Bài 32:

Góa phụ cạn nước mắt trong vụ thi hành án giữa thủ đô: Ai chống lưng cho kẻ làm càn?

(Dân trí) - “Căm phẫn”, “phẫn nộ”, “thật không thể tin được”, “bức xúc không thể chịu nổi”… là những cảm xúc của bạn đọc khi đồng hành cùng Dân trí suốt hơn 30 bài báo phản ánh sự vô lý đến kỳ quặc trong một vụ thi hành án xảy ra ở thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Và một câu hỏi lớn được bạn đọc đặt ra là: Ai đã chống lưng cho kẻ làm càn?

Trúng đấu giá, nộp tiền mua đất vào kho bạc đã 14 năm nhưng người góa phụ nuôi con nhỏ đã khóc cạn nước mắt khi chưa được bàn giao tài sản, trong khi khối tài sản này lại bị một người không hề liên quan gì đến cuộc bán đấu giá chiếm giữ, phá huỷ toàn bộ, ngang nhiên xây mới và cho người khác sinh sống.

Thách thức luật pháp?

Bạn đọc Hoangha: “Pháp luật đang bị cơ quan hành pháp huyện Đông Anh và một số cá nhân coi thường. Không thể tin nổi!”

Bạn đọc Tuyến Trần: “Không thể tin nổi! hai tên tử tù vừa qua luôn sống trong bóng tối nay đây mai đó mà chỉ mấy ngày đã bắt được. Còn việc nói trên nằm ngoài ánh sáng lù lù như vậy mà hơn thập kỷ qua vẫn án binh bất động thử hỏi các cấp chính quyền huyện Đông Anh đang làm gì?


Đề nghị khởi tố vụ án liên quan đến sự việc từ năm 2005 đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Đề nghị khởi tố vụ án liên quan đến sự việc từ năm 2005 đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Đặt câu hỏi về có sự chống lưng, nhiều bạn đọc cùng quan điểm, như bạn đọc Bảo Yến: “ông Tuấn, ông Mai là ai mà có thể hiên ngang như vậy được? liệu có ai đó "chống lưng" đằng sau thì họ mới có thể coi trời bằng vung như vậy được chứ?”.

Bạn đọc Trúc Lâm: “Tôi đã đọc nhiều bài báo Dân trí về điều kỳ quặc này xảy ra ngay tại thủ đô của chúng ta. Kỳ quặc hơn nữa là những thế lực cố tình sống trên pháp luật một cách ngang nhiên! vậy xin hỏi ai chống lưng cho kẻ làm càn là ô Mai. Cũng may mà nhà nước dưới sự chỉ đạo của ban chống tham nhũng TW nên việc này chắc chắn có hồi kết hậu. Phải lôi chúng ra ánh sáng, trừng trị chúng thật nghiêm khắc để làm gương cho những kẻ khác đang lợi dụng danh nghĩa nhà nước để làm càn”.

“Tiền rồi, sặc mùi tiền. Đề nghị nhà báo phanh phui ra những kẻ chống lưng cho ông Mai.Vô lý và ngang ngược coi thường pháp luật đến thế là cùng. Ông này liệu có phải con ông cháu cha hay người nhà cán bộ nào ở Đông Anh?”, bạn đọc Hiền Nguyễn.

Bạn đọc Trần Phong phân tích rất chi tiết: “Lỗi đầu tiên phải hỏi đến là ban xây dựng của thị trấn Đông Anh căn cứ vào đâu để cấp phép xây dựng tòa nhà như vậy? Thứ hai khi đấu giá tài sản, chắc chắn tổ dân phố số 1, UBND thị trấn Đông Anh cũng biết đây là tài sản được sung vào công quỹ nhưng khi có người không phải là chủ sở hữu ngang nhiên đâp phá (nhà cũ) xây mới mà làm ngơ? Đặt ra câu hỏi người này có liên quan gì với lãnh đạo thị trấn, huyện hay thành phố không?

Thứ 3 là “Chi cục thi hành án dân sự huyện Đông Anh cũng đồng hành cùng chị Hạnh gửi văn bản đến Công an huyện Đông Anh và VKSND huyện Đông Anh đề nghị khởi tố vụ án, truy tìm thủ phạm từ năm 2005. Nhưng mọi sự vẫn “bặt vô âm tín”, như vậy đặt ra câu hỏi: Công an huyện, VKSND được lập ra để làm gì khi mà người dân có kiến nghị lại không giải quyết? Đề nghị xem xét lại trách nhiệm của hai người đứng đầu 2 ngành này.

