Hiện thực dưới gầm bàn

Việc giảm trần lãi suất huy động tiền đồng xuống 12% và nhận định lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh có thể xuống mức 13-16% hoặc thấp hơn là tín hiệu tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp.

Chỉ dám nói là tín hiệu thôi bởi lẽ, thực tế của hoạt động vay vốn đôi lúc khác xa với mức lãi suất mà người ta nghe thấy. Tại buổi đối thoại giữa Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia với các DN thuộc Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea) ngày 11.4 vừa qua, câu chuyện vay vốn và lãi suất được bóc ra để lộ một phần chân dung thật của nó. Bà Đỗ Thị Loan - Tổng Thư ký thường trực Horea - không ngại ngần nói: “Các DN BĐS đang phải chịu lãi suất quá cao, lãi suất công khai thì khoảng 20%/năm, nhưng lãi suất dưới gầm bàn lên đến 30%/năm” (Lao Động số 82, ngày 12/4/2012).

Ý kiến của bà Đỗ Thị Loan không gây sốc cho bất kỳ ai, bởi vì chính các DN quá hiểu về hiện thực tối tăm này. Tưởng cũng cần nhắc lại báo cáo nghiên cứu thực trạng tham nhũng trong DN tại VN vừa được Phòng Thương mại - Công nghiệp VN và Thanh tra Chính phủ công bố. Cụ thể về lĩnh vực tiếp cận vốn vay của Nhà nước, 39,9% số DN cho biết phải có chi phí bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng. Mức chi phí này thấp nhất là 2,8% và cao nhất có thể lên đến 10% tổng vốn vay. Cho nên không lạ gì khi có thông tin về mức lãi suất vay mới, nhiều DN không mấy mặn mà bởi vì họ biết sẽ rất khó khăn để tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất dễ chịu hơn này.

Niềm tin của DN bị xói mòn đến nỗi những công bố liên quan đến lãi suất cho dù được phát ra bởi người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng không củng cố được gì hơn trong suy nghĩ của cộng đồng DN ngoài sự chờ đợi và hy vọng những gì sẽ xảy ra trong thực tiễn. DN không cần một liều thuốc an thần để xoa dịu cơn đau về vốn, mà mong muốn nắm được đồng tiền chắc nịch trong tay với mức lãi suất chứa đựng các cơ hội kinh doanh mang lại hiệu quả cho bản thân và tạo sức sống cho nền kinh tế.

Nếu như câu chuyện dưới gầm bàn vẫn tiếp tục tái diễn thì mức lãi suất đưa ra dù rất hấp dẫn cũng chẳng có nghĩa gì. Nói cách khác, DN chờ đợi nhiều hơn không phải chỉ là hạ lãi suất cho vay, mà khả năng tốt nhất để họ tiếp cận nguồn vốn và sự minh bạch thông suốt trong quá trình tiếp cận. Điều đó còn quan trọng hơn là hạ lãi suất dù thấp, nhưng chỉ là những trang giấy nằm ngay ngắn trên mặt bàn của các ngân hàng.
 
Theo Lê Thanh Phong
Lao Động