1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Định:

Hỗn loạn tại phiên tòa xử các đối tượng đào phá 21 ngôi mộ

(Dân trí) - Sau khi nghe tuyên bố của kiểm sát viên, đại diện Viện kiểm sát Bình Định giữ quyền công tố tại tòa tuyên bố hoãn phiên tòa vì thiếu nhân chứng. Quá bức xúc, những người bị hại đã xông lên phản đối kịch liệt, gây cảnh hỗn loạn.

Sáng 28/11, TAND tỉnh Bình Đình đã mở phiên tòa phúc thẩm hình sự vụ án: “Xâm phạm trái phép mồ mả, hài cốt” theo điều luật 246 Bộ luật hình sự.

 

Khoảng 8 giờ 30 phút, phiên tòa bắt đầu, đại diện Hội đồng xét xử sau khi thẩm tra lại lý lịch bị cáo, người bị hại và những người có liên quan đến vụ án di dời trái phép 21 ngôi mộ tại Xứ Bàu Đưng thuộc thôn Vĩnh Bình, xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định xảy ra hồi tháng 1/2011.
 
Hỗn loạn tại phiên tòa xử các đối tượng đào phá 21 ngôi mộ - 1


Hỗn loạn tại phiên tòa xử các đối tượng đào phá 21 ngôi mộ - 2

Sau khi chủ tọa phiên tòa tuyên bố tạm hoãn xử, không khí trở nên vô cùng căng thẳng, các bị hại phản ứng mạnh gây cảnh hỗn loạn

 

Phiên tòa trở nên căng thẳng, hỗn loạn khi đại diện VKSND tiếp tục thẩm tra lại lý lịch phía người bị hại; cho rằng thiếu nhân chứng, không có đại diện chính quyền địa phương nên quyết định hoãn phiên tòa.

 

Qua bức xúc người bị hại đứng lên phản đối gay gắt. Đại diện VKSND tại phiên tòa đáp lại có phần nặng lời gây tâm lý bất bình. Sẵn nỗi bức xúc về việc mồ mả người thân bị đào bới tung, di dời đi nơi khác, gần 20 người bị hại đã xông lên chửi bới, đập bàn ghế, la lối om xòm khiến phiến tòa vô cùng hỗn loạn.

 

Lực lượng công an bảo vệ phiên tòa phải rất nỗ lực mới vãn hồi được trật tự. Sau đó đại diện Hội động xét xử, ông Hồ Khá, Chủ tọa phiên tòa, tuyên bố hoãn xử.

 

Trao đổi với PV, ông Hồ Khá cho biết: “Phiên tòa bị hoãn lại là do thiếu 2 người bị hại (13/15 người bị hại được triệu tập có mặt), do kiểm sát viên đề nghị, bị cáo kêu oan và do luật sư đại diện phía bị hại cũng đề nghị hoãn”.

 

Sau khi phiên xử bị tạm hoãn, người dân tiếp tục tìm đến trụ sở UBND tỉnh Bình Định kêu oan, nhờ tỉnh can thiệp.
 
Hỗn loạn tại phiên tòa xử các đối tượng đào phá 21 ngôi mộ - 3
Các bị hại kéo nhau sang trụ sở UBND tỉnh Bình Định nhờ can thiệp

 

Chị Đỗ Thị Hồng là một trong số các bị hại, bức xúc: “Mồ mả ông cố, bà nội và cậu em tôi bị chúng đào bới tung đem nơi khác không biết xương cốt có còn nguyên vẹn không. Chúng tôi những người dân quê mùa phải bỏ bê công việc đồng áng, anh chị em thuê xe từ quê vào thành phố Quy Nhơn tốn cả triệu đồng để dự phiên tòa với mong muốn tòa án xử đúng người đúng tội trả lại công bằng cho người dân. Lẽ ra người bị hại như chúng tôi phải được bênh vực, trái lại ông đại diện VKSND lại còn có hành động nạt nộ, quát tháo, lăng mạ chúng tôi, thử hỏi phiên tòa như vậy có còn có minh bạch”.

 

Anh Đỗ Thiện Nghĩa cũng bày tỏ quan điểm: “Bản thân tôi đến ngày hôm nay tòa án xử mà chưa nhận được giấy mời. Từ hôm xảy ra vụ việc đến nay có cả 20 lần từ Đắc Lăk về Bình Định để giải quyết công việc tốn kém tiền bạc mà chẳng đến đâu. Nguyện vọng chúng tôi là mong tòa án, cơ quan chức năng xử lý đúng người đúng tội, nhanh chóng bồi thường thiệt hại thỏa đáng để ổn định công việc làm ăn”.
 
Hỗn loạn tại phiên tòa xử các đối tượng đào phá 21 ngôi mộ - 4
Chị Hồng (áo kẻ), chị Thư trình bày nỗi bất bình với phóng viên

 

Lật lại hồ sơ vụ án, tháng 6/2010, UBND xã Mỹ Phong quy hoạch khu vực gò mả xứ Bàu Đưng thuộc thôn Vĩnh Bình - nơi chôn cất 21 ngôi mộ (20 mộ của dòng họ Đỗ và một mộ của dòng họ Phan) - cho Công ty Đông Tâm thuê để mở cây xăng.

 

UBND xã đưa ra mức đền bù gần 30 triệu đồng để thân nhân bốc mộ đi nơi khác nhưng các gia đình không chấp nhận vì cho rằng đây là nghĩa trang tộc họ đã có từ lâu. Sau đó, xã quyết định giao cho phía công ty thương lượng trực tiếp với các hộ và đưa ra mức đền bù là 70 triệu đồng. Tuy nhiên, một số gia đình dòng họ Đỗ vẫn kiên quyết không nhận.

 

Muốn nhanh chóng có mặt bằng triển khai dự án, khoảng 1 giờ sáng 19/1/2011, với sự thông đồng của Đỗ Thị Ngọc Dung (con cháu họ Đỗ), Nguyễn Chí Đông, 39 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Đông Tâm II, đã dẫn nhiều người đến trực tiếp đào phá tất cả 21 ngôi mộ, bỏ vào 22 cái quách rồi đem cải táng tại một đám đất gần đó.

 

Tại phiên xử sơ thẩm ngày 9/9, TAND huyện Phù Mỹ đã tuyên phạt Nguyễn Chí Đông 24 tháng tù; Đỗ Thị Ngọc Dung (trú xã Mỹ Phong) 18 tháng tù; Nguyễn Ngọc Truyền (trú thị trấn Phù Mỹ) 15 tháng tù; Nguyễn Bé, Lê Kim Thạch (trú thị trấn Bình Dương), Võ Thành Đông (trú xã Mỹ Quang) mỗi bị cáo 12 tháng tù về tội xâm phạm mồ mả, hài cốt.

 

Doãn Công