Hàng trăm người dân thoát nạn sụt lở nhờ cán bộ làm quên giờ hành chính

(Dân trí) - “Đến khảo sát, chúng tôi thấy vết nứt trên lộ dài hơn 30m, nhiều nhà dân cũng xuất hiện vết nứt. Anh em chúng tôi nhận định nguy cơ sạt lở rất cao, quyết định di dời dân ngay mà không kịp báo về cấp trên”. Ông Vũ Minh Thao – Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới nói.

Nước tới chân… phải nhảy

Mấy ngày qua, nhiều lãnh đạo Trung ương đến khảo sát thực tế vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra trên tuyến đường liên xã Mỹ Hội Đông (tổ 11, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới) làm 14 nhà dân đổ sụp xuống sông trong chớp mắt, các cán bộ đều biểu dương tinh thần làm việc khẩn trương, nhất là công tác dự báo, tổ chức di dời dân kịp thời của An Giang… Nhờ đó, vụ sạt lở nghiêm trọng nhưng chỉ thiệt hại về tài sản, không ai bị thương vong.

Thảm họa sạt lở bất ngờ xảy ra và kéo sụp 14 nhà dân xuống sông Hậu trong chớp mắt... Nhưng rất may cán bộ đã kịp thời di dời dân nên không ai bị thương vong
Thảm họa sạt lở bất ngờ xảy ra và kéo sụp 14 nhà dân xuống sông Hậu trong chớp mắt... Nhưng rất may cán bộ đã kịp thời di dời dân nên không ai bị thương vong

Rõ ràng là vậy, khi PV Dân trí đến tâm điểm vùng sạt lở mới thấy “tình quân dân” gắn bó thế nào sau vụ thiên tai hãi hùng xảy ra vào sáng 22/4. Ông Nguyễn Hùng Ban nói: Đến bây giờ tôi vẫn chưa thể ngủ yên giấc vì trong đầu vẫn nghe thấy tiếng ầm ầm của hàng chục căn nhà sụp xuống sông trong chớp mắt. Mặt khác, tôi không ngủ được vì mừng vui… vui vì tôi và các con còn sống mà ơn này là nhà cán bộ làm việc hết mình vì dân, chứ cán bộ làm việc theo giờ hành chính là tan nhà nát cửa hết...

Ông Ban, cho biết, khoảng 17h ngày 20/4, ông Ban nhờ người cháu đến báo với lãnh đạo UBND xã Mỹ Hội Đông về dấu hiệu bất thường ở bờ sông Hậu, khoảng 10 phút sau, lãnh đạo xã đến khảo sát và yêu cầu người dân di dời nhà. Theo ông Ban, rất nhiều hộ phản đối việc này nhưng cán bộ vẫn kiên quyết, nhờ đó mà hàng trăm người dân mới thoát nạn.


Ông Nguyễn Hùng Ban và nhiều người dân khác đến nay chưa thể ngủ ngon vì nổi ám ảnh của vụ sạt lở

Ông Nguyễn Hùng Ban và nhiều người dân khác đến nay chưa thể ngủ ngon vì nổi ám ảnh của vụ sạt lở

Ông Trần Văn Bi – chủ căn nhà trị giá hơn 3,5 tỷ đồng trôi xuống sông trong chớp mắt thú nhận, lúc sáng tôi đã thấy một tấm gạch ở hành lang gãy đôi nhưng không quan tâm. Đến chiều tối thấy có đường nứt lớn xuất hiện trước cổng rào, tôi điện thoại cho ông Phó Chủ tịch Nguyên (Hồ Đăng Nguyên – Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Hội Đông) để phản ánh việc anh em thi công điện, nước cẩu thả làm vỡ ống nước chảy khắp nơi, làm nứt nẻ sân nhà…chứ không nghĩ đường nứt là dấu hiệu của sạt lở.

Qua hôm sau, cán bộ bảo tôi di dời tài sản, tôi cũng dọn nhưng chẳng tin, vì nhà tôi đóng cừ khoan kiên cố nên chiều tối hôm đó còn ngủ lại nhà. Ai ngờ sáng hôm sau (22/4) khoảng 9 giờ sáng căn nhà cả đời tôi dành dụm xây dựng, phút chốc trôi hết xuống sông. Nhưng rất may, cả nhà tôi còn sống, vì nghe lời cán bộ.

Ông Hồ Đăng Nguyên – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hội Đông, kể lại: Hôm 20/4, khoảng 17 giờ, tôi nhận tin báo của một người dân về dấu hiệu bất thường xảy ra ở tuyến bờ sông Hậu thuộc tổ 11, ấp Mỹ Hội. Tôi báo ngay với Đảng ủy, ủy ban và cấp tốc cùng anh em xuống hiện trường khảo sát. Khi đến đây, anh em chúng tôi thấy quá bất thường nên đồng chí Chủ tịch xã báo ngay về huyện và khoảng 20 phút sau, đồng chí Vũ Minh Thao – Phó Chủ tịch huyện Chợ Mới cùng đồng chí Phó Bí thư huyện và một số cán bộ khác có mặt tại hiện trường, cùng khảo sát.

