việc phân chia quá bất công như phiên tòa sơ thẩm thì tôi không còn biết kêu ai nữa”.

“Đây, HĐXX xem, tôi không thể chấp nhận được kết quả của phiên tòa sơ thẩm. Chia cho tôi toàn đồ “rẻ rách” trong khi ông ta, vừa bồ bịch, vừa bạo hành vợ lại được toàn “đồ ngon”.

Nói rồi người vợ cầm biên bản phiên tòa sơ thẩm ra đọc “Đây, HĐXX xem, chia cho tôi nào là 1 TV trị giá 50.000 đồng; một tủ lạnh trị giá 100.000; 1 quạt tích điện 50.000; 1 máy bơm nước hỏng 50.000 đồng.. còn ông ấy thì gương treo tường 200.000 đồng, tủ khảm trai, tranh gốm, tủ lạnh 1.500.000 đồng. Liệu có sự công bằng ở đây không, thưa HĐXX” - người vợ lu loa lên.

Bà vừa dứt lời, vị luật sư bảo vệ cho bà đã gay gắt: “Tôi tin rằng hẳn HĐXX cũng thấy bản án sơ thẩm rất không bình thường. Bình thường người đời vẫn nói của chồng công vợ nên vợ chồng có quyền lợi như nhau. Không có lý gì khi người vợ phải nhận về toàn đồ vớ vẩn, đã hết giá trị sử dụng, còn người chồng lại được đồ tốt hơn. Đây còn chưa kể 2 ngôi nhà cũng được chia cho người chồng”.

Nỗi đau không chỉ với người trong cuộc

Người chồng cũng hùng hồn: “Đất đai là tài sản của bố mẹ tôi, vẫn mang tên bố mẹ tôi, chúng tôi chỉ quản lý giúp. Dù bố mẹ tôi mất không kịp có di chúc nhưng đó vẫn là của bố mẹ tôi, phải trả lại cho bố mẹ tôi và chia đều cho 5 người con, trong đó tôi chỉ được một phần. Chẳng có lý gì mà bà ấy đòi chia một nửa trong khối tài sản của bố mẹ tôi trong khi các anh chị em tôi vẫn còn nguyên, ở cách đấy không xa”.

“Còn ngôi nhà, tôi vẫn khẳng định đó là tiền của vợ chồng người con trai góp gom xây được, tôi chỉ có ít vật liệu cũ đập từ ngôi nhà cũ cho con để con xây. Vợ chồng tôi không đóng góp gì ở ngôi nhà này nên không thể có phần ở trong ngôi nhà ấy.

Đây, tôi có sổ ghi rõ ngày nào con tôi đưa tiền cho tôi mua cát, mua sỏi, ngày nào đưa tiền trả công thợ, tôi vẫn còn ghi lại đây, đề nghị HĐXX xem xét” – người chồng tiếp tục lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình.

Phiên tòa nóng từ đầu đến cuối, họ tố nhau, họ cùng kêu khổ để xin giảm án phí nhưng phần tài sản mà họ tranh chấp lại khá lớn. Mỗi bên 2 luật sư, cùng nhiều lý lẽ khác nhau.

Cuối cùng, HĐXX quyết định chấp nhận kháng cáo, sửa một phần bản án sơ thẩm để người vợ không bị quá thiệt thòi về tài sản so với người chồng. Rời công đường, hình ảnh còn đọng lại trong chúng tôi là một người đàn bà đã gần 60, môi son đỏ choét, cùng cô con gái hớn hở ra khỏi phòng xử, trong khi người chồng lại bần thần, khổ đau… Phiên xử nào cũng để lại những nỗi đau, không chỉ với những người trong cuộc.

Theo Nhật Thu - Mạc Phi

Pháp luật Việt Nam