“Hotboy nổi loạn…” và câu chuyện buồn về sự đơn độc

(Dân trí) - Những cảnh quay trần trụi, những bi kịch giằng xé, những bí mật bẩn thỉu… đã phơi bày trên phim cuộc sống dữ dội của người đồng tính. Họ lầm lạc, họ bất cần, họ bế tắc… Và họ đơn độc đến vô cùng.

“Hotboy nổi loạn và câu chuyện về chàng Cười, cô gái điếm và con vịt”, ngay trong tên phim, đạo diễn đã tóm tắt ngắn gọn ý đồ của kịch bản. Phim có 2 tuyến nhân vật rõ ràng, tuyến nhân vật của các hotboy nổi loạn, và tuyến nhân vật còn lại là của chàng Cười, cô gái điếm và con vịt. Hai tuyến nhân vật tưởng như tách rời, xa cách, không liên hệ. Chỉ khi những hình ảnh của phim trôi qua trước mắt, khán giả mới nhận ra sợi dây liên kết ngầm giữa 2 tuyến nhân vật, đó là tấn bi kịch của những trò đời đơn độc.
 
“Hotboy nổi loạn…” và câu chuyện buồn về sự đơn độc - 1
Tuyến nhân vật chàng Cười, cô gái điếm và con vịt.

Chàng Cười (Hiếu Hiền) mắc chứng ngớ ngẩn. Chàng sống bằng nghề nhặt rác, cuộc sống cô quạnh nghèo khổ trên con thuyền rách nát. Bi kịch của chàng Cười không dừng lại ở đó, bi kịch bắt đầu sự nhẫn tâm của mình khi xô đẩy chàng Cười vào mối tình thầm lặng với cô gái điếm (Phương Thanh). Chàng Cười ngày ngày lặng lẽ đến gần gốc cây cô gái điếm hay đứng để nhìn ngắm, để cười, để mang cho “nàng” chiếc ô khi trời mưa… Kết quả của những lần chăm sóc lãng mạn ấy là những trận đấm đá túi bụi của bọn bảo kê.

Vũ Ngọc Đãng đã bắt đầu tuyến nhân vật của chàng Cười, cô gái điếm và con vịt bằng những lát cắt dữ dội. Ngay từ đầu, những bi kịch của chàng Cười đã được giới thiệu đến khán giả một cách cận cảnh. Ngay từ đầu, chàng Cười đã đứng cười ngô nghê dưới gốc cây và ngắm nhìn cô gái điếm.
 
“Hotboy nổi loạn…” và câu chuyện buồn về sự đơn độc - 2
Những con người đơn độc tìm đến với nhau...

Bi kịch được đẩy lên tận cùng khi chàng Cười mua một quả trứng vịt về, ấp trứng, và òa khóc nức nở khi quả trứng nở ra con vịt. Chàng Cười chăm sóc, trò chuyện với vịt con như một đứa trẻ. Con vịt xuất hiện làm vơi đi nỗi cô đơn, đơn độc “bất tận” của anh chàng Cười ngớ ngẩn.

Đạo diễn đã sử dụng những cảnh quay lãng mạn giữa chàng Cười và con vịt để đưa khán giả đến tận cùng bi kịch về sự đơn độc của con người. Đạo diễn đã biết lấy nước mắt khán giả bằng những phân cảnh ngọt ngào. Biết lấy sự ngọt ngào để thể hiện những cay đắng.

Hiếu Hiền đã thể hiện khả năng diễn xuất tốt nhất phim. Là một diễn viên hài, nhưng Hiếu Hiền đã có một vai bi đáng nhớ. Mặc dù, đã sử dụng nhiều đến hình thể để diễn xuất, nhưng, cách diễn hình thể của Hiếu Hiền đã làm toát lên sự thảm thương của nhân vật chàng Cười. Nhiều phân cảnh khóc cùng vịt con, Hiếu Hiền diễn xuất thần.
 
“Hotboy nổi loạn…” và câu chuyện buồn về sự đơn độc - 3
 
“Hotboy nổi loạn…” và câu chuyện buồn về sự đơn độc - 4
Hiếu Hiền đã có một vai bi đáng nhớ.