Ông Vũ Minh Thao – Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, cho biết:"Tôi đến nơi không nhớ chính xác là mấy giờ nhưng trời đã nhá nhem tối. Sau khi cùng anh em khảo sát các vết nứt (trên lộ, nhà dân) và nghe bà con mô tả nền đất bờ sông sụt lún cả 1m, anh em chúng tôi thấy nguy cơ sạt lở rất cao, rất cấp bách vì đe dọa đến sinh mạng của hàng trăm hộ dân nơi đây… Lúc đó, tôi không còn thời gian suy nghĩ nhiều, tôi chỉ đạo di dời dân ngay mà không kịp báo về cấp trên…”.

Không chờ kết quả quan trắc…

Sau khi có “lệnh” của ông Thao, lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ xã và nhiều cán bộ ở các ban ngành đoàn thể xắn tay vào việc. Đối với cán bộ đoàn thể làm nhiệm vụ tuyên truyền vận động dân di dời. Khi hộ nào đồng ý, lực lượng công an, quân sự… vào nhà cùng người dân di dời đồ đạc ra ngoài.

Ông Trần Thanh Phong – Chủ tịch UBND xã Mỹ Hội Đông chia sẻ: Khi chúng tôi đến vận động người dân di dời tài sản, nhiều bà con không quan tâm và cho rằng vết nứt trên lộ là do xe tải chạy; một số hộ khác lấy lí do ban đêm hay nhà có thờ ông bà… nên không muốn di dời. Tuy nhiên, đêm đó chúng tôi vẫn kiên trì vận động di dời được 6 hộ dân. Lúc này đã 2 giờ sáng.


Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà và nhiều đồng chí Trung ương đến khảo sát vùng sạt lở.

Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà và nhiều đồng chí Trung ương đến khảo sát vùng sạt lở.

Ông Phong cho biết thêm, đến sáng 21/4, đồng chí Lâm Quang Thi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cùng Trung tâm quan trắc đến khảo sát. Sau khi nghe địa phương báo cáo, cán bộ quan trắc cho biết nếu tiến hành khảo sát, 3 ngày sau mới có kết quả (vì hôm đó là thứ 6)…

Các đồng chí địa phương và đồng chí Lâm Quang Thi không đồng tình, vì cho rằng “nước đã tới chân… phải nhảy liền” nên ông Thi chỉ đạo trung tâm quan trắc làm ngay và chiều cùng ngày phải có kết quả khảo sát. Đến chiều khi có kết quả quan trắc, địa phương phát hiện hố xoáy sâu và dài 380m, rộng 120m… nên mở rộng khu vực sạt lở lên hàng trăm mét và nâng số hộ phải di dời lên 108 hộ.


Địa phương không chỉ huy động lực lượng giúp trước khi sạt lở xảy ra mà sau khi vụ việc xảy ra, chính quyền địa phương tiếp tục sát cánh với người dân, kịp thời hỗ trợ người dân từ phần cơm, nước uống đến dựng nhà...

Địa phương không chỉ huy động lực lượng giúp trước khi sạt lở xảy ra mà sau khi vụ việc xảy ra, chính quyền địa phương tiếp tục sát cánh với người dân, kịp thời hỗ trợ người dân từ phần cơm, nước uống đến dựng nhà...

Sau buổi họp đó, UBND huyện tặng cường lực lượng cho UBND xã Mỹ Hội Đông, khẩn trương di dời dân và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở… Các lực lượng, gồm công an, quân sự, dân quân tự vệ,… người dân… làm việc không ngơi nghỉ và đến sáng hôm sau (22/4) lực lượng chức năng đã di dời được 58 hộ dân. Khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, trong lúc cán bộ cùng người dân di dời tài sản (cách khu vực sạt lở hiện tại khoảng 100m) bất ngờ 14 căn nhà cặp bờ sống Hậu bị kéo sụp xuống sông trong chớp mắt. Người dân cuốn cuồng tháo chạy… nhưng không ai bị thương vong.

Moi lực lượng đều túc trực 24/24 để sẵn sàng hỗ trợ người dân khi có việc cần
Moi lực lượng đều túc trực 24/24 để sẵn sàng hỗ trợ người dân khi có việc cần

Tiếp xúc với PV Dân trí, ông Nguyễn Hùng Ban, ông Trần Văn Bi, bà Nguyễn Thị Tua… và nhiều người dân khác nữa đều chia sẻ, sau vụ sạt lở, tài sản gần như mất hết, cuộc sống hiện tại của bà con còn nhiều khó khăn… Nhưng bà con đều cảm thấy vui và biết ơn cán bộ địa phương vì tính mạng của họ còn giữ được chính là nhờ cán bộ kiên quyết, hết mình hỗ trợ di dời bà con ra khỏi vùng sạt lở mà bất chấp ngày đêm, bất chấp dân phản đối…

Nguyễn Hành