Thứ 4 nếu người dân bức xúc có những hành động tiêu cực thì lỗi sẽ là của chính quyền hay tất cả do dân?”

Bạn đọc Nguyễn Hồng chỉ ra một thực trạng: “Khi người trúng thầu nộp đủ tiền là coi như trung tâm đấu giá sở tư pháp ‘hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ’. Đấy là ở Đông Anh. Chuyện chỉ có ở Hà Nội sao. Là công dân thủ đô mà thấy buồn”.

Bạn đọc Bình Đỗ Đức: “Con kiến kiện củ khoai. Một sự việc ai cũng biết đúng sai, thậm chí cơ quan nhà nước (Chi cục thi hành án dân sự huyện Đông Anh) cũng đứng về phía dân nhưng kết quả thế nào? 12 năm đá chìm biển rộng, pháp không thắng quyền”.


Ngôi nhà 4 tầng xây trái phép trên đất công nhiên chiếm đoạt đã lọt qua tất cả sự kiểm soát, thách thức pháp luật của hệ thống chính quyền huyện Đông Anh.

Ngôi nhà 4 tầng xây trái phép trên đất công nhiên chiếm đoạt đã lọt qua tất cả sự kiểm soát, thách thức pháp luật của hệ thống chính quyền huyện Đông Anh.

Bạn đọc Thong Nguyen Viet: “Xây nhà 4 tầng không chính chủ mà vẫn mọc lên như cây giữa trời, cơ quan chính quyền cần có câu trả lời thỏa đáng cho người dân vấn đề này. Liệu có sự bao che chống lưng và lợi ích nhóm dẫn đến việc thách thức pháp luật trong vấn đề này không?”

Dấu hiệu phạm tội quá rõ ràng và không thể che giấu!

Bạn đọc Đỗ Hồng Việt: “Chẳng hay ho gì khi ở trên mảnh đất mà người ta kiện mình suốt ngày! Thà mua chỗ khác, xấu hơn cũng được còn sung sướng hơn nhiều. Đây là vụ án hình sự chưa bị khởi tố, nó không còn là án dân sự nữa vì dấu hiệu phạm tội quá rõ và không thể che giấu. Phải bò tù những kẻ có chức, có quyền mà cố ý làm trái hoặc thiếu trách nhiệm, cho dù đã nghỉ hưu hay chuyển công tác. Vụ này không thể để thoát!”.

Bạn đọc Nguyễn Thị Hải Hậu đề xuất: “Cứ cách chức cái ông bí thư huyện và chủ tịch huyện Đông Anh ngay và luôn là lại hai năm rõ mười ấy mà, chỉ tội chị Hạnh thôi. Cảm ơn Báo Dân trí đã đưa tin, hy vọng quý báo sẽ đồng hành đi cùng chị Hạnh đến suốt chặng đường đòi công lý này”.

Bạn đọc Đồng Huy Hoàng: “Dân nghèo vô gia cư mà dựng cái lều vịt trên đê thôi là có người đến tháo dỡ rồi. Xây nhà hợp pháp phải xin giấy phép xây dựng. Đằng này, nó xây hẳn nhà 4-5 tầng mà không ai biết chứ”.

Bạn đọc Van Quan: “Xã hội có sự bất công ở đây, sự ''đổi trắng thay đen'' làm cho những người dân vô tội rơi nước mắt trong oan nghiệt là do đâu?. Vâng, tất cả là do những kẻ ''cầm cân nảy mực'' vô cảm, tham lam lóa mắt vì tiền! Ngay giữa Thủ đô mà còn xảy ra những chuyện ''thật như đùa'' thế này, thì thử hỏi những tỉnh thành xa Trung ương sẽ còn những chuyện ''lộng hành'' ra sao?! Cần phải mạnh tay loại bỏ những cái ''u nhọt'' này

“Cũng vì cách xử lý vi phạm không nghiêm khắc đối với tổ chức, cá nhân sai phạm ở tất cả các cấp nên dẫn đến họ coi thường pháp luật. cách chức, đuổi việc, bỏ tù tùy theo mức độ vi phạm, ngoài ra không có hình thức kỷ luật nào khác nữa thì tôi nghĩ sẽ hết thôi”, bạn đọc Hoàng Salvatore.

Góa phụ cạn nước mắt trong vụ thi hành án giữa thủ đô: Ai chống lưng cho kẻ làm càn? - 3


Người dân nộp hơn 80 triệu đồng sau khi trúng đấu giá tài sản từ năm 2002 nhưng sau 10 năm vẫn chưa được nhận bàn giao tài sản.

Người dân nộp hơn 80 triệu đồng sau khi trúng đấu giá tài sản từ năm 2002 nhưng sau 10 năm vẫn chưa được nhận bàn giao tài sản.

Bạn đọc Van Thao Nguyen: “Giữa Thủ đô mà hành động như chỗ ko người! Đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật trả lại công bằng, tức là phải cưỡng chế trả lại tài sản cho bà Hạnh!”

Bạn đọc Đàm Chính Nghĩa: “Đề nghị báo chí hỏi thẳng những cơ quan có liên quan kể cả hội đồng nhân dân thành phố và nhất định phải trả lại đúng những gì người có quyền được hưởng kể cả dùng biện pháp cưỡng chế ngay chứ không phải lại chờ đợi hàng năm nữa thì lòng tin ơi ở nơi đâu? Tôi xin hỏi, nếu đội thi hành án huyện còn chần chừ thì cơ quan nào, ai chịu trách nhiệm để kỉ luật, thay người nghĩa là trả lại quyền lợi cho người đấu giá được hưởng, hoặc ai lại hướng dẫn kiện đội thi hành án, hoặc việc thi hành chậm này có phải bồi thường cho người bị hại không?”.

“Không biết luật pháp của NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM có tồn tại ở huyện Đông Anh không? Hay có mà không được áp dụng với người dân "thấp cổ bé họng"!?. Người dân cả nước đặt câu hỏi, cả một hệ thống các ngành tư pháp đồ sộ của Hà Nội đâu? mà để sự việc diễn ra như không có luật pháp vậy", bạn đọc Xã Luận.

Như Dân trí đã đăng tải với trên 30 kỳ báo, nguồn cơn sự việc tưởng đã không còn gì có thể minh bạch hơn. Ngày 15/7/2002, chị Lê Thị Hồng Hạnh đã tham gia đấu giá và trúng đấu giá tài sản là nhà đất tại địa chỉ nhà 14B, tổ 1, Khối 3C Thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh. Sau khi trúng đấu giá, ngày 17/07/2002, chị Hạnh đã chuyển toàn bộ số tiền mua tài sản là hơn 88 triệu đồng cho Trung tâm bán đấu giá tài sản - Sở Tư pháp Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay đã 15 năm trôi qua, chị Hạnh vẫn chưa nhận được tài sản trúng đấu giá theo quy định pháp luật. Điều khiến bất cứ ai cũng phẫn nộ là khối tài sản của chị Hạnh đã bị ông Đào Xuân Mai ngang nhiên phá huỷ toàn bộ và xây dưng lên một ngôi nhà 04 tầng bề thế như thách thức chính quyền huyện Đông Anh.

Ngay sau khi phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật của ông Mai, năm 2005, chị Hạnh đã có Đơn tố cáo hành vi huỷ hoại tài sản và xây nhà trên đất của ông Mai gửi đến các cơ quan chức năng nhưng hơn 12 năm qua, chị Hạnh vẫn chưa nhận được văn bản trả lời về việc khởi tố vụ án của công an huyện Đông Anh. Ngay cả Chi cục thi hành án dân sự huyện Đông Anh cũng đồng hành cùng chị Hạnh gửi văn bản đến Công an huyện Đông Anh và VKSND huyện Đông Anh đề nghị khởi tố vụ án, truy tìm thủ phạm từ năm 2005. Nhưng mọi sự vẫn “bặt vô âm tín”.

Liên quan đến vụ thi hành án khó hiểu bởi những hành vi thách thức pháp luật tồn tại đến hơn thập kỷ vẫn không bị xử lý tại huyện Đông Anh, bạn đọc Dân trí đã bày tỏ sự phẫn nộ và đặt câu hỏi liệu có sự “chống lưng” nào trong sự việc mà những kẻ ngông cuồng, thách thức pháp luật vẫn nhở nhơ tồn tại?

Trong quá trình thông tin quyết liệt sự việc, Báo Dân trí đã tiếp tục nhận được Đơn kêu cứu khẩn cấp của bà Nguyễn Thị Thành (Sinh năm 1954, địa chỉ: Nhồi Dưới, Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội), người mà hơn 14 năm qua vẫn không được cơ quan thi hành án dân sự chi trả tiền thi hành án, số tiền mà chị Hạnh trúng đấu giá đã nộp theo quy định.

Để có thông tin minh bạch về vụ thi hành án kỳ quặc này, PV Dân trí đã liên hệ làm việc với Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội. Cục thi hành án đã tiếp nhận nội dung và cho biết sẽ sắp xếp lịch, liên hệ lại với PV Dân trí sau.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Khả Vân (tổng hợp)