Lựa chọn Phương Thanh vào vai cô gái điếm hết thời là sự khôn khéo của đạo diễn. Phương Thanh có ngoại hình phù hợp với bi kịch của cô gái điếm. Cô gái già “hết đát”, bất cần đời, mệt mỏi và đơn độc. Cô gái già đón khách ở góc đường tối với tất cả sự hớn hở của một gái điếm chuyên nghiệp. Cô gái điếm ươn hèn trước những đòn đánh của bọn bảo kê. Cô gái điếm mệt mỏi và không còn tin vào tình yêu. Trong sự đơn độc vời vợi, cô gái điếm nhìn thấy ở chàng Cười và con vịt sự ngây thơ, hồn nhiên, lương thiện. Và với chút thiên lương còn lại trong cuộc đời mệt mỏi, cô gái điếm đã giết người để bảo vệ chàng Cười…

Vai diễn với thân phận dữ dội được Phương Thanh hóa thân với sự tự nhiên bản năng. Cô gái điếm hoảng sợ lái xe đi một cách vô định… là phân đoạn diễn tốt nhất của Phương Thanh. Không thể đòi hỏi quá nhiều về khả năng diễn xuất của một diễn viên tay ngang, Phương Thanh đã có những dấu ấn riêng với vai gái điếm Phước Hạnh.

Chàng Cười, cô gái điếm và con vịt, những thân phận buồn thương, trong tận cùng đơn độc họ đã tìm đến với nhau, cứu giúp nhau, bao bọc nhau, để hưởng chút thiên lương ấm áp trong đời.
 
“Hotboy nổi loạn…” và câu chuyện buồn về sự đơn độc - 5

Điểm nhấn thứ 2 trong phim là tuyến nhân vật của hotboy nổi loạn. Lam (Lương Mạnh Hải)- một người đàn ông đồng tính sống bằng nghề… làm đĩ. Lam chấp nhận cuộc sống của một cave nam đứng đường. Từng sống và gắn bó với nhiều người tình, nhưng chỉ đến khi gặp Khôi (Hồ Vĩnh Khoa), Lam mới hiểu như thế nào về một tình yêu thực sự.

Yêu Khôi, nhưng Lam vẫn làm nghề. Bi kịch ấy khiến cả hai sống trong sự dày vò, dằn vặt. Lam không thể thoát khỏi sức cám dỗ của đồng tiền, dù những đồng tiền ấy đã kiếm được bằng cách ô nhục nhất. Lam hiểu sự nhục nhã, ê chề trong tâm hồn, nhưng thể xác vẫn đớn hèn, bất lực.

Khôi trong sáng và ấp ủ những hoài bão cho bản thân. Khôi yêu Lam. Anh không thể xa rời Lam về thể xác, nhưng trong tâm hồn, anh không thể chấp nhận được công việc “làm đĩ” của người yêu.
 
“Hotboy nổi loạn…” và câu chuyện buồn về sự đơn độc - 6
Mối tình đồng tính được phản ánh bằng cái nhìn trực diễn, chân thực và
dữ dội.

Để bảo vệ tình yêu, cả hai đã cùng nhau đấu tranh, cùng chịu đựng, cùng chia sẻ… Nhưng cuối cùng, họ đều nhận ra, họ quá đơn độc trong cuộc đời này, và họ đơn độc trong chính tình yêu của mình.

Khi Khôi ra đi, Lam mất phương hướng. Lam tìm mọi cách vẫy vùng để thoát khỏi số phận, để thoát khỏi bi kịch, và anh ta chết trong chính bi kịch mà mình đã bày ra.

Đạo diễn đã chọn một cách nhìn trực diện (có phần sống sượng) vào đời sống cũng như tình yêu, tình dục của những người đồng tính. Những cảnh quay trần trụi, những bi kịch giằng xé, những bí mật bẩn thỉu… đã phơi bày trên phim cuộc sống dữ dội của người đồng tính. Họ lầm lạc, họ bất cần, họ bế tắc… Và họ đơn độc đến vô cùng.

Nhu cầu sống tử tế, nhu cầu được yêu thương đàng hoàng luôn bị che lấp bởi nỗi sợ hãi bị người đời rẻ khinh, xua đuổi.
 
“Hotboy nổi loạn…” và câu chuyện buồn về sự đơn độc - 7
 
 
***

Bộ phim “Hotboy nổi loạn và câu chuyện về chàng Cười, cô gái điếm và con vịt” được xây dựng trên nền một kịch bản chặt chẽ, giàu chất liệu điện ảnh. Ngay cả những cảnh quay đẹp, phần âm nhạc sống động… cũng góp phần làm nên sự cay đắng, sự đơn độc cho những thân phận bi kịch.

H